Người hưởng lương hưu cao nhất nước 124 triệu đồng

Cả nước có 471 người hưởng lương hưu hơn 20 triệu đồng mỗi tháng, trong đó người cao nhất 124,7 triệu đồng, theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Người hưởng lương hưu cao nhất cư trú tại TP Hồ Chí Minh, từng giữ chức chủ tịch hội đồng thành viên kiêm tổng giám đốc của một doanh nghiệp, nghỉ hưu tháng 4/2015 với mức lương hưu 87,3 triệu đồng. Đến tháng 6/2023, tiền hưởng của ông là 124,7 triệu mỗi tháng sau năm lần nhà nước điều chỉnh lương hưu.

Người hưởng lương hưu cao nhất nước 124 triệu đồng

Chênh lệch mức tiền đóng BHXH và lương hưu của một cô giáo mầm non với lãnh đạo doanh nghiệp FDI theo thống kê vào năm 2017. Đồ họa: Tiến Thành

Người đàn ông này có 23 năm tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), luôn đóng ở mức cao nên tiền lương hưu cũng cao theo nguyên tắc đóng - hưởng. Cụ thể trước năm 2007, có thời điểm tiền lương đóng của ông hơn 200 triệu đồng mỗi tháng do giai đoạn này chưa quy định mức trần tiền đóng BHXH.

Từ năm 2008, Luật Bảo hiểm xã hội 2006 khống chế tiền đóng BHXH bắt buộc cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu chung. Giai đoạn tháng 1/2007 đến 3/2015, người này luôn đóng BHXH từ 15,4 đến 23 triệu đồng mỗi tháng.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết có 382 người hưởng lương hưu 20-30 triệu đồng; 80 người hưởng 30-50 triệu và 9 người hưởng trên 50 triệu đồng mỗi tháng. Những người này đều làm việc trong công ty tư nhân, liên doanh, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Họ đóng BHXH theo tiền lương thực hưởng bằng ngoại tệ hoặc tiền Việt Nam ở mức cao nhất.

Khoảng 1,9 triệu người, chiếm 70% tổng số người hưởng lương hưu cả nước, đang hưởng 3-7 triệu đồng mỗi tháng từ Quỹ Bảo hiểm xã hội. Hơn 67.300 người hưởng lương hưu dưới chuẩn nghèo (chuẩn nghèo thành thị là 2 triệu đồng). Ngoài lương hưu, người già sau tuổi nghỉ hưu có thêm thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí với mức hưởng 95% khi khám chữa bệnh.

Người hưởng lương hưu cao nhất nước 124 triệu đồng

Người Hà Nội thể dục ở vườn hoa Thành Công (Hà Nội). Ảnh: Ngọc Thành

Tiền lương hưu cao hay thấp phụ thuộc vào số năm đóng và mức lương làm căn cứ đóng BHXH. Để rút khoảng cách lương hưu giữa người đóng cao với đóng thấp, luật hiện hành quy định tiền lương tính đóng cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở, tức 29,8 triệu đồng và tăng lên 36 triệu khi lương cơ sở tăng từ ngày 1/7.

Thống kê năm 2022, tiền lương tính đóng BHXH bình quân toàn hệ thống là 5,73 triệu đồng, bằng 76% thu nhập trung bình của lao động làm công hưởng lương. Doanh nghiệp FDI có mức tiền lương tính đóng BHXH cao nhất và thấp nhất thuộc về khối dân doanh.

Cơ quan quản lý ghi nhận tình trạng doanh nghiệp tách hoặc chuyển các khoản phụ cấp sang phúc lợi khác để không phải tính đóng BHXH. Vì thế tiền lương đóng BHXH hiện chỉ nhỉnh hơn lương tối thiểu, cộng 5-7% phụ cấp nặng nhọc, độc hại, hoặc lao động qua đào tạo nghề.

Mức đóng này khiến lương hưu rất thấp. Ví dụ, doanh nghiệp trả cho lao động 20 triệu đồng nhưng đóng BHXH trên nền lương 5 triệu. Nếu đóng đủ năm và nghỉ hưu đúng tuổi, người đó chỉ được hưởng tối thiểu 45% và tối đa 75% bình quân toàn bộ quá trình đóng.

Để khắc phục tình trạng trên, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đưa ra hai phương án tiền lương làm căn cứ tính đóng BHXH hàng tháng, áp dụng với lao động khu vực doanh nghiệp trả lương tối thiểu vùng.

Phương án một giữ nguyên quy định hiện hành. Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH gồm lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được xác định bằng mức tiền cụ thể ghi trong hợp đồng lao động. Điều này gây thiệt cho lao động bởi quá trình làm việc các khoản trên đều thay đổi.

Phương án hai là tiền lương tháng bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung theo quy định của Bộ luật Lao động. Theo cách này, tiền được tính đóng BHXH bao gồm cả khoản xác định được trước lẫn biến động trong quá trình làm việc của lao động. Như vậy, nền tiền lương đóng BHXH của người lao động sẽ được nâng lên để hưởng lương hưu cao hơn.

Theo Hồng Chiêu/VNE

Đọc thêm

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Bỏ quy định ghi hình cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ; tăng trợ cấp quân nhân xuất ngũ; nới điều kiện xây trường là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11.
Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Giảm nghèo ở Cẩm Xuyên: Khi “cần câu” cho “xâu cá”

Đa dạng hỗ trợ các mô hình sinh kế, đẩy mạnh đào tạo nghề..., huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên xóa nghèo.
Kỳ vọng từ việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Kỳ vọng từ việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Việc kịp thời sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 97/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hà Tĩnh về một số chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong triển khai hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.