Người dân Hà Tĩnh còn “ngại” với dịch vụ Mobile Money

(Baohatinh.vn) - Sau gần 9 tháng triển khai dịch vụ Mobile Money (thanh toán hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ... qua thuê bao di động), số lượng người dân trên địa bàn Hà Tĩnh sử dụng còn khá ít, nhất là ở khu vực nông thôn.

Tháng 11/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money thanh toán hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ qua các nhà mạng MobiFone, VNPT và Viettel trên phạm vi toàn quốc, thời gian thí điểm đến tháng 11/2023.

Mobile Money là dịch vụ cho phép khách hàng dùng tài khoản viễn thông để thực hiện nhiều giao dịch như: thanh toán hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, chuyển tiền, nạp hoặc rút tiền trực tiếp tại hệ thống cửa hàng, điểm giao dịch rộng khắp trên toàn quốc của các nhà mạng mà không yêu cầu phải có tài khoản ngân hàng, không yêu cầu phải sử dụng smartphone và không cần kết nối internet.

Người dân Hà Tĩnh còn “ngại” với dịch vụ Mobile Money

Anh Nguyễn Trần Tuấn (thị trấn Lộc Hà) thường xuyên sử dụng dịch vụ Mobile Money để thanh toán hàng hóa, dịch vụ có mệnh giá nhỏ.

Tại Hà Tĩnh, dịch vụ thanh toán này đã được các nhà mạng Viettel, VNPT và MobiFone phối hợp đẩy mạnh truyền thông, nhắn tin thông báo tới 100% thuê bao khách hàng và cử đội ngũ cán bộ xuống cơ sở tư vấn, hướng dẫn người dân đăng ký, trải nghiệm dịch vụ mới song nhìn chung kết quả chưa như mong đợi.

Anh Nguyễn Trần Tuấn (thị trấn Lộc Hà) là 1 khách hàng đã sử dụng dịch vụ Mobile Money của nhà mạng Viettel Hà Tĩnh. Sau nhiều tháng trải nghiệm, anh tỏ ra hài lòng với những tính năng tiện ích mà dịch vụ hiện đại này mang lại.

Anh Tuấn cho biết: “Được nhân viên nhà mạng giới thiệu và mời trải nghiệm dịch vụ, tôi đã tải ứng dụng, nạp tiền vào tài khoản tại điểm giao dịch của Viettel. Với mỗi tháng không quá 10 triệu đồng nạp tiền vào tài khoản là tôi có thể sử dụng để chuyển tiền, nạp hoặc rút tiền, thanh toán các hàng hóa, dịch vụ bất cứ lúc nào qua điện thoại di động. Sử dụng dịch vụ này tôi không mất phí, thậm chí còn được chiết khấu phần trăm khi thanh toán”.

Tiện ích là vậy, tuy nhiên không phải chủ thuê bao di động nào cũng hào hứng trải nghiệm dịch vụ này. Ông Nguyễn Sỹ Tuấn - Phó Giám đốc Viettel Hà Tĩnh đánh giá: “Việc các nhà mạng triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money sẽ tận dụng được hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông, giảm các chi phí để phát triển, mở rộng kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động. Đây cũng là một giải pháp để triển khai dịch vụ tài chính đến mọi người dân, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Sử dụng Mobile Money giúp người dân có một kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị điện thoại thay vì phải đến trụ sở ngân hàng giao dịch, từ đó gia tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ”.

Người dân Hà Tĩnh còn “ngại” với dịch vụ Mobile Money

Viettel Hà Tĩnh đã nỗ lực để đưa dịch vụ tiện ích này đến khách hàng với hạ tầng đồng bộ gồm 15 cửa hàng, trên 2.300 điểm bán, 295 hộ kinh doanh và gần 300 tư vấn viên hỗ trợ.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, mặc dù thời gian qua, Viettel Hà Tĩnh đã nỗ lực để đưa dịch vụ tiện ích này đến khách hàng với hạ tầng đồng bộ gồm 15 cửa hàng, trên 2.300 điểm bán, 295 hộ kinh doanh và gần 300 tư vấn viên hỗ trợ nhưng nhìn chung số lượng khách hàng trải nghiệm chưa đáng kể.

Cụ thể, số thuê bao của Viettel Hà Tĩnh hiện nay là 800.000 (chiếm khoảng 64% thị phần các nhà mạng ở Hà Tĩnh) song đến nay mới chỉ gần 30.000 thuê bao sử dụng dịch vụ Mobile Money.

Người dân Hà Tĩnh còn “ngại” với dịch vụ Mobile Money

Mobile Money cho phép khách hàng thanh toán hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ qua thuê bao di dộng.

