Nhận thức thêm tư tưởng Hồ Chí Minh về đánh giá cán bộ trong giai đoạn hiện nay

(Baohatinh.vn) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ. Người khẳng định: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.

Nhận thức thêm tư tưởng Hồ Chí Minh về đánh giá cán bộ trong giai đoạn hiện nay

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đến công tác cán bộ. Ảnh tư liệu

Trong các khâu của công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác đánh giá cán bộ, coi đây là việc làm trước tiên. Phải thường xuyên xem người, xét việc tìm ra những nhân tài mới, phát hiện, loại bỏ những cán bộ không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Khi đánh giá cán bộ, phải đặt trong đa dạng các mối quan hệ. Người cán bộ phải có năng lực công tác, phẩm chất đạo đức và bản lĩnh chính trị. “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt”. Với nhân dân thể hiện ở “việc gì cũng bàn bạc với nhân dân, giải thích cho nhân dân”. Với Đảng và Nhà nước, người cán bộ phải lấy quan điểm của Đảng làm nền tảng cho mọi hoạt động.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cán bộ phải hội đủ 4 tiêu chuẩn cơ bản: trung thành, hăng hái trong công việc; liên lạc mật thiết với quần chúng, hiểu biết quần chúng; luôn luôn chú ý đến lợi ích nhân dân; luôn luôn giữ đúng kỷ luật.

Nhận thức thêm tư tưởng Hồ Chí Minh về đánh giá cán bộ trong giai đoạn hiện nay

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém.

Khi đánh giá cán bộ không được bảo thủ, định kiến, phải yêu thương cán bộ, nhưng không phải là vỗ về, thả mặc, mà phải “giúp họ học tập thêm, tiến bộ thêm”. Thương yêu cán bộ còn là luôn chú ý đến công tác của họ, hễ thấy có khuyết điểm thì giúp họ sửa chữa ngay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, khi xem xét cán bộ phải trong toàn bộ quá trình công tác, cả lúc khó khăn và khi thuận lợi. Người chỉ rõ: “Xem xét cán bộ, không chỉ xem xét ngoài mặt mà còn phải xem tính chất của họ. Không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem toàn cả lịch sử, toàn cả công việc của họ”. Do đó, phải xem xét cán bộ trong quá trình công tác lâu dài để đánh giá đúng cán bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm, ta phải khéo nâng cao chỗ tốt, khéo sửa chữa chỗ xấu cho họ”. Do đó, người lãnh đạo cần giúp đỡ cán bộ nhận ra sai lầm và khắc phục, sữa chữa sai lầm đó. Xem xét cán bộ phải thấy được xu hướng phát triển của họ, từ đó làm cơ sở cho công tác bồi dưỡng, huấn luyện, đào tạo, luân chuyển một cách hợp lý.

Theo Hồ Chí Minh, việc xem xét, đánh giá cán bộ phải xuất phát từ thực tiễn hoạt động của cán bộ. Từ thực tiễn hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chia cán bộ ra làm hai loại: “Ai mà hay khoe công việc, hay a dua, tìm việc nhỏ mà làm, trước mặt thì theo mệnh lệnh, sau lưng thì trái mệnh lệnh, hay công kích người khác, hay tự tâng bốc mình, những người như thế, tuy họ làm được việc, cũng không phải cán bộ tốt. Ai cứ cắm đầu làm việc, không ham khoe khoang, ăn nói ngay thẳng, không che giấu khuyết điểm của mình, không ham việc dễ, tránh việc khó, bao giờ cũng kiên quyết làm theo mệnh lệnh của Đảng, vô luận hoàn cảnh thế nào, lòng họ cũng không thay đổi, những người như thế, dù công tác kém một chút cũng là cán bộ tốt”. Muốn đánh giá đúng cán bộ, người làm công tác cán bộ phải thực sự bám sát thực tiễn hoạt động của họ, theo dõi, nhắc nhở, động viên kịp thời.

