Người Việt tiêu thụ khoảng 4,8 tỷ gói mỳ trong năm 2015. (Ảnh minh họa: KT) |
Dù có hơn 50 doanh nghiệp tham gia vào thị trường nêu trên song 70% doanh số hiện nằm trong tay 3 đại gia là Acecook, Masan và Asia Foods. Do đó, cuộc chiến thị phần giữa các doanh nghiệp này cũng hết sức khốc liệt.
Gia nhập thị trường sau nhưng Masan Consumer được xem là "ngôi sao đang lên" khi tăng thị phần nhanh chóng từ số 0 lên 21% năm 2012 và 25% vào năm 2015. Với kinh nghiệm từ thời gian dài trước đó sản xuất nước chấm và mỳ ăn liền phục vụ thị trường Đông Âu, năm 2007, Masan ra mắt mỳ Omachi với định hướng sản phẩm cao cấp. Cùng với việc mở rộng thị phần, Masan đã cho ra mắt thêm nhãn hàng mỳ Kokomi, Sagami thuộc phân khúc bình dân. Đến nay Masan là ông lớn đứng 2 trong thị trường mỳ ăn liền, chỉ sau Acecook.
Trong bối cảnh thị phần nước mắm, nước tương và tương ớt đang có dấu hiệu chững lại, doanh thu từ mỳ ăn liền ngày càng quan trọng với Masan Consumer. Ước doanh thu từ mỳ ăn liền của doanh nghiệp này ở mức trên 5.000 tỷ đồng, đóng góp vào tổng doanh thu 13.395 tỷ đồng và lợi nhuận 2.900 tỷ đồng năm 2015.
Trước Masan, Acecook là doanh nghiệp Nhật Bản có đầu tư vào Việt Nam từ năm 1993 và độc chiếm thị phần này nhiều năm liền với hơn 20 nhãn hàng khác nhau, trở nên khác quen thuộc với đời sống người Việt như Hảo Hảo, Hảo 100, Vina Acecook...
Những năm gần đây, với sự vươn lên nhiều nhãn hàng, Acecook đã bị suy giảm vị thế. Tuy vậy, đại gia Nhật Bản này vẫn chiếm tới gần 40% thị phần tại Việt Nam (năm 2014 là 38,9% theo Euromonitor). Doanh thu của Acecook từ mỳ ăn liền năm 2014 khoảng 9.000 tỷ đồng. Năm 2015, công ty từng có kế hoạch doanh thu 9.300 tỷ đồng, tiêu thụ 2,8 tỷ gói mỳ.
Ông Kajiwara Junichi - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Acecook Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm 2016, công ty bán ra thị trường khoảng 1,3 tỷ gói mỳ và kỳ vọng cung ứng ra thị trường 2,9 tỷ gói cả năm, mang về doanh thu 9.000 tỷ đồng.
Hiện thị trường Việt Nam đóng góp 50% tổng doanh thu toàn công ty, lợi nhuận thu được cao hơn Nhật Bản do chi phí bán hàng thấp hơn. Xếp thứ 3 trong "cuộc chiến mỳ gói" tại Việt Nam là ông chủ của nhãn hiệu mỳ Gấu đỏ - Asia Foods với thị phần ổn định ở mức trên dưới 10%.
Ngoài những tên tuổi nêu trên, thị trường mỳ ăn liền còn có sự góp mặt của nhiều thương hiệu khác như Vifon, Saigon Ve Wong, Thiên Hương, Colusa Miliket… Giữa năm 2015, sau khi bán mảng bánh kẹo, Tập đoàn Kinh Đô (hiện đổi tên là KiDo) đã kết hợp với Saigon Ve Wong cho ra mắt mỳ Đại gia đình. Công ty cho biết đây là động thái thăm dò thị trường và đặt mục tiêu năm 2015 thu 400 tỷ đồng từ mỳ ăn liền, song thực tế không được như kỳ vọng.
Trên thực tế, số liệu của các tổ chức và các hãng nghiên cứu thị trường cho thấy dù có sự suy giảm theo xu hướng chung của thế giới song thực tế thị trường mỳ gói tại Việt Nam vẫn được đánh giá cao. Với 5 tỷ gói năm 2014 và 4,8 tỷ năm 2015 theo WINA, bình quân mỗi người Việt vẫn tiêu thụ trên 50 gói mỳ mỗi năm, xếp thứ 4 trên thế giới (sau Trung Quốc, Indonesia và Nhật). Còn với số liệu của Euromonitor, doanh thu toàn thị trường cũng đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2008-2013 (từ 10.200 tỷ đồng lên 21.700 tỷ đồng).
Cùng với quá trình hội nhập kinh tế, đời sống người dân ngày càng cao, nhiều loại mỳ nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan... cũng đang tràn vào Việt Nam hướng tới đối tượng cao cấp. Ngược lại, việc sản xuất mỳ gói cũng không chỉ hướng tới tiêu thụ trong nước mà các doanh nghiệp đã bắt đầu xuất khẩu.
Chẳng hạn Acecook năm 2015 đã xuất được khoảng hơn 200 triệu gói mỳ (8% sản lượng tiêu thụ). Doanh nghiệp hướng tới mục tiêu thị trường nước ngoài sẽ chiếm 20% tiêu thụ và thực tế đã xuất khẩu được hơn 100 triệu gói trong nửa đầu năm 2016. Trong khi đó, Masan cũng cho biết sẽ tận dụng cơ hội Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN để thay đổi chiến lược mở rộng xuất khẩu. Công ty dự định xuất khẩu các mặt hàng tiêu dùng chiến lược sang thị trường 250 triệu dân này trong năm nay.