Ảnh minh họa |
Những người yêu nhạc Pháp hẳn đều biết ca khúc Người khổng lồ bằng giấy (Le Géant De Papier). Lời ca rất hay: “… bảo tôi phá vỡ những ngọn núi, đi sâu vào miệng núi lửa, tất cả, đối với tôi, đều có thể thực hiện được. Nhưng khi ngắm nàng, tôi, người đàn ông dũng cảm với trái tim bằng thép, trước thân hình ngọc ngà của nàng, tôi chỉ là người khổng lồ bằng giấy. Khi âu yếm nàng, tôi sợ làm nàng thức giấc. Trước tất cả sự dịu dàng của nàng, tôi chỉ là người khổng lồ bằng giấy mà thôi...”. Một người đàn ông dù mạnh mẽ đến mấy, hóa ra cũng sẽ quy phục trước sự dịu dàng của phụ nữ mà thôi!
Vợ tôi là người cá tính. Cô ấy có thể tăng tốc độ giận dữ như một chiếc xe đua công thức 1. Thông thường, khi đụng phải một chuyện có hơi hướm tranh luận, tôi luôn là người phải bỏ cuộc khi chưa nói đến câu thứ ba. Ví dụ, tôi định nói về việc đi nhậu, muốn vợ hiểu chồng đi làm mệt mỏi, cũng cần có phút thư giãn với bạn bè, nhậu một hai lần mỗi tuần cũng chấp nhận được. Nhưng tôi vừa khơi mào, vợ tôi đã nổi nóng ngay: “Anh tưởng mình đang nhậu ít lắm hay sao mà còn phải bàn? Anh có biết mỗi lần anh đi nhậu về khuya là phà ra mùi hèm phát ốm không? Nhậu thì bổ béo gì mà cứ hở ra là đi nhậu, làm khổ vợ con?”. “Được rồi, được rồi, không nói nữa” - tôi đấu dịu.
Nhưng, như thường lệ, vợ đã bật nút khởi động là trở nên rất “nguy hiểm”: “Được rồi là sao? Anh nói đi, anh có biết đi nhậu là tốn kém, nguy hiểm đến tính mạng khi chạy xe, tổn hại sức khỏe, làm xấu hình ảnh trong mắt con không?”. Tôi nghiến răng, cố giữ im lặng nuốt cơn kích động. Tôi thường khơi ra vấn đề một cách nhẹ nhàng nhưng luôn nhận một kết thúc trong tan nát như vậy.
Có những ngày về nhà trong trạng thái cạn kiệt sức lực, vừa thả mình vào ghế sofa là tôi nhận được “lệnh”: “Anh lết cái xác lên thay cái drap giường đi. Anh có biết đã gần một tháng rồi chưa thay không? Người đâu mà lười như hủi”. Tôi tròn mắt nhìn vợ như nhìn một cá thể đáng ghét nhất hành tinh: “Em chỉ cần nói anh ơi, lên thay drap giường đi, vậy là vừa đủ nội dung, anh cũng hứng thú hơn khi làm việc đó chứ”. “Anh không thấy em cả đống việc, chân đập lấy tay không kịp hay sao mà còn yêu cầu nọ kia? Anh đi tìm ai dịu dàng như ý của anh đi, tôi không chiều kiểu đó được”. Tôi nhắm mắt ba giây cho “qua cơn”, lẳng lặng làm việc phải làm.
Có lần, đang chạy xe ngoài đường, trời mưa tầm tã, tôi nhận được điện thoại từ vợ: “Anh có về ăn cơm thì mua thêm mớ rau nấu canh”. “Rau gì hả em?” - tôi hỏi. Vợ lập tức nổi điên: “Mua rau gì mà cũng không biết à? Anh như người trên trời ấy”. Thú thật lúc đó tôi muốn vứt điện thoại, quay xe lại đi nhậu luôn cho hả giận. Nhưng rồi, như một thói quen, tôi lại nuốt giận, lặng lẽ đáp ứng yêu cầu của vợ cho yên chuyện.
Không riêng vợ mình, tôi nhận thấy không ít phụ nữ luôn có thái độ dữ dằn, sẵn sàng “xù lông nhím” và chọn lối nói chuyện đanh đá, ghê gớm với chồng. Tôi tự hỏi, làm sao đàn ông có thể yêu được một người phụ nữ như vậy? Dù người đó có hấp dẫn đến mấy mà toàn tuôn ra những lời đầy "lửa" thì đàn ông cũng sợ hãi mà tránh xa. Và, tôi nhiều lần tự hỏi, những phụ nữ có bao giờ nghĩ đến sự dịu dàng? Họ có biết mình đang thiếu đức tính này? Thử tìm hiểu vấn đề này, tôi được nghe một số chị em viện cớ chung rằng, cuộc sống quá vất vả, căng thẳng nên các bà vợ dễ mất bình tĩnh, nếu gặp đàn ông đáng ghét thì càng dễ nổi điên. Tôi đã “xăm mình” nói lại bằng một câu ba trợn: “Phụ nữ vẫn vậy, chẳng chịu sửa mình mà cứ chăm chăm đổ lỗi cho hoàn cảnh và người khác”.
Càng cố cải thiện không khí trò chuyện vợ chồng, tôi càng bế tắc vì một phía muốn câu chuyện diễn ra theo hướng cởi mở, nhẹ nhàng, nhưng phía còn lại chỉ chăm chăm đẩy câu chuyện theo hướng xung đột và kết thúc trong bế tắc. Không biết phụ nữ có nhận ra mình đang bỏ phí mất một “vũ khí ” vô cùng lợi hại là sự dịu dàng?
Cũng là chuyện nhậu nhẹt, nếu tôi đang nhậu mà nhận được một câu nói ngọt ngào kiểu “Anh à, em biết là ở đó đang rất vui, nhưng anh có thể về được không? Mẹ con em đang cần anh lắm…”. Nghe vậy chắc kiểu gì tôi cũng đứng dậy về ngay. Dù tôi đang rất mệt, nhưng nếu được vợ tươi cười bảo “Anh ơi, anh có thể giúp em thay cái drap giường không?”, hẳn tôi sẽ hăng hái làm ngay. Nếu trời có mưa bão đến mấy, đang đi ngoài đường mà được vợ thỏ thẻ “Anh giúp em ghé chợ mua ít rau đi, mình sẽ cùng nhau nấu cơm cho vui nhé ”, tôi còn có cớ gì để bực mình? Ông bà có câu “Nói ngọt lọt đến xương”. Nếu nói ngọt khó quá, liệu chị em có thể thử tập bớt gay gắt một chút? Làm được như vậy cũng đã quý lắm rồi!
Tôi nghe đi nghe lại bài Người khổng lồ bằng giấy, mơ hồ tưởng tượng mình đang được ngắm nhìn một người phụ nữ hiền dịu và vui vẻ quy phục trước sự dịu dàng của nàng.