Biểu tượng BMW tại trụ sở ở Munich, Đức. Ảnh: AFP/ TTXVN
Trong một tuyên bố, các nhà điều tra cho biết các công tố viên thành phố Munich đã yêu cầu khoản phạt 8,5 triệu euro (9,6 triệu USD) với cáo buộc BMW đã phớt lờ trong việc việc kiểm soát chất lượng. Các công tố viên tin rằng việc dán nhãn sai phần mềm kiểm soát xử lý khí thải là nguyên nhân khiến tình trạng khí thải gia tăng trên đường phố. Họ cũng cho biết các cuộc điều tra trên diện rộng không phát hiện bằng chứng về một "thiết bị gian lận" trong các mẫu xe chạy bằng diesel của hãng, song nói rằng BMW đã không thiết lập một hệ thống kiểm soát chất lượng phù hợp.
Kể từ đầu năm ngoái, giới chức Đức đã điều tra BMW xung quanh các nghi vấn hãng xe này có thể cố tình cài đặt "thiết bị gian lận" trong các mẫu xe chạy bằng diesel nhằm đạt tiêu chuẩn phát thải song vẫn đảm bảo không hy sinh công suất và khả năng tiết kiệm nhiên liệu.
Tại Đức, Tập đoàn Volkswagen (VW) và một hãng xe cao cấp khác là Audi, năm ngoái cũng phải đối mặt với các vụ kiện hành chính tương tự tại Brunswick và Munich. Cả VW và Audi đều lựa chọn "khép lại" các vụ kiện này bằng cách nộp phạt và thừa nhận trách nhiệm đã vi phạm các tiêu chuẩn ô nhiễm không khí. Cụ thể, VW đã trả 1 tỷ euro (1,1 tỷ USD) trong khi Audi phải chịu mức phạt 800 triệu euro. Mới đây nhất, ngày 18/2, Cơ quan công tố Đức thông báo đã mở cuộc điều tra hãng xe đua Porsche liên quan tới bê bối gian lận khí thải bị phanh phui năm 2015 của VW, cũng là công ty mẹ của Porsche.
Bê bối khí thải chấn động toàn thế giới bị phanh phui vào năm 2015 khi VW thừa nhận đã cài thiết bị gian lận vào khoảng 11 triệu xe chạy diesel để các xe này vượt qua được các kiểm tra ô nhiễm, trong khi thực chất không hề đáp ứng được các tiêu chuẩn về khí thải. Bê bối này đã tiêu tốn của VW hơn 28 tỷ euro tiền phạt, tiền chi cho các chương trình mua lại và sửa chữa các xe gian lận. Dù vậy, hãng này cho đến nay vẫn chưa thể giải quyết xong các án kiện tại cả thị trường trong nước và quốc tế.