Từ thực trạng công tác đánh giá cán bộ cho thấy, một số tổ chức đảng đánh giá cán bộ còn hình thức; tình trạng nể nang, né tránh trách nhiệm, ngại va chạm và dân chủ hình thức trong đánh giá cán bộ vẫn còn khá phổ biến ở các cấp; tinh thần tự phê bình và phê bình chưa cao. Bản thân cán bộ, đảng viên vẫn chưa thực sự tự giác kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Nhận xét của cơ quan, đơn vị với cán bộ hầu hết đều tốt, nên vẫn có hạn chế trong việc đánh giá đúng thực chất, khách quan. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã thẳng thắn thừa nhận: “Việc đổi mới công tác cán bộ chưa có đột phá lớn. Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa có những tiêu chí cụ thể và giải pháp khoa học để khắc phục”.

Nhận thức thêm tư tưởng Hồ Chí Minh về đánh giá cán bộ trong giai đoạn hiện nay

Trưởng ban Dân vận Huyện ủy - Chủ tịch UBMTTQ huyện Can Lộc Bùi Thị Kiều Nhi (thứ 2 phải sang) trao đổi công việc với các cán bộ, chuyên viên Ủy ban MTTQ huyện.

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác đánh giá cán bộ đòi hỏi phải thực hiện tốt các nội dung sau:

Trước hết, các cấp ủy, tập thể lãnh đạo quản lý các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị cần nhận thức đầy đủ, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đánh giá cán bộ, từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác đánh giá cán bộ, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, đúng các quy định của Đảng, Nhà nước.

Thứ hai, cần hoàn thiện các tiêu chí cụ thể gắn với công việc của người cán bộ. Tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức là những tiêu chí phản ánh phẩm chất, năng lực của người cán bộ. Nắm vững tiêu chí mới có căn cứ khách quan để đánh giá đúng cán bộ cũng như tiến hành các khâu của công tác cán bộ. Làm tốt nội dung này là cơ sở để đối chiếu, đánh giá năng lực hoạt động và kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng cán bộ.

Thứ ba, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát đối với cán bộ. Việc kiểm tra, giám sát sẽ làm cho người cán bộ có trách nhiệm hơn trong công việc được giao, điều chỉnh được hành vi của mình cho đúng chuẩn mực, tránh được những thói hư tật xấu nảy sinh trong quá trình công tác, ngăn chặn tình trạng mất đi những người tài năng nhưng sa sút về đạo đức.

Thứ tư, phải kết hợp các kênh thông tin để đánh giá cán bộ như: cấp ủy trực tiếp quản lý cán bộ; cấp ủy cấp trên trực tiếp; cơ quan tổ chức cán bộ; lấy hiệu quả công tác thực tế làm thước đo; cán bộ, nhân viên dưới quyền, quần chúng nhân dân đánh giá và cán bộ tự đánh giá. Mỗi kênh đánh giá đều phản ánh được thế mạnh, ưu điểm, nhưng trong đó kênh chủ đạo là cấp ủy đảng gắn với trách nhiệm đánh giá của người đứng đầu.

Thứ năm, mỗi cán bộ phải nêu cao tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình. Bản thân mỗi cán bộ phải tự đánh giá được những ưu, khuyết điểm của bản thân mình, nghe đồng chí, đồng nghiệp góp ý về những ưu, khuyết điểm của mình để từ đó xây dựng phương hướng, giải pháp để khắc phục khuyết điểm, rèn luyện thực hiện những tiêu chí thi đua khen thưởng mà cơ quan đơn vị đưa ra, đồng thời phải thẳng thắn góp ý, phê bình đối với đồng chí mình.

Trường Chính trị Trần Phú

Chủ đề KỶ NIỆM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Đọc thêm

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm cấp quốc gia 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương dự và đọc Diễn văn kỷ niệm.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) diễn ra lễ kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm.
Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Sáng 19/12, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác báo chí năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 và trao giải Búa Liềm vàng cấp tỉnh lần thứ XII – năm 2024.