Nhiều người leo đỉnh Everest nhiễm biến thể Nepal, nguy cơ phát tán khắp nơi

Nhiều người leo đỉnh Everest đã nhiễm biến thể phát hiện ở Nepal dễ lây hơn và có thể kháng vaccine COVID-19, nguy cơ phát tán khắp thế giới.

Nhiều người leo đỉnh Everest nhiễm biến thể Nepal, nguy cơ phát tán khắp nơi

Trại ở chân núi Everest đã có nhiều người