Do ảnh hưởng của cơn "bão giá" 2017, đàn lợn nái 36 con của anh V. ở huyện L. đã được "giải phóng" để giết thịt, chỉ còn lại 4 con...
Tôi có quen anh V, một chủ trang trại nuôi lợn quy mô lớn nhiều năm ở huyện L. Thời kỳ đỉnh cao, ngoài hàng trăm con lợn thịt, anh còn nuôi lợn nái để chủ động con giống. Nhưng do cơn “bão giá” kéo dài nên đến giữa năm 2017, anh V. buộc phải thanh lý đàn lợn mạ.
Thế là, đàn lợn mạ từ 36 con được nuôi từ 2-3 năm, có trọng lượng từ 2-2,5 tạ/con lần lượt được bán cho tể lô và người dân quanh vùng chung nhau giết thịt, chỉ giữ lại 4 con tốt nhất làm giống...
Chỉ trừ những lý do bất đắc dĩ, còn lại người nuôi chẳng bao giờ đem bán hoặc giết thịt những con lợn nái tốt, khỏe mạnh...
Thế nhưng, vừa rồi tôi có quay lại trang trại anh V. để chơi, ngoài bày tỏ sự tiếc nuối vì không giữ được đàn nái vì nay đang rất khan hiếm lợn giống thì vô tình anh V. đã tiết lộ một sự thật gây “sốc”.
Tuy không nêu cụ thể từng loại, nhưng anh V. tiết lộ, để đảm bảo sức khỏe, phòng trừ dịch bệnh, có sữa và sức đề kháng cho lợn mạ cũng như đàn lợn con sau khi sinh, mỗi lứa ít nhất anh phải 7 lần sử dụng các loại thuốc, vắc xin.
Tôi thoáng giật mình, bởi với mật độ tiêm đó, chắc chắn lượng kháng sinh luôn tồn dư trong cơ thể lợn mạ. Vì vậy, khi giết thịt, người tiêu dùng đã vô tình sử dụng loại “thịt bẩn”, có dư lượng kháng sinh cao hơn nhiều so với các loại thịt lợn thông thường...
Tiểu thương chợ Gôi, xã Sơn Hòa, Hương Sơn bán thịt lợn cho khách hàng... (Ảnh minh họa)
Chia sẻ điều tôi biết với một số tiểu thương có kinh nghiệm và những người có kiến thức trong lĩnh vực này thì nhận được lời khuyên, người tiêu dùng nên cẩn trọng khi mua và sử dụng thịt lợn mạ.
Theo họ, nuôi lợn mạ rất khó, giá mỗi con lợn nái chất lượng tốt rất cao, số lượng lợn mạ trên địa bàn hiện cũng không nhiều nên không dễ gì người nuôi bán hơi hoặc đem ra giết thịt. Ngoại trừ bị rớt giá thê thảm như đợt trước đây thì lợn mạ đem ra giết thịt thường là đã quá già, gặp sự cố khi đẻ, bị bệnh tật…