"Trẹo lưỡi" với ngôn ngữ tự chế
Trò chuyện với các bạn trẻ gen Z, có lẽ không ít người thuộc các thế hệ trước sẽ “choáng váng” trước loạt từ ngữ lạ lẫm. Gần đây, những cụm từ như câu "cho xin số tài khoản", "đoàn mình di chuyển lên núi"… được giới trẻ sử dụng nhiều trong giao tiếp đời thường và cả trên mạng xã hội. Với nhiều người, những tưởng các câu nói này vô nghĩa. Thế nhưng, với người trẻ, đây lại là những cụm từ thuộc "từ điển gen Z".
Chị Đặng Thị Thuý Huyền (SN 2001, nhân viên văn phòng luật sư Lê Hùng, phường Thành Sen, Hà Tĩnh) chia sẻ: "Lên mạng, những câu như: cho mình xin số tài khoản, cái trán phát wifi luôn rồi… dường như phủ sóng. Ban đầu mình đọc không thể hiểu được. Nhưng hóa ra đó là một cách chơi chữ của gen Z mà mãi sau mình mới hiểu ra nghĩa của chúng".
Chị Huyền giải thích thêm: "Thay vì nói "mắc cỡ quá" thì sẽ nói là "rồi đoàn mình di chuyển lên núi ở dùm em". Khi được ai đó khen, thay vì cảm ơn, sẽ nói "cho xin số tài khoản", nghĩa là chuyển khoản để thay lời tri ân. Còn "trán phát wifi", có nghĩa là đang khó chịu, bực bội".
Kiểu ngôn ngữ “độc lạ” này đang khá thịnh hành trong giới trẻ. Dù không theo bất cứ quy ước nào, song với kiểu ngôn ngữ tự chế đa số các bạn trẻ đều dễ dàng nhận biết. Không ít bạn trẻ xem loại ngôn ngữ này là sành điệu dùng để “mua vui”, giải trí, thậm chí còn xem đây là tiêu chí bắt kịp thời đại, thể hiện “đẳng cấp”. Các bạn trẻ cũng ngầm mặc định rằng, việc không hiểu ngôn ngữ tự chế là “quê”, lạc hậu trong cuộc sống hiện đại.
Là một chàng trai thuộc thế hệ gen Z, Trần Huy Sang (SN 2008, học sinh Trường THPT Cẩm Xuyên) cho hay: "Em thấy với việc sử dụng ngôn ngữ tự chế trong lúc giao tiếp với bạn bè là bình thường. Chúng em thường viết theo âm, đọc sao, nói sao thì viết vậy để cuộc trò chuyện thêm vui vẻ, thoái mái, miễn đối phương đọc hiểu được là được”.
Khi xem một số trang mạng xã hội trên Facebook như: "cuộc sống gen Z", "thổ dân gen Z", "insight gen Z", … mới thấy ngôn ngữ “chat” của giới trẻ bây giờ rất đa dạng, phong phú nhưng rất khó hiểu bởi chữ nghĩa bị mã hóa, bớt xén, cắt nối, thậm chí dùng cả ký hiệu Toán học, Tiếng Anh để gửi thông điệp của mình trên tin nhắn, bình luận.
Ví dụ như dùng từ “Chằm Zn” (trầm kẽm), “gato” (ghen ăn tức ở) hay “s2y” (same to you - bạn cũng vậy nha). Có những kiểu viết được mã hóa hoàn toàn với các dấu *, #, @... khiến người đọc không thể đoán ra, hoặc đổi chữ “y” thành “i”, chữ “x” thành “s”, chữ “, chữ “q” thành “w” như “iu wá” (yêu quá), “lun lun” (luôn luôn), thậm chí là “lemon question” (chanh hỏi - chảnh), "sony" (xin lỗi)...
Tuy nhiên, một số bạn trẻ cũng thừa nhận, dù dùng nhiều và khá rành những ký hiệu của ngôn ngữ mạng, nhưng vẫn có trường hợp người gửi bị hiểu lầm dẫn đến bất lợi trong các mối quan hệ.
Sử dụng ngôn ngữ tự chế sao cho phù hợp?
Ngôn ngữ tự chế trong giới trẻ đang trở thành chủ đề tranh cãi bởi ngày càng nhiều người lạm dụng trong các văn bản hành chính, giao tiếp hay thậm chí là sử dụng trong các bài thi. Đặc biệt, ngôn ngữ này cũng được biến tấu bằng từ ngữ của người lớn nhằm qua mắt chính sách kiểm duyệt của các nền tảng mạng xã hội, gây nên tình trạng lệch chuẩn ngôn ngữ.
Với vai trò là một bậc phụ huynh có con trong độ tuổi gen Z và đồng thời là người giáo viên môn Ngữ Văn có hơn 30 năm tuổi nghề, cô Nguyễn Thị Cường (giáo viên Trường TH&THCS Phan Đình Giót, xã Cẩm Xuyên) cho hay: "Ngôn ngữ là sự sáng tạo thú vị của các bạn trẻ, nhất là học sinh, sinh viên thời nay. Song, các bạn chỉ nên sử dụng nó khi nói chuyện, nhắn tin với bạn bè, những người ngang tầm tuổi. Thực tế hiện nay, nhiều bạn trẻ sử dụng ngôn ngữ tự chế ở mọi lúc mọi nơi, thậm chí với cả các ông, bà khiến họ không hiểu hoặc hiểu sai câu chuyện”.
Cũng theo cô Cường, dù chúng ta đang sống ở thời đại mới, hội nhập, công nghệ 4.0, thoả sức sáng tạo nhưng chúng ta vẫn phải gìn giữ, phát huy vẻ đẹp truyền thống của Tiếng Việt. Bởi thế, chúng ta không nên lạm dụng ngôn ngữ tự chế quá mức, làm mất đi sự trong sáng của Tiếng Việt.
Cũng bàn về vấn đề này, TS. Nguyễn Thị Lệ Hằng (Phó Trưởng Khoa Tiếng Việt, Trường Đại học Hà Tĩnh) đưa ra quan điểm: "Việc giới trẻ sử dụng ngôn ngữ tự chế không nên cấm đoán mà cần sự định hướng. Cha mẹ, thầy cô cần trang bị cho thế hệ trẻ tình yêu và sự hiểu biết sâu sắc về vẻ đẹp, sự chuẩn mực của Tiếng Việt. Từ đó, các em sẽ tự có ý thức và khả năng điều chỉnh việc sử dụng ngôn ngữ cho phù hợp với từng hoàn cảnh giao tiếp cụ thể, biết lúc nào cần trang trọng, chuẩn mực và lúc nào có thể sáng tạo, phá cách. Đó chính là cách để vừa bảo tồn di sản quý báu của dân tộc, vừa để Tiếng Việt tiếp tục phát triển một cách sống động và hội nhập mà không mất đi giá trị vốn có".