“Nghìn thu nhớ Bác biết bao nhiêu!”

(Baohatinh.vn) - 52 năm Bác đi xa nhưng tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, trí tuệ, phong cách của Người vẫn còn sống mãi, soi rọi con đường đi của cả dân tộc và của mỗi một chúng ta.

Dẫu mùa thu này dịch bệnh còn diễn ra nhưng âm hưởng của không khí ngày Quốc khánh về trên khắp đất nước, quê hương. Mừng vui, tự hào bao nhiêu, chúng ta càng thêm biết ơn Bác, tưởng nhớ Người đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bác đã giã từ chúng ta để về với “thế giới người hiền” cũng vào một ngày thu năm 1969.

Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu TTXVN)

Ôi Bác Hồ ơi, những xế chiều

Nghìn thu nhớ Bác biết bao nhiêu!

Ra đi Bác dặn: “Còn non nước...”

Nghĩa nặng, lòng không dám khóc nhiều

Bài thơ “Bác ơi!” của nhà thơ Tố Hữu viết vào ngày 6/9/1969, mấy ngày sau thời khắc Bác ra đi đã nói hộ tấm lòng tiếc thương, kính trọng của hàng triệu người Việt Nam lúc đó và cả mai sau. Không chỉ một mùa thu, hàng chục mùa thu qua, hàng trăm và hàng nghìn mùa thu sau, cả dân tộc Việt Nam sẽ còn thương nhớ Bác, người lãnh tụ muôn vàn kính yêu đã cống hiến trọn đời mình cho Tổ quốc, cho Nhân dân. Người ra đi, để lại sự nghiệp cách mạng to lớn, để lại những di sản tư tưởng, đạo đức, tinh thần không chỉ cho một thế hệ mà cả muôn đời sau.

Ngày 5-6-1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước tại bến cảng Nhà Rồng. Ảnh tư liệu.

Thuở nô lệ thân ta nước mất/ Cảnh cơ hàn, trời đất tối tăm/ Một đời đau suốt trăm năm/ Chim treo trên lửa, cá nằm dưới dao(1). Giữa màn đêm đen tối ấy, một ngôi sao đã bừng sáng trên bầu trời Việt Nam. Từ những ngày thơ ấu trải bao mất mát riêng chung, Nguyễn Sinh Cung đã thấm nhuần tư tưởng yêu nước của người cha và các bậc tiền bối. Tuổi thanh niên đầy khát khao, hoài bão cứu nước, Nguyễn Tất Thành đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước.

Từ một thầy giáo, anh trở thành phụ bếp, bồi bàn, rồi thợ quét tuyết, rửa ảnh. Không khó khăn nào ngăn được chí lớn của người trai Xứ Nghệ. Giữa Pa-ri hoa lệ, nơi căn phòng nhỏ, một viên gạch hồng đã sưởi ấm trái tim yêu nước ấy: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa(2).

Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp ở Tua, tháng 12.1920. Ảnh tư liệu.

Từ chủ nghĩa yêu nước, Nguyễn Tất Thành đã đến với chủ nghĩa cộng sản, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên, người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Người đã đón nhận ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, định hình con đường đi của dân tộc, đó là đấu tranh lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, lập ra nhà nước dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ lãnh đạo Nhân dân Việt Nam hoàn thành sứ mệnh cao cả ấy.

Ngày 3/2/1930, tại Hương Cảng, Hồng Kông (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc triệu tập hội nghị thành lập Đảng, đánh dấu sự mở đầu của cách mạng Việt Nam thông qua sự lãnh đạo của một chính đảng vô sản, với mục tiêu cao nhất là giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho đất nước, hạnh phúc cho Nhân dân.

Từ năm 1930-1941, Nguyễn Ái Quốc ở bên ngoài lãnh đạo phong trào đấu tranh của Nhân dân. Năm 1941, sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài, một buổi sáng mùa xuân, Người trở về Tổ quốc ở Cao Bằng. Từ đó đến năm 1945, Người đã sống trong cảnh “cháo bẹ rau măng” nơi núi rừng Việt Bắc, lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Nhân dân ta khởi nghĩa giành chính quyền, đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, lập ra Nhà nước dân chủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, tuyên bố với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”.

Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch ra mắt quốc dân (3/11/1946). Ảnh: tư liệu

Năm 1946, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, Người lại cùng toàn Đảng tiếp tục lãnh đạo Nhân dân ta đánh đuổi thực dân Pháp, làm nên sự kiện “9 năm làm một Điện Biên”, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Hòa bình chưa được bao lâu, đế quốc Mỹ thay chân Pháp xâm lược nước ta, Người đã lãnh đạo toàn dân chống Mỹ cứu nước. Năm 1969, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đi vào giai đoạn ác liệt, Người phải ra đi khi chưa thực hiện được ước nguyện “Nam Bắc sum họp một nhà”.

Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc điếu văn trong Lễ tang của Hồ Chủ tịch. Ảnh: tư liệu

Những ngày đặc biệt ấy, “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”. Nước mắt chảy dài trên những gương mặt em thơ, cụ già, người lính, người nông dân, người cán bộ… Nỗi đau bao trùm lên toàn đất nước còn chịu cảnh chiến tranh, chia cắt. Trong điếu văn đọc tại lễ truy điệu Người, Tổng Bí thư Lê Duẩn khẳng định: “Dân tộc ta, Nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, Nhân dân ta và non sông đất nước ta”.

Thực hiện lời dặn của Người trong Di chúc, toàn Đảng, toàn dân đã sát cánh bên nhau thành một khối vững chắc, sẵn sàng hiến dâng xương máu và sức lực, của cải, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đúng như lời khẳng định của Bác: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta, dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”.

Nhân dân Sài Gòn đón chào quân giải phóng chiếm phủ tổng thống ngụy, trưa 30-4-1975. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN )

Ngày 30/4/1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hoàn toàn thắng lợi. Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, cả đoàn người náo nức mang theo ảnh Bác xuống đường, vui đến trào nước mắt.

Còn non, còn nước, còn người

Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay (3).

Lời khẳng định, cũng là lời mong ước, là lời dặn dò của Người trong Di chúc nay đã thành hiện thực. Sau 46 năm, Bắc Nam sum họp, cả nước đang đi lên CNXH, toàn dân đoàn kết quanh Đảng và Chính phủ xây dựng lại đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Sau 35 năm đổi mới, nước ta đã từng bước thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu, sánh ngang với các nước trong khu vực và trên thế giới. Chính trị ổn định, kinh tế có bước tăng trưởng, văn hóa - xã hội phát triển, mọi người dân “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

52 năm Bác đi xa nhưng tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, trí tuệ, phong cách của Người vẫn còn sống mãi, soi rọi con đường đi của cả dân tộc và của mỗi một chúng ta. Hình bóng của Người vẫn còn bao trùm lên non sông, đất nước Việt Nam. Bác là niềm tin, sức mạnh giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, vững vàng tiến về phía trước. Chúng ta nguyện sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại.

-------------

(1) Tố Hữu - Ba mươi năm đời ta có Đảng.

(2) Chế Lan Viên - Người đi tìm hình của nước.

(3) Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói