Người Mỹ sốc nặng khi sáng thức giấc nghe tin sập cây cầu huyết mạch

Người dân địa phương tập trung tại cửa hàng tiện lợi gần lối vào cầu - nơi gần nhất mà họ có thể đến - trong khi chiến dịch tìm kiếm những người mất tích vẫn đang diễn ra.

Cư dân khắp thành phố Baltimore, bang Maryland (Mỹ) đang cố gắng hiểu xem chuyện gì đã xảy ra sau khi nhận hung tin về vụ sập cầu Francis Scott Key, một trong những tuyến đường huyết mạch của thành phố.

"Không thể tin nổi"

Reginald Jones, một cư dân Baltimore 67 tuổi thảng thốt: “Điều đó tưởng như là không thể xảy ra”.

Cây cầu đổ sập xuống sông Patapsco lúc 1h30 sáng 26/3 sau khi bị một tàu chở hàng khổng lồ rời cảng thành phố đâm phải.

Theo New York Times, tàu Dali khởi hành từ cảng Baltimore đến Colombo, Sri Lanka, nhưng gặp sự cố với động cơ, mất điện hoàn toàn và chết máy, dẫn đến mất lái và đâm vào trụ cầu lúc 1h30 sáng 26/3.

Thống đốc Maryland, Wes Moore, đã ban bố tình trạng khẩn cấp ngay sau đó và Cơ quan quản lý cảng Maryland thông báo tạm dừng hoạt động tàu thuyền ra vào cảng Baltimore cho đến khi có thông báo mới.

Ông Jones sống ở Cherry Hill, chỉ cách nơi xảy ra thảm họa 8 km. Trong những năm tháng trưởng thành, ông vẫn hay tới chơi thể thao bên cạnh cây cầu ở Công viên Fort Armistead.

Cấu trúc bằng thép của cầu Francis Scott Key vắt ngang qua tàu container Dali ở Baltimore sau cú đâm cực mạnh. Ảnh: New York Times.
Cấu trúc bằng thép của cầu Francis Scott Key vắt ngang qua tàu container Dali ở Baltimore sau cú đâm cực mạnh. Ảnh: New York Times.

Là một nhiếp ảnh gia nghiệp dư, ông Jones trong những năm gần đây thường lái xe đến Francis Scott Key để chụp những bức ảnh phơi sáng lâu về cây cầu và khung cảnh bên dưới. “Sáng nay vợ tôi đánh thức tôi dậy để báo tin”, ông kể lại.

“Tôi không thể tin nổi”.

Ông Jones và những cư dân khác tập trung tại một cửa hàng tiện lợi gần lối vào cầu vào sáng 26/3 - nơi họ có thể ở gần hiện trường nhất.

Theo Guardian, giới chức trách đang tìm kiếm ít nhất 6 công nhân xây dựng mất tích sau thảm họa. Theo Cơ quan Giao thông vận tải Maryland, những công nhân này đang sửa chữa ổ gà trên cầu.

Jesús Campos, một công nhân xây dựng của công ty Brawner Builders, cho biết các công nhân này là những người nhập cư từ Trung Mỹ và Mexico. Ông chia sẻ rằng họ lao động vất vả để kiếm tiền nuôi gia đình ở Mỹ và thậm chí trợ giúp cả người thân ở quê nhà.

Jesus Campos cho biết ông làm việc tại Brawner Builders cùng với những công nhân mất tích sau vụ sập cầu ở Baltimore. Ảnh: New York Times.
Jesus Campos cho biết ông làm việc tại Brawner Builders cùng với những công nhân mất tích sau vụ sập cầu ở Baltimore. Ảnh: New York Times.

Bản thân Campos làm ca đêm trên cầu cho đến cách đây một tháng thì được chuyển sang làm ban ngày. “Đó là một tình huống khó khăn”, ông nói từ bãi đậu xe của cửa hàng tiện lợi, thông qua một người phiên dịch. “Các bạn của tôi đang làm việc trên cây cầu đó”.

Ảnh hưởng tới kinh tế quốc gia

Francis Scott Key là cây cầu thép có 4 làn xe, dài 2,6 km bắc qua sông Patapsco, huyết mạch vận tải nối với cảng Baltimore, phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy ở Bờ Đông nước Mỹ.

“Giao thông bị ảnh hưởng nặng nề”, ông Jones cho biết.

Ước tính 11,5 triệu phương tiện qua cầu mỗi năm, với lưu lượng trung bình hàng ngày là 31.500 phương tiện.

Christopher Romey, một cư dân 62 tuổi ở khu Brooklyn Park tại Baltimore, cách cây cầu 6,5 km, nói với Guardian rằng ông đã đi câu cá qua cây cầu tới 18h ngày 25/3, chỉ vài giờ trước khi vụ sập cầu xảy ra.

“Tôi đã được nhìn thấy cây cầu thêm một lần”, ông nói.

Romey từng được quan sát các đội xây dựng cầu Francis Scott Key vào những năm 1970. Ông mang theo bức ảnh của mình trong một chiếc ôtô bên cạnh cây cầu từ những năm 1980.

“Tôi lớn lên trên cây cầu đó, với cây cầu đó”, ông trải lòng. “Tôi không thể tin được là nó đã biến mất”.

Christopher Romey cầm bức ảnh của mình bên cây cầu Francis Scott Key ở Baltimore vào những năm 1980. Ảnh: Guardian.
Christopher Romey cầm bức ảnh của mình bên cây cầu Francis Scott Key ở Baltimore vào những năm 1980. Ảnh: Guardian.

Các thành viên của nhà thờ Thiên chúa giáo Arundel, cách cây cầu 7 km, đã tập trung tại bãi đậu xe của cửa hàng tiện lợi hôm 26/3 với hy vọng có thể hỗ trợ cho các gia đình gặp nạn.

Baltimore là một trong những cảng xuất nhập khẩu ôtô hàng đầu của Mỹ, xử lý 847.158 ôtô và xe tải hạng nhẹ vào năm 2023. Việc đóng cửa cảng có thể có tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế quốc gia.

John Chenery, đại diện của nhà thờ, cho biết ông và các lãnh đạo nhà thờ khác sẽ nỗ lực chăm sóc những gia đình gặp khó khăn sau thảm họa.

Ông nói: “Chúng tôi sẽ cầu nguyện, cung cấp thực phẩm và những đồ thiết yếu”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 26/3 khẳng định chính phủ liên bang sẽ chi tiền xây dựng lại cây cầu bị phá hủy, đồng thời kêu gọi Quốc hội hỗ trợ những nỗ lực này. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết ngoài việc tập trung vào tìm kiếm và cứu nạn, giới chức trách sẽ nỗ lực mở lại cảng của thành phố “càng sớm càng tốt về mặt nhân đạo”, lưu ý rằng 15.000 việc làm phụ thuộc vào cảng.

John Lucia, một cư dân 37 tuổi ở Glen Burnie, bang Maryland, sống cách cây cầu 6,5 km, chụp ảnh cây cầu suốt nhiều năm qua. Anh thường cùng bạn bè chơi đêm ở Công viên Fort Armistead cho đến 1 hoặc 2h sáng, phía sau là cây cầu. Lucia chia sẻ cây cầu đối với anh như là nhà.

Anh trải lòng: “Tất nhiên, bên cạnh bi kịch lớn nhất là 6 người vẫn đang mất tích, còn nhiều biểu tượng khác đã biến mất. Thật buồn quá, và sẽ thực sự kỳ lạ khi nhìn vào khung cảnh đó mà không còn nhìn thấy cây cầu nữa”.

lifestyle.znews.vn

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.