Người gỡ tội - “mắt xích” quan trọng trong hoạt động tố tụng

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh hiện có 40 luật sư và 9 tổ chức hành nghề luật sư. Sự có mặt của luật sư tại các phiên tòa không những bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo; quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự mà còn giúp các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, sửa chữa kịp thời thiếu sót, hạn chế oan sai, làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án.

Luật sư Nguyễn Khắc Tuấn - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Tĩnh là người đảm nhận vai trò bào chữa trong nhiều vụ án lớn, phức tạp tại Hà Tĩnh

Giảm nhẹ tội cho đương sự

Đầu năm 2019 đến nay, Đoàn Luật sư Hà Tĩnh đã giải quyết 331 vụ việc; trong đó, 75 vụ hình sự, 36 vụ dân sự, còn lại 220 vụ là các việc hành chính, lao động và tư vấn pháp luật khác.

Là người trẻ nhất trong đội ngũ luật sư tại Hà Tĩnh, luật sư Nguyễn Thị Quyên nhớ như in lần đầu đảm nhận vị trí hoạt động độc lập tại phiên tòa. Với hành vi lái xe container gây tai nạn cho chiến sỹ cảnh sát giao thông, thân chủ của cô - Phan Thành Hưng bị truy tố về tội “Giết người”, “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Phiên tòa chỉ kéo dài 1 buổi bởi tội danh của bị cáo đã rất rõ ràng.

Với hành vi giết người và làm giả con dấu tài liệu, tổ chức, Phan Thành Hưng (SN 1995, trú huyện Phù Mỹ, Bình Định) đã bị TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt 10 năm tù giam. Đồng phạm của Hưng là Từ Công Thọ (SN 1973, trú cùng địa chỉ) lĩnh 2 năm tù giam

Sau khi nêu rõ quan điểm luận tội, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) xử phạt Phan Thành Hưng mức án 11 -12 năm tù cả 2 tội danh trên. Không đồng tình với kiểm sát viên, luật sư khẳng định, phải đề cập tới nguyên nhân vụ việc để xem xét đầy đủ hành vi của bị cáo. Bác bỏ lời bào chữa của luật sư, người buộc tội cho rằng điều đó không ảnh hưởng tới bản chất vụ án.

Luật sư vẫn kiên trì với quan điểm bào chữa và đưa ra yêu cầu cần áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự 1999, tuyên mức án thấp nhất dưới khung hình phạt. Theo phân tích của luật sư, khi có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại Khoản 1, Điều 46 của bộ luật này, HĐXX có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung. Trường hợp điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung nhẹ nhất, HĐXX có thể cân nhắc hình phạt dưới mức thấp nhất hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn.

Nhìn thấy sự quyết liệt và hợp lý trong lời bào chữa của luật sư, HĐXX đã chấp nhận đề nghị xử dưới khung, tuyên phạt Phan Thành Hưng 10 năm tù giam.

Phiên tòa xét xử Lê Xuân Hải về tội mua bán và tàng trữ trái phép chất ma túy diễn ra vào sáng 12/11/2019 đã phải tạm dừng do phát sinh tình tiết mới

Thực tiễn xét xử đã ghi nhận nhiều dấu ấn của luật sư trong quá trình hoạt động tại phiên tòa với vai trò gỡ tội. Ngày 12/11/2019, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh mở phiên tòa xét xử bị cáo Lê Xuân Hải (SN 1977, trú xã Cẩm Trung, Cẩm Xuyên) về tội “mua bán và tàng trữ trái phép chất ma túy”. Đây cũng là đối tượng đã bị cơ quan điều tra phát lệnh truy nã trên toàn quốc sau khi bỏ trốn do hành vi mua bán trái phép ma túy bị phát giác. Tuy nhiên, sau khi Luật sư Trần Đức Đạm tham gia bào chữa và phát hiện thêm nhiều tình tiết mới, HĐXX đã tạm dừng phiên xử để điều tra lại.

Quyết định cuối cùng được chủ tọa nêu ra tại phiên tòa nhận được sự tán thành từ phía người nhà bị cáo. “Dù biết rằng nó (Hải) có tội và phải chịu mức án theo luật định. Tuy nhiên, vụ án này khá phức tạp nên nếu tiếp tục xử, tuyên án, sẽ có nhiều điểm khiến người nhà không thỏa mãn. Điều đáng mừng này không thể không nói đến sự trợ giúp hiệu quả, công tâm của luật sư Trần Đức Đạm” - người nhà bị cáo Lê Xuân Hải chia sẻ.

