Người dân phường Văn Yên (TP Hà Tĩnh) hối hả tái sản xuất vụ đông.
Trở lại vùng đất Văn Yên - một trong những địa bàn ngập sâu nhất và lâu nhất ở TP Hà Tĩnh, tôi không còn có thể tưởng tượng cảnh những ngày vùng đất này ngập sâu trong lũ nữa. Trên những con đường, những vườn hoa đã bung nở đón mùa. Ngoài đồng, bà con rộn ràng sản xuất.
Văn Yên vốn nổi tiếng với những hộ trồng hoa, cây cảnh cung cấp cho thị trường tết. Trước lũ, người trồng hoa đã ươm trồng vụ tết. Thế nhưng, tất cả đã bị xóa trắng. Tuy nhiên, người dân nơi đây vốn kiên gan, bền chí, giàu niềm tin đã lặng lẽ dọn dẹp, làm đất và gieo trồng vụ mới.
Ông Trần Đức Minh ở tổ dân phố Hòa Bình gắn bó với nghề trồng hoa đã 7 năm nhưng chưa lần nào rơi vào tình huống có nguy cơ lỡ hẹn với dịp tết như thế này. Lẽ ra vườn hoa cúc của ông bây giờ đã bắt đầu phải thắp điện để hãm thì nay mới bắt đầu trồng lại.
Tôi nhìn những luống cúc giống đã lên xanh, những thửa đất đã được làm kỹ để chuẩn bị trồng mới mà thấy lòng mình cũng xanh lên một niềm hy vọng. Có lẽ, ở đâu và làm gì cũng thế, chỉ cần con người đầy đủ lòng tin, đủ lòng kiên nhẫn thì chẳng có khó khăn nào là không vượt qua được.
Ông Minh cho biết: “Nếu tính theo mùa vụ thì vườn cúc của tôi đã bị chậm mất nửa tháng. Mặc dù không lo về đầu ra sau tết nhưng tôi vẫn còn tâm thế trồng hoa tết. Chính vì thế, thay vì thắp đèn bắt cây “thức” để hãm sự sinh trưởng thì bây giờ tôi sẽ không thắp đèn nữa, để cho cây “ngủ”. Hy vọng sẽ kịp để phục vụ thị trường tết”.
Với thâm niên trồng hoa Tết của mình, ông Trần Đức Minh tin là ông sẽ “điều chỉnh” được nhịp sinh trưởng của hoa cúc để kịp bán tết.
Tôi nhìn đôi bàn tay còn bám nhiều vụn đất khô của ông, nhìn cách ông nâng niu từng cây giống, cẩn trọng trồng xuống luống đất vừa đủ độ tơi mà trong lòng cũng dâng lên một niềm tin thiết tha. Rằng, mùa xuân sẽ nở hoa trên những tin yêu mà người nông dân vừa gieo xuống.
Cũng với niềm tin yêu ấy, ngay cạnh ruộng hoa của ông Minh, người dân tổ dân phố Văn Thịnh cũng đang hối hả trồng lại những luống khoai lang vừa bị hư hại do lũ.
Bà Trần Thị Hương chia sẻ: “Năm nào dịp này chúng tôi cũng trồng khoai lang, nửa lấy củ, nửa làm rau thương phẩm. Lẽ ra bây giờ đã bắt đầu có rau để bán nhưng thiên tai đã làm mùa màng chậm nhịp. Ngay sau khi nước rút, chúng tôi đã vừa làm đất, vừa liên hệ các vùng lân cận để mua giống. Dù hơi đắt nhưng cũng may là vẫn có để phủ xanh được các ruộng khoai. Bây giờ rau đã bén rồi, chỉ một thời gian nữa là đã có thể hái lá để bán. Chỉ mong, từ nay đến cuối năm, thiên nhiên an hòa để tết này chúng tôi vẫn có thu nhập từ rau”.
Hương Sơn phát động tháng cao điểm ra quân xây dựng NTM.
Hà Tĩnh từ xa xưa đã quen với sự tàn phá của thiên tai. Bởi vậy, con người nơi đây có truyền thống bền gan, vững chí, tự lực cánh sinh. Dường như, tất cả những người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hà Tĩnh đều tin rằng, chỉ có nỗ lực lao động và nuôi dưỡng niềm tin, hy vọng mới là nguồn lực lớn nhất để vượt lên nghịch cảnh. Chính vì thế, dẫu người dân cả nước đã hướng về chia sẻ sau thiên tai nhưng không vì thế mà người dân ỷ lại, trông chờ vào sự trợ giúp bên ngoài. Đối với họ, sự trợ giúp nào cũng rất quý báu, là động lực để họ vững tin hơn trong cuộc sống nhưng điều cốt lõi vẫn là ở bàn tay và khối óc của mình.
Trên nẻo đường tác nghiệp của mình, tôi đã gặp rất nhiều những bóng dáng lặng lẽ, cần mẫn trên những thửa ruộng, cánh đồng. Đối với họ, mất mát do thiên tai đã là một phần trong “dự tính kế hoạch năm” rồi. Dẫu có xót xa nhưng không mất tinh thần. Chính vì thế, họ rất chủ động trong việc khôi phục, tái thiết cuộc sống.
Bà Trần Thị Hùng (thôn Yên Khánh, xã Cẩm Vịnh, Cẩm Xuyên) mà chúng tôi gặp là một trong những người như thế. Bà nói: “Trong đợt lũ vừa qua, gia đình tôi bị chết mất 2 con bò, 4 con còn lại cũng ốm yếu do bị ngâm lũ. Thiệt hại thì rõ rồi nhưng kinh tế gia đình tôi cũng khá hơn những hộ khác nên tôi không trông chờ hỗ trợ đâu. Hiện nay, tôi đang lo chăm sóc 4 con bò còn lại để kịp bán trong dịp tết này”.
Tâm lý vững tin đón chờ tết cổ truyền, đón chờ xuân mới cũng đang lan rộng trên khắp các vùng nông thôn ở Hà Tĩnh. Từ những vùng ngập lụt nặng như Cẩm Xuyên, Thạch Hà… người dân đang gác lại khó khăn để phối hợp cùng chính quyền phá bờ thửa nhỏ, hình thành những cánh đồng lớn để chuẩn bị vụ xuân.
Bà Trần Thị Hùng (thôn Yên Khánh - xã Cẩm Vịnh - Cẩm Xuyên) chăm sóc những con bò còn sống sót sau lũ
Bên cạnh đó, ở những vùng nuôi trồng thủy sản, người dân cũng đã bắt đầu thau rửa ao hồ, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để làm lại vụ mới. Ông Đặng Hữu Diệu - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn (Thạch Hà) cho biết: “Trong đợt lũ vừa qua, xã bị thiệt hại 23,6 tỷ đồng; trong đó, 15 ha tôm và 60 ha ao hồ nuôi trồng các loại thủy sản bị mất trắng. Hiện nay, người dân các thôn Tân Hợp, Vạn Đò, Sơn Tiến, Đình Hàn, Sơn Hà đã và đang tích cực thau rửa ao hồ, liên hệ tìm nguồn giống để tiếp tục gây lại vụ mới”.
“Gói” khó khăn, “mở” niềm hy vọng đang là tâm lý và hành động chung của người dân vùng lũ Hà Tĩnh. Đi qua những làng quê, đâu đâu cũng thấy màu xanh của niềm hy vọng đượm trong mắt người, màu xanh của niềm tin tưởng nảy nở trên chính những vùng đất vừa ngập sâu trong lũ. Cùng với những chủ trương, chính sách, những định hướng kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền, chắc chắn, mùa xuân sẽ về lại thật rạng rỡ…