Gia đình chị Trần Thị Hương và dòng người tị nạn được đón tiếp và hỗ trợ ăn nghỉ tại Moldova (ảnh: NVCC).
Chị Trần Thị Hương và anh Trương Xuân Tuấn (quê ở phường Thạch Linh, TP. Hà Tĩnh) cùng 2 con nhỏ là Trương Trần Thảo Vy (2016) và Trương Trần Thảo Nhi (2019) sinh sống và hành nghề kinh doanh tại thành phố Odessa, Ukraine nhiều năm nay.
Chiến sự giữa Nga và Ukraine xảy ra, gia đình chị Hương may mắn được hồi hương trên chuyến bay VN88 của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) khởi hành từ Thủ đô Bucharest của Romania, hạ cánh an toàn xuống Sân bay Quốc tế Nội Bài, Hà Nội vào ngày 8/3. Đây là chuyến bay bảo hộ công dân đầu tiên của Việt Nam sơ tán kiều bào khỏi vùng chiến sự tại Ukraine, do Nhà nước chi trả toàn bộ kinh phí.
Sau 2 ngày về đến quê hương, gia đình chị vẫn vẹn nguyên cảm xúc xúc động và phấn khởi.
Tại tại Romania, đoàn người di tản tiếp tục được Đại sứ quán hỗ trợ chu đáo (ảnh: NVCC).
Tôi rất xúc động và chỉ biết nói lời cảm ơn. Cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã nỗ lực đưa công dân về nước, đặc biệt là Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Romania đã tạo điều kiện giúp đỡ chúng tôi trong suốt hành trình. Cảm ơn cộng đồng quốc tế luôn bảo vệ, che chở chúng tôi trong những ngày tị nạn…
Tôi cũng hi vọng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai các chuyến bay nhân đạo để đón công dân từ vùng chiến sự về nước. Bà con người Việt nói chung, người Hà Tĩnh nói riêng từ Ukraine và các nước lân cận vẫn còn khá đông.
Trong niềm phấn khởi được hồi hương an toàn, chị Hương kể lại hành trình đầy vất vả để rời vùng chiến sự. Từ khoảng cuối tháng 2/2022, cách nơi sinh sống của gia đình chỉ khoảng 10 km đầy tiếng nổ của bom đạn. Thậm chí, có khi tiếng bom nổ chỉ cách khoảng một vài km. Để đảm bảo an toàn, gia đình chị di dời xuống tầng hầm trú ẩn. Mọi hoạt động kinh doanh, sinh hoạt hàng ngày của gia đình và hầu hết cư dân trong vùng đều tạm dừng.
Ngày 8/3, gia đình chị Hương trở về quê nhà Hà Tĩnh an toàn.
Sau 3 ngày, cảm thấy tình hình không được ổn, gia đình chị Hương và khoảng 60 người khác là công dân Việt Nam tìm cách di chuyển rời khỏi Ukraine đến cửa khẩu biên giới Moldova từ ngày 28/2. Hầu như các gia đình không thể mang theo tài sản, mà chỉ kịp cầm một ít tiền và quần áo. Không chỉ lo sợ bom, đạn, khói lửa chiến tranh, chuyến di tản còn nhận được nhiều thông tin về các nhóm trộm, cướp xuất hiện nhiều nơi.
“Bên cạnh quãng đường dài, thời gian chờ đợi để qua cửa khẩu khá lâu (khoảng 10 giờ) khiến chúng tôi rất mệt mỏi. Chưa kể hành trình mà chúng tôi di chuyển lúc đó khá vô định, không có đích đến rõ ràng. Tuy nhiên, vượt qua nhiều gian nan, chúng tôi may mắn đặt chân đến Moldova bình yên vô sự. Tại đây, cơ quan Hội Chữ thập đỏ Moldova đón tiếp đoàn người di tản khá nhiệt tình, hỗ trợ chỗ ngủ và ăn uống đảm bảo" - chị Hương kể tiếp.
Sau khi liên hệ với Đại sứ quán, nhóm người di tản được hướng dẫn di chuyển qua Romania để có thể tham gia các chuyến bay về nước. Từ đây, quá trình di chuyển thuận lợi hơn. Có mặt tại Romania, công dân Việt Nam tiếp tục được hỗ trợ đầy đủ về chỗ nghỉ và ăn uống.
Người thân và cán bộ tổ dân phố vui mừng đón con em trở về từ vùng chiến sự.
Từ Romania, gia đình chị Hương may mắn được đón về nước từ chuyết bay nhân đạo đầu tiên ngày 8/3. Sau đó, gia đình tiếp tục di chuyển bằng xe khách về đến quê nhà tại tổ dân phố Hợp Tiến, phường Thạch Linh, TP. Hà Tĩnh.
Ông Trương Xuân Sang – bố chồng của chị Hương nói: “Tôi có 7 người con, cháu sinh sống tại Ukraina. Khi có thông tin chiến tranh xảy ra, mặc dù rất lo lắng nhưng tôi luôn căn dặn các con phải bình tĩnh để giải quyết các vấn đề. Đặc biệt cần lắng nghe hướng dẫn của Đại sứ quán cũng như tin tưởng vào chính sách của Đảng và Nhà nước.
Đến nay, gia đình Tuấn và Hương đã trở về quê, còn gia đình Minh (anh Trương Xuân Minh - con trai ông Sang) cũng đã di chuyển đến Romania an toàn, hiện đang chờ chuyến bay tiếp theo để về quê. Hi vọng Nhà nước sớm triển khai các chuyến bay nhân đạo tiếp theo để đón công dân về nước. Chúng tôi cũng mong ước chiến tranh nhanh chóng qua đi, không có thêm người phải hi sinh nữa”.
Theo số liệu ban đầu từ UBND các huyện, thành phố, thị xã cung cấp, có 195 công dân Hà Tĩnh sinh sống, làm việc, học tập tại Ukraine (Can Lộc 6, Đức Thọ 24, Hương Khê 4, Hương Sơn 5, huyện Kỳ Anh 23, Lộc Hà 1, Nghi Xuân 40, Thạch Hà 47, thị xã Hồng Lĩnh 15, thị xã Kỳ Anh 5, Vũ Quang 6, thành phố Hà Tĩnh 14, Cẩm Xuyên 5). Trong đó, có 133 người có nguyện vọng về nước; số còn lại đã sang lánh nạn tại các nước láng giềng là Ba Lan, Rumani, Moldova; 5 công dân đã về quê an toàn.
Sở Ngoại vụ đang tích cực phối hợp cùng các địa phương, đặc biệt là Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao cũng như Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine và các nước lân cận để rà soát và kịp thời hỗ trợ đối với những công dân là con em Hà Tĩnh. Những người có nhu cầu sẽ được sắp xếp về nước trong thời gian sớm nhất, thuận lợi nhất.
Ông Thái Phúc Sơn – Giám đốc Sở Ngoại vụ Hà Tĩnh