Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch) là ngày lễ truyền thống của người Việt, còn được gọi là tết diệt sâu bọ. Trong ngày này, người dân thường làm lễ cúng với ý nghĩa diệt trừ sâu bọ và cầu mong mùa màng bội thu. Bởi vậy, thị trường các mặt hàng phục vụ dịp này trở nên sôi động hơn ngày thường.
Ghi nhận vào sáng 22/6 (5/5 âm lịch), hoạt động mua bán tại các chợ truyền thống diễn ra nhộn nhịp.
Năm nay, giá cả các mặt hàng không có nhiều biến động so với ngày thường.
Hoa quả tươi là mặt hàng “đắt khách” nhất. Thời điểm này, nhiều loại trái cây đang vào mùa thu hoạch nên giá khá rẻ như: vải 15 - 20.000 đồng/kg; mận, chôm chôm, xoài 20 – 30.000 đồng/kg; dưa hấu 12.000 đồng/kg; dưa lưới, thanh long ruột đỏ 35 - 40.000 đồng/kg…
Bà Nguyễn Thị Nhuận – tiểu thương bán hoa quả ở chợ TP Hà Tĩnh cho biết: "Những năm trước, từ chiều 4/5 âm lịch khách đã khá đông nhưng năm nay chủ yếu sáng 5/5 người dân mới mua lễ vật cúng."
Các quầy hàng hoa tươi cũng đón lượng khách đông hơn ngày thường. Được chọn mua nhiều nhất là các loại hoa cúc, hoa huệ có giá 6 – 7.000 đồng/bông.
Trầu cau là lễ vật không thể thiếu trên mâm cúng của các gia đình. Thời điểm này, mỗi đĩa gồm 1 quả cau và 1 ngọn trầu có giá 2 – 4.000 đồng. Các tiểu thương cho biết, dù lượng khách mua sắm đông hơn ngày thường nhưng so với dịp tết Đoan Ngọ những năm trước thì năm nay sức mua giảm mạnh.
Thịt vịt là một trong những món ăn truyền thống của nhiều gia đình vào dịp tết Đoan Ngọ. Vì thế mà những ngày này, người dân mang vịt đến các chợ để bán nhiều hơn. Trong khi các chợ ở thành phố chủ yếu bán thịt vịt làm sẵn thì chợ vùng nông thôn lại dễ dàng để tìm mua những con vịt sống.
Ông Phan Bá Cường (xã Thạch Mỹ, Lộc Hà) cho biết: “Nhiều năm nay, gia đình tôi nuôi vịt để bán vào dịp 5/5, mỗi năm bán từ 300 con trở lên. Giá mỗi con vịt dao động từ 100 – 120.000 đồng. Năm nay, tôi bán ở chợ Trại, chợ Cồn, chợ Phủ (Lộc Hà) nhưng sức mua có phần kém hơn năm ngoái”.
Tết Đoan Ngọ còn có thêm những thực phẩm mà ngày thường khó tìm thấy như bánh gio, cơm rượu. Theo quan niệm dân gian, người dân thường ăn hoa quả chua, cơm rượu, bánh gio vào ngày 5/5 âm lịch là một cách để diệt trừ sâu bọ. Bởi vậy mà ngoài các món thông dụng, những loại thực phẩm này được coi là nét đặc trưng của tết Đoan Ngọ. Theo ghi nhận, cơm rượu nếp được chia thành từng hộp với giá 50 – 60.000 đồng/hộp. Bánh gio có giá 70.000 đồng/chục.
Không chỉ ở chợ truyền thống, thị trường Tết Đoan Ngọ trên “chợ mạng” cũng khá sôi động khi nhiều chủ tài khoản rao bán, nhận đặt hàng các lễ vật, món ăn truyền thống trong dịp này như bánh gio, cơm rượu, thịt vịt, hoa quả...
Có thể thấy, trong ngày tết Đoan Ngọ, có những mâm cúng được bày biện cầu kỳ, đẹp mắt, có những mâm cúng đơn giản nhưng mỗi gia đình đều thành tâm dâng lên bàn thờ tổ tiên để cầu mong bình an, mùa màng bội thu.