Ông Phạm Bá Nhiện (xã Thiên Lộc - Can Lộc): “Bày biện mâm cỗ dâng cúng để báo hiếu người đã khuất”
Năm nào chuẩn bị đến Vu lan, ông Phạm Bá Nhiện cũng chuẩn bị đầy đủ để bày biện mâm cỗ chu tất dâng cúng người đã khuất.
Tôi năm nay 62 tuổi, cha mẹ đã mất cách đây hơn 40 năm. Khi cha mẹ còn sống thì không có điều kiện báo hiếu - với tôi đó vẫn luôn là một sự ngậm ngùi. Thế nên, mỗi mùa Vu lan, tôi thường bày biện một mâm cơm thịnh soạn dâng lên bàn thờ thắp hương khấn nguyện. Tôi khấn cầu cho cha mẹ ở miền cực lạc sẽ luôn được no đủ và chứng cho lòng thành của con cháu.
Sau khi làm lễ cúng ở nhà, tôi lại về nhà thờ dòng họ tham gia lễ tế rằm tháng Bảy. Tôi luôn tâm niệm tri ân tổ tiên, cha mẹ là truyền thống đạo lý muôn đời. Việc làm đó không chỉ nhằm mục đích báo hiếu người đã khuất mà còn làm gương cho con cháu học tập, noi theo.
Chị Trần Thị Hà (xã Bình An - Lộc Hà): “Món quà nhỏ trao gửi lòng biết ơn công sinh dưỡng của mẹ cha”
Tặng quà cho cha mẹ trong dịp lễ Vu lan là cách chị Trần Thị Hà lựa chọn để tỏ lòng hiếu kính với bậc sinh thành.
Tôi quê ở Nghi Xuân, lấy chồng về Lộc Hà. Tuy không quá xa nhưng cũng đủ để tôi hiểu được nỗi lòng “chiều chiều ra đứng ngõ sau, trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”. Bây giờ, công việc, con cái ổn định hơn trước nên tôi thường xuyên về thăm cha mẹ hơn. Mỗi lần về, vợ chồng tôi đều mua những món quà nhỏ, nấu những món ăn ngon, sắm sửa tiện nghi trong gia đình để cha mẹ thuận tiện sinh hoạt.
Vào dịp rằm tháng Bảy, những món quà càng được chúng tôi chăm chút hơn. Một món quà nhỏ không nói lên hết lòng biết ơn với đấng sinh thành nhưng qua đó tôi muốn đền đáp phần nào công sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha. Sức khỏe, niềm vui tuổi già của cha mẹ cũng là niềm hạnh phúc của con cháu.
Anh Dương Văn Trung (xã Lộc Yên - Hương Khê): “Lễ Vu lan là dịp để các thành viên trong gia đình được quây quần bên nhau”
Đối với anh Dương Văn Trung, Vu lan là dịp để cả gia đình ôn lại kỷ niệm về người cha đã khuất và tỏ lòng hiếu kính với mẹ.
Cha mất cách đây đã 2 năm - đó là sự mất mát không gì bù đắp được với gia đình tôi. Em gái tôi làm việc ở thành phố, còn tôi sống cùng mẹ ở quê. Dù không ở cách nhau quá xa nhưng ngày thường, ai cũng bận bịu công việc nên để tụ họp đông đủ là rất khó. Chính vì thế, ngày lễ Vu lan, gia đình tôi thường làm mâm cỗ dâng cúng ông bà, tổ tiên và cha. Đây cũng là dịp để mẹ con, anh em, họ hàng quây quần bên nhau.
Những dịp như thế, các thành viên trong gia đình, họ hàng nội ngoại được gặp gỡ, thăm hỏi lẫn nhau, nhờ đó, tình cảm càng thêm gắn kết. Mỗi dịp rằm tháng Bảy, dù không tránh khỏi buồn tủi vì không còn cha nhưng được cùng người thân nhắc nhớ ký ức về cha trong ấm áp, đoàn viên cũng giúp chúng tôi vơi đi phần nào cảm giác trống trải.
Bà Võ Thị Liệu (phường Bắc Hà - TP Hà Tĩnh): “Phật tử thành tâm hướng về lễ Vu lan”
Giúp lễ chùa trong dịp Vu lan rất vất vả nhưng bà Võ Thị Liệu luôn cảm thấy thanh thản.
Tôi làm công quả giúp việc tại chùa Giai Lam (xã Tân Lâm Hương - Thạch Hà) đã 6 năm nay. Làm việc công đức giúp các phật tử sửa soạn sớ, bày biện lễ, tôi luôn tìm được sự tĩnh tâm cho mình. Vào dịp lễ Vu lan hằng năm, người dân đến chùa đông hơn ngày thường nên công việc của chúng tôi cũng vất vả hơn. Dù vậy, tôi không cảm thấy mệt mà thấy tâm mình nhẹ nhàng, thanh thản hơn.
Được chứng kiến, tham dự những buổi lễ cầu siêu; dâng hương, dâng hoa trong đại lễ Vu lan, tôi càng thấm thía hơn đức hy sinh, công ơn sinh thành dưỡng dục của tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Người dân đến đây mùa đại lễ, người còn mẹ cha, người không còn có được điều may mắn đó, nhưng đã tìm đến cửa chùa thì hẳn tất thảy đều thành tâm hướng về đấng sinh thành với những tình cảm cao quý nhất.
Chị Lê Thị Quỳnh Nga (thành phố Hà Nội): “Càng ở xa cha mẹ càng cần những lời nhắn nhủ yêu thương”
Vu lan năm nay, dù không về thăm nhà được nhưng chị Quỳnh Nga vẫn cảm thấy ấm áp vì luôn giữ liên lạc với bố mẹ.
Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Tĩnh nhưng lập nghiệp ở Hà Nội nên không có nhiều thời gian được gần gũi, chăm sóc bố mẹ. Lễ Vu lan năm nay, gia đình tôi đã lên kế hoạch về thăm quê nhưng vì dịch bệnh Covid-19 nên đành phải hoãn lại. Dù không thể về được nhưng ngày nào tôi cũng gọi điện để vợ chồng và con trai được gặp, nói chuyện với ông bà. Qua đó, chúng tôi biết được sức khỏe, tình hình của bố mẹ, đồng thời, kết nối yêu thương giữa các thành viên trong gia đình.
Tôi nghĩ, càng ở xa thì điều đó lại càng quan trọng. Ngày trước khi còn sống cùng bố mẹ, tôi rất ngại bày tỏ tình cảm, sự quan tâm nhưng giờ đi xa, ngoài những cuộc điện thoại, tôi vẫn thường gửi tin nhắn yêu thương đến bố mẹ, đặc biệt là những dịp quan trọng như lễ Vu lan.