Quyết không bỏ lọt tội phạm

Việc xét xử vụ án Võ Thị Huệ (SN 1959, trú xã Thuần Thiện, Can Lộc) - nguyên thủ quỹ kiêm Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Thuần Thiện bị truy tố về tội “tham ô tài sản” kéo dài hơn 3 năm (từ năm 2016-2019). Đây cũng là một trong những vụ án phức tạp do TAND tỉnh Hà Tĩnh thụ lý. Người đảm nhận vai trò bào chữa cho bị cáo Huệ là luật sư Nguyễn Khắc Tuấn, đã có hơn 10 năm kinh nghiệm.

Quá trình nghiên cứu hồ sơ, luật sư Tuấn đặt ra nhiều nghi vấn. Vì sao Võ Thị Huệ có thể tham ô số tiền “khổng lồ” lên tới gần 1 tỷ đồng trong một thời gian khá dài (từ tháng 11/2005 đến tháng 6/2010) mà không bị phát hiện? Có hay không sự buông lỏng quản lý của các cán bộ xã? Trách nhiệm của Huệ trong vụ án này đến đâu?

Nguyên thủ quỹ xã Thuần Thiện (Can Lộc) “ôm” số tiền lớn bỏ trốn khiến người dân xôn xao suốt một thời gian dài

Luật sư Tuấn dành rất nhiều thời gian nghiên cứu kỹ hồ sơ, tài liệu vụ án; tham khảo sự tư vấn, hướng dẫn của những cán bộ có chuyên môn về tài chính; tranh thủ ý kiến của các chuyên gia về thuế và quản lý. Đồng thời, xác minh, làm rõ tại địa phương về trách nhiệm của cán bộ liên quan.

Với sự vào cuộc tận tâm của luật sư, sau khi xem xét hành vi của cán bộ xã, tại phiên tòa sơ thẩm lần 1, TAND tỉnh trả hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung. Ngày 25/2/2016, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh quyết định khởi tố bổ sung Lê Sỹ Bình (nguyên Chủ tịch UBND xã Thuần Thiện) và Nguyễn Hữu Hóa (nguyên kế toán xã). Tại phiên xử sơ thẩm lần 2, Võ Thị Huệ bị đại diện Viện Kiểm sát đề nghị mức án 20 năm tù giam.

Trong phần tranh tụng, người gỡ tội đã xác định rõ, số tiền Võ Thị Huệ tham ô hơn 910 triệu đồng. Luật sư đề nghị HĐXX xem xét, chuyển mức án xuống 12 năm. Đây cũng là hình phạt HĐXX đưa ra sau thời gian nghị án.

Với kinh nghiệm dày dặn, luật sư Trần Đức Đạm đã đưa ra những tình tiết, lập luận thuyết phục khiến HĐXX tuyên bố tạm dừng phiên tòa để điều tra lại

Thẩm phán Hoàng Ngọc Tùng - Chánh án TAND huyện Kỳ Anh đánh giá: “Phải nói rằng, sự có mặt của luật sư khiến HĐXX yên tâm khi đưa ra quyết định. Trong một số trường hợp, luật sư tranh luận những vấn đề mà cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án chưa phát hiện ra, từ đó, giúp công tác xét xử đảm bảo được tính khách quan, đúng người, đúng tội”.

“Nhiệm vụ tối thượng của luật sư là bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải. Mỗi vụ án phải tìm hiểu một cách kỹ lưỡng, chính xác. Bởi lẽ, một sai sót nhỏ có thể dẫn đến những hậu quả khó lường, làm thay đổi số phận một con người. Các vụ án liên quan đến kinh tế, hình sự, tranh chấp đất đai, hôn nhân - gia đình xảy ra ngày càng nhiều và theo chiều hướng phức tạp hơn. Điều này cũng đồng nghĩa, công việc của luật sư vất vả, thậm chí nguy hiểm gấp nhiều lần” - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Tĩnh Phan Duy Phong khẳng định.

(Còn nữa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói