Nguy cơ xuất hiện đại dịch mới từ việc uống máu rắn, ăn bọ cạp của binh sĩ

Các nhà vận động Anh cảnh báo hoạt động uống máu rắn, ăn thịt tắc kè và bọ cạp sống trong các cuộc tập trận sẽ khiến binh sĩ Anh có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm tương tự như bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra và thậm chí có thể tạo ra một đại dịch mới.

Nguy cơ xuất hiện đại dịch mới từ việc uống máu rắn, ăn bọ cạp của binh sĩ

Lính Thủy quân Lục chiến Mỹ tranh nhau uống máu rắn trong cuộc tập trận "Hổ mang Vàng" tháng 3/2020. Ảnh: Thủy quân Lục chiến Mỹ

Theo đài Sputnik, trong bức thư gửi tới Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace, các nhà vận động thuộc tổ chức bảo vệ quyền động vật PETA bày tỏ nỗi lo ngại về việc hàng nghìn binh sĩ nước ngoài tham gia cuộc tập trận “Hổ mang Vàng” thường niên tại Thái Lan. Những cuộc tập trận này còn có biệt danh là “huấn luyện sống còn” khi binh sĩ tham gia phải giết và ăn một số côn trùng, động vật nhất định.

Ví dụ trong cuộc tập trận năm ngoái, binh sĩ Mỹ phải lột da và ăn thằn lằn, bọ cạp, cũng như chuyền tay nhau một con rắn đã bị chặt đầu và uống máu nó. Hình ảnh này đã tạo ra một làn sóng phản đối dữ dội từ dư luận.

PETA chỉ ra rằng Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ đã thống kê có tới 75% các bệnh truyền nhiễm xuất hiện gần đây ở con người có nguồn gốc và lây lan từ động vật.

Kể từ những năm 1970, gần 40 bệnh truyền nhiễm xuất hiện trong quá trình con người tiếp xúc với động vật hoang dã – bao gồm các bệnh như Hội chứng suy hô hấp cấp SARS, Hội chứng hô hấp Trung Đông MERS, Eblola, cúm giá cầm, virus Zika… Đại dịch mới nhất là COVID-19, do virus SARS-CoV-2 gây ra, cũng được nhiều nhà khoa học tin rằng có nguồn gốc từ loài dơi và truyền sang cho con người qua các động vật trung gian.

Bên cạnh mối nguy liên quan đến sức khỏe, nhóm bảo vệ quyền động vật lên án hành vi giết hại động vật một cách man rợ như trong các cuộc huấn luyện quân sự, cho rằng những việc làm này đang đẩy các loài động vật hoang dã đến bờ vực tuyệt chủng.

Con rắn bị chặt đầu trong cuộc tập trận năm ngoái thuộc dòng rắn hổ mang chúa, được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) liệt vào danh sách các loại động vật dễ bị tổn hại, có nghĩa là chúng phải đối mặt với “nguy cơ tuyệt chủng cao trong tự nhiên”.

Theo Báo Tin tức

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.