Nhiều giải pháp đảm bảo điện mùa khô

Mùa khô năm nay, cả nước sẽ không xảy ra tình trạng thiếu điện hoặc cắt, giảm điện, trừ khi có sự cố lớn, đó là khẳng định của ông Đặng Huy Cường - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương).

Mặc dù nhu cầu sử dụng điện tăng cao nhưng do hệ thống điện đã có dự phòng nên sẽ đảm bảo cung ứng nguồn cho cả nước. Tuy nhiên, trong mùa khô 2014, căng thẳng nhất vẫn là đảm bảo điện cho các tỉnh, thành phía Nam. Lý do là một số nhà máy phát điện đang xây dựng ở miền Nam bị chậm tiến độ, điện cho miền Nam vẫn phụ thuộc vào việc truyền tải điện từ miền Bắc và miền Trung vào để bổ sung công suất nguồn điện do các nguồn điện tại chỗ không thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ điện. Trong khi đó, việc truyền tải công suất và sản lượng lớn trên đường dây 500 kV luôn tiềm ẩn rủi ro nếu một trong hai đường dây 500 kV Bắc - Nam bị sự cố.

Ngoài ra, trong khoảng 15.000 MW công suất nguồn điện tại chỗ ở miền Nam, nhiệt điện khí đã chiếm tới 10.000 MW nhưng việc cung cấp nguồn khí cho các nhà máy này phát điện còn hạn chế nên vẫn có tới 8.000MW công suất nguồn nhiệt điện chạy trong tình trạng thiếu khí. Nếu các hệ thống cung cấp khí Tây Nam bộ và Đông Nam bộ vận hành không ổn định sẽ gây khó khăn lớn đối với việc cung cấp điện của miền Nam trong những tháng còn lại của mùa khô năm 2014.

Để giải quyết vấn đề này, ngày 5/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hoàn thành công trình đường dây truyền tải điện cao áp 500kV Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông có chiều dài hơn 437km. Việc đóng điện và đưa vào vận hành công trình trọng điểm đúng tiến độ sẽ đảm bảo truyền tải điện an toàn, ổn định từ miền Bắc vào miền Nam, kịp thời truyền tải điện bù khoảng 2.000 MW công suất điện thiếu của miền Nam trong các tháng cao điểm 5, 6, 7 mùa khô năm 2014 và những năm tiếp theo của toàn miền Nam nói chung và TP. HCM nói riêng.

EVN cũng có kế hoạch khai thác hợp lý các nhà máy thủy điện để đảm bảo mục tiêu tích nước ở mực nước dâng bình thường, khai thác cao các nguồn nhiệt điện than, các tổ máy tua-bin khí khai thác cao theo nhu cầu trữ nước các hồ thủy điện ở miền Nam.

Cùng với đường dây 500kV mạch 1 và 2, đường dây 500kV mạch 3 Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông đi vào vận hành góp phần tạo tiền đề liên kết lưới điện khu vực Đông - Tây Nam bộ, đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn, kinh tế trong trường hợp cần có sự trao đổi điện năng ở mức độ cao giữa các vùng, miền trên cả nước.

EVN cũng đã đề xuất với Bộ Công Thương chỉ đạo tăng cường khí PM3 cho các nhà máy điện khí bằng cách giảm lượng khí cung cấp cho các nhà máy đạm; đàm phán với phía Talisman (Malaysia) nhường một phần khí cho nhu cầu cung ứng điện. Đến nay, lượng khí cung cấp cho các nhà máy điện Cà Mau đã lên khoảng trên 4 triệu m3/ngày nhưng chưa chạy được tối đa cả 4 tổ máy.

Mới đây, tại Thông báo số 183/TB-VPCP, Chính phủ đã chỉ đạo EVN bố trí lịch sửa chữa các tổ máy phát điện hợp lý, điều hành phối hợp tốt giữa các nhà máy sử dụng chung nguồn năng lượng sơ cấp, các nhà máy thủy điện trên cùng bậc thang; phối hợp chặt chẽ với các nguồn điện của các Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản, Tập đoàn Dầu khí và các đơn vị phát điện khác để vận hành có hiệu quả thị trường phát điện cạnh tranh. Vận hành an toàn và ổn định hệ thống truyền tải điện 500 kV Bắc – Trung - Nam trong điều kiện truyền tải cao. Cập nhật các thông tin về nhu cầu điện, dự báo phụ tải, khả năng cung cấp các nguồn nhiên liệu sơ cấp, tiến độ thực hiện các dự án nguồn điện, lưới điện liên kết… thực hiện tính toán cân bằng công suất – điện năng giai đoạn đến năm 2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2014.

Nguồn: Báo Công thương

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast