Giá vàng tăng vọt lên mức cao kỷ lục mới 2.276,89 USD/ounce trong phiên 2/4, trước khi giảm xuống mức 2.257,8 USD/ounce vào gần cuối phiên giao dịch. Nguyên nhân phần lớn là do sự quan tâm ngày càng tăng đối với các quỹ chạy theo xu hướng.
Những bất ổn địa chính trị gia tăng ở Trung Đông vào đầu tháng Tư càng khiến các nhà đầu tư đổ xô vào tài sản được coi là nơi trú ẩn an toàn.
Kim loại quý này cũng đã nhận được lực đẩy đáng kể từ các ngân hàng trung ương lớn như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) về việc bắt đầu cắt giảm lãi suất trong vài tháng tới.
Những yếu tố cơ bản tác động đến giá vàng
Nhà báo Piero Cingari tại hãng tin kinh tế, tài chính Benzinga của Mỹ cho hay bất chấp những lo ngại về số liệu lạm phát cao, Fed vẫn cam kết thực hiện ba lần cắt giảm lãi suất, mỗi lần 25 điểm cơ bản trong năm nay. Chủ tịch Fed Jerome Powell đã đưa ra những nhận xét khá ôn hòa gần đây, củng cố kỳ vọng của thị trường về đợt giảm lãi suất sớm nhất là vào tháng 6/2024.
Tại châu Âu, không có thành viên nào của BoE bỏ phiếu ủng hộ việc tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 3/2024, trái ngược với cuộc họp trước đó. Thống đốc BoE Andrew Bailey cho hay những dự đoán của thị trường về việc cắt giảm lãi suất trong năm nay có vẻ “đúng’.
Giám đốc đầu tư Russ Mold tại AJ Bell cho biết điều này có thể là do lạm phát tại Mỹ đang khá dai dẳng khi nền kinh tế nóng hơn dự kiến, hoặc do các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vào kim loại quý này để đa dạng nguồn dự trữ. Đó cũng có thể là các nhà đầu tư đang tìm kiếm “nơi trú ẩn an toàn” thay thế khi giá trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm.
Sự khác biệt giữa giá vàng và giá trái phiếu là đáng ngạc nhiên, cho thấy thị trường hàng hóa và trái phiếu đang bắt đầu định giá theo tỷ lệ lạm phát cao hơn trong thời gian dài hơn. Điều này không phải là thông tin tốt đối với thị trường chứng khoán, vốn “ưa thích” các yếu tố lạm phát hạ nhiệt, nền kinh tế "hạ cánh mềm" và các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất.
Theo ông Russ Mold, những yếu tố trên có thể thuyết phục một số nhà đầu tư tìm đến vàng một lần nữa.
Nhu cầu của Trung Quốc thúc đẩy đà tăng giá vàng
Trung Quốc và Ấn Độ là hai trong số những quốc gia tiêu thụ vàng nhiều nhất thế giới, đặc biệt là đồ trang sức bằng vàng. Năm 2023, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương) được cho là đã mua khoảng 225 tấn vàng, nâng tổng dự trữ lên tới 2.235 tấn.
Trong khi đó, theo Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu về vàng trang sức ở Ấn Độ lên tới khoảng 562,3 tấn trong năm 2023.
Giám đốc điều hành của MetalsDaily, ông Ross Norman, cho biết với số tiền gửi tiết kiệm hiện có khoảng 20.000 tỷ NDT (2.764,49 tỷ USD), thị trường chứng khoán ảm đạm và lĩnh vực bất động sản gặp nhiều khó khăn, vàng là một trong số ít khoản đầu tư chắc chắn và đáng tin cậy.