Để triển khai dịch vụ Mobile Money trên địa bàn, thời gian qua, VNPT Hà Tĩnh cũng đẩy mạnh các kênh tuyên truyền để khách hàng nắm bắt và sử dụng dịch vụ. Đồng thời, bổ sung thêm các điểm chấp nhận thanh toán để khách hàng thanh toán các dịch vụ thiết yếu như: tiền điện, tiền nước, học phí, dịch vụ công…

Ông Nguyễn Huy Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Hà Tĩnh cho hay: “Mục tiêu của chương trình là đưa dịch vụ thanh toán trực tuyến qua điện thoại tới những người dân chưa có tài khoản ngân hàng, ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, do thói quen sử dụng tiền mặt và ngại thao tác trên điện thoại nên số lượng người dân sử dụng dịch vụ Mobile Money chưa phổ biến. Trung tâm hiện đang cung cấp dịch vụ cho 330.000 thuê bao song mới chỉ có gần 19.000 thuê bao đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money, trong đó mới chỉ hơn 5.000 thuê bao phát sinh giao dịch”.

Người dân Hà Tĩnh còn “ngại” với dịch vụ Mobile Money

Ở Hà Tĩnh hiện có gần 19.000 thuê bao VNPT đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money.

Ngoài Viettel Hà Tĩnh, VNPT Hà Tĩnh, MobiFone Hà Tĩnh cũng đang triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money. Mặc dù đối mặt những khó khăn do tâm lý ngại tiếp cận cái mới và thói quen sử dụng tiền mặt của người dân song cùng với các nhà mạng khác, MobiFone cũng đang nỗ lực gia tăng tỷ lệ thuê bao điện thoại được sử dụng dịch vụ Mobile Money nhằm hướng tới những tiện ích trong giao dịch hằng ngày cho người dân. Theo đó, dịch vụ có thể hỗ trợ thanh toán (qua máy điện thoại di động, không cần kết nối internet) tất cả dịch vụ và hàng hóa có mệnh giá nhỏ với mức giao dịch không quá 10 triệu đồng/tháng.

Để đông đảo người dân tiếp cận dịch vụ tiện ích này, chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm bắt lợi ích của dịch vụ Mobile Money, tiến tới thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền để hoàn thiện và đồng bộ hóa hành lang pháp lý để quản lý, giám sát, tạo điều kiện thuận lợi đối với các hình thức thanh toán điện tử mới. Xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các ngân hàng thương mại và các tổ chức không phải ngân hàng, tăng cường các biện pháp bảo vệ lợi ích hợp pháp của người sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử.

Riêng với nhà cung cấp dịch vụ, các nhà mạng cần tiếp tục đa dạng tính năng các ví điện tử nhằm đáp ứng nhu cầu tối đa của khách hàng gắn với tăng cường an ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin…

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Chủ đề Công nghệ 4.0 tại Hà Tĩnh

Đọc thêm

Ra mắt toà chung cư cao cấp mang phong cách châu Âu tại Hà Tĩnh

Ra mắt toà chung cư cao cấp mang phong cách châu Âu tại Hà Tĩnh

Dự án toà căn hộ D' Metropole - Luxury Apartments hứa hẹn sẽ chinh phục được trái tim người mua nhà nhờ vị trí đắc địa, thiết kế sang trọng, tiện ích đẳng cấp, đáp ứng trọn vẹn nhu cầu sống nghỉ dưỡng – tiện nghi của khách hàng.
Giá vàng trong nước tăng mạnh trở lại

Giá vàng trong nước tăng mạnh trở lại

Giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn 9999 cùng bật tăng mạnh cả triệu đồng một lượng trong phiên giao dịch sáng đầu tuần (18/11) do hưởng lợi từ đà tăng của giá vàng thế giới.
Giá xăng, dầu cùng giảm

Giá xăng, dầu cùng giảm

Giá xăng, dầu cùng giảm 250-390 đồng một lít, kg từ 15h, sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính.
Giá vàng giảm xuống thấp nhất gần 2 tháng

Giá vàng giảm xuống thấp nhất gần 2 tháng

Theo các chuyên gia, giá vàng hạ nhiệt do đồng USD mạnh lên sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, đồng thời chịu áp lực do lập trường ủng hộ bitcoin của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Tài chính thị trường ngày 12/11: Lãi suất cho vay khó giảm thêm

Tài chính thị trường ngày 12/11: Lãi suất cho vay khó giảm thêm

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay khó giảm thêm vì rủi ro của nền kinh tế đang ở mức cao và tỷ giá có thể diễn biến phức tạp. Chi tiết có trong Bản tin Tài chính thị trường ngày 12/11 của Báo Hà Tĩnh.