Theo CNBC, nhà chức trách Nhật Bản đã chi 5.530 tỷ yen, tương đương 36,8 tỷ USD, để hỗ trợ tỷ giá đồng yen trong tháng 7 vừa qua.
Trước đó, thị trường đã hoài nghi rằng Bộ Tài chính Nhật có thể đã phối hợp với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) ca thiệp vào thị trường ngoại hối. Đồn đoán này rộ lên khi tỷ giá đồng yen so với đồng USD bất ngờ phục hồi mạnh sau khi rớt xuống mức thấp nhất 38 năm.
Khoản tiền nói trên dù khá sát với dự đoán của các chuyên gia nhưng vẫn là một con số đáng kinh ngạc. Hành động này phản ánh quyết tâm của chính phủ Nhật Bản trong việc kiểm soát những biến động quá mức trên thị trường tiền tệ, một cam kết mà Nhật Bản đã nhiều lần nhấn mạnh trước đó.
Lần can thiệp mới nhất vào thị trường ngoại hối diễn ra ngay sau khi đồng nội tệ của Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất trong 38 năm so với đồng USD. Trước đó, vào cuối tháng 5, chính phủ Nhật Bản xác nhận cơ quan tài chính nước này đã chi 62 tỷ USD nhằm thực hiện đợt can thiệp lần đầu tiên kể từ tháng 10/2022.
Mới đây, BOJ đã quyết định nâng lãi suất cơ bản lên 0,25% từ mức 0-0,1% sau cuộc họp kéo dài 2 ngày.
Đây là lần thứ 2 BOJ tăng lãi suất kể từ năm 2007, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chính sách tiền tệ của Nhật Bản, theo Reuters.
Đồng yen đã tăng giá 7% trong tháng 7, đánh dấu tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2022. Đầu tháng, yen giảm về mức gần 162 yen đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ năm 1986.
Theo Bloomberg, một số chuyên gia dự báo đà tăng này có thể đưa tỷ giá đồng yen lên mức 140 yen đổi 1 USD vào cuối năm nay và 125 yen đổi 1 USD vào cuối năm 2025.
Paresh Upadhyaya, Giám đốc chiến lược tiền tệ của Công ty Amundi nhận định.“Đồng yen có thể tăng tới mức 140 yen đổi 1 USD nếu xuất hiện đồng thời các yếu tố Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng, tâm lý lo ngại rủi ro tăng lên, và BOJ duy trì việc thắt chặt chính sách tiền tệ”.