Nhận diện thủ đoạn lừa chiếm tài sản qua giao dịch ngân hàng điện tử

(Baohatinh.vn) - Trước thủ đoạn ngày càng tinh vi, liều lĩnh của tội phạm lừa đảo qua giao dịch ngân hàng điện tử, người dân Hà Tĩnh cần nâng cao ý thức cảnh giác, kịp thời liên hệ với cơ quan chức năng khi phát hiện bất thường liên quan đến giao dịch chuyển tiền.

Sáng 10/8/2022, chị Đặng Thị Hoa (SN 1976, trú xã Đức Hương, Vũ Quang) nhận được tin nhắn từ facebook của con trai nhờ chuyển 60 triệu đồng vào số tài khoản Agribank của bạn. Do con trai thường xuyên liên lạc với gia đình qua facebook nên chị Hoa không mảy may nghi ngờ và đã đến Agribank chi nhánh huyện Vũ Quang để chuyển tiền.

Chị Đặng Thị Hoa (SN 1976, trú xã Đức Hương, Vũ Quang) đến giao dịch chuyển tiền tại Agribank Chi nhánh huyện Vũ Quang.

Sau khi nghe chị Hoa thuật lại câu chuyện, giao dịch viên là chị Trần Thị Mai đã xin xem nội dung tin nhắn. Nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, chị Mai đề nghị khách hàng liên hệ lại để xác thực nhưng bất thành. Nghe lời khuyên của giao dịch viên, chị Hoa đã không chuyển số tiền trên.

Sau khi liên hệ với con trai và được biết, đã có đối tượng mạo danh facebook để nhắn tin lừa đảo, chị Hoa tá hỏa khi mình suýt trở thành nạn nhân.

Giao dịch viên Trần Thị Mai (áo trắng) đã giúp khách hàng Đặng Thị Hoa không bị mất oan số tiền 60 triệu đồng.

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như chị Đặng Thị Hoa. Dù chưa ghi nhận khách hàng bị lừa đảo khi giao dịch trực tiếp ở ngân hàng, song, ở giao dịch online, đã có không ít người sập bẫy.

Phó Giám đốc Viettinbank chi nhánh Hà Tĩnh Nguyễn Đình Khánh cảnh báo: Các phương thức phổ biến hiện nay là giả danh nhân viên của nhà mạng viễn thông để gọi điện lừa khách hàng nâng cấp sim điện thoại từ 3G sang 4G, từ đó chiếm quyền kiểm soát sim, đánh cắp mật khẩu, OTP, tài khoản ngân hàng; mạo danh website của ngân hàng, phát tán qua tin nhắn điện thoại nhằm dẫn người dùng vào đường link để chiếm quyền sử dụng tài khoản ngân hàng.

Khách hàng được hướng dẫn các thủ tục khi đến giao dịch tại Viettinbank chi nhánh Hà Tĩnh.

Cùng đó là giả mạo nhân viên ngân hàng mời chào các khoản vay, dụ dỗ nạn nhân phải đóng phí để chiếm đoạt tài sản; lợi dụng tâm lý lo sợ của người dân để giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát thông báo về việc họ liên quan đến các vụ án đang điều tra rồi khai thác thông tin của người bị hại, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền; thông báo hình thức trúng thưởng, nhận quà từ nước ngoài...

Khách hàng thường xuyên được cán bộ Vietcombank chi nhánh Hà Tĩnh cảnh báo về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến giao dịch chuyển tiền online.

Theo bà Hoàng Thị Ngọc Thảo - Phó Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng Vietcombank chi nhánh Hà Tĩnh, một số khách hàng khi chuyển nhầm tiền vào tài khoản đã đăng tải thông tin lên facebook, mạng xã hội để nhờ giúp đỡ. Các đối tượng đã lợi dụng điều này giả danh nhân viên ngân hàng và yêu cầu người bị hại cung cấp thông tin cá nhân. Ngoài ra, các đối tượng còn gọi điện xưng là người chuyển nhầm tiền vào tài khoản nạn nhân, đồng thời kết bạn zalo, facebook rồi gửi đường link giả với lý do xin lại tiền rồi dẫn dụ cung cấp thông tin bảo mật để chiếm đoạt tài sản.

Sau khi chiếm đoạt tài sản, đối tượng lừa đảo lập tức chuyển tiền qua tài khoản khác trong khi phải mất một thời gian, khách hàng mới vỡ lẽ rằng mình bị lừa. Do đó, việc lấy lại số tiền đã mất là hoàn toàn không thể.

Đối tượng xấu còn mạo danh là nhân viên ngân hàng để yêu cầu nạn nhân thực hiện giao dịch nhằm chiếm đoạt tiền.

Để bảo vệ khách hàng trước các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ngoài tập trung tuyên truyền, cảnh báo, các tổ chức tín dụng đã tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao tính bảo mật khi triển khai ngân hàng số điện tử; phối hợp với các ngành chức năng phục vụ công tác điều tra khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo; thường xuyên hướng dẫn khách hàng phương thức giao dịch an toàn và khuyến cáo khách hàng bảo vệ an toàn trong quá trình giao dịch.

“Đặc biệt, ngân hàng không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu của mình trong quá trình sử dụng dịch vụ bất cứ hình thức nào”, bà Hoàng Thị Ngọc Thảo - Phó Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng Vietcombank chi nhánh Hà Tĩnh nhấn mạnh.

Các tổ chức tín dụng đã tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao tính bảo mật để bảo vệ người dùng.

Được biết, từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố 18 vụ/79 bị can lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.

Thiếu tá Nguyễn Công Hiếu - Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm và sử dụng không gian mạng, xâm phạm trật tự an toàn xã hội (Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Hà Tĩnh) khuyến cáo: Người dân tuyệt đối không công khai các thông tin cá nhân trên mạng xã hội, đặc biệt, không cung cấp mã OTP cho người khác; đề cao cảnh giác khi được yêu cầu click vào các đường link lạ; xem xét kỹ giao diện các website, tránh vào website giả mạo; không cho mượn, mua bán giấy tờ tùy thân của cá nhân; gọi điện cho bạn bè, người thân để xác minh khi nhận được tin nhắn nhờ vay tiền, mua thẻ điện thoại...

Cảnh báo lừa đảo xuất hiện ngay khi người dùng đăng nhập thành công vào app Vietcombank.

“Công an tỉnh đã, đang và sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là trên không gian mạng nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân; phát động phong trào toàn dân phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo qua mạng. Đồng thời, chủ động nắm tình hình trên không gian mạng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các website giả mạo ngân hàng; rà soát, lên danh sách, kiểm soát chặt chẽ các đối tượng có tiền án, tiền sự về lừa đảo chiếm đoạt tài sản; kịp thời xác minh các dấu hiệu nghi vấn; tập trung lực lượng, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, làm rõ” - Thiếu tá Nguyễn Công Hiếu cho biết.

Chủ đề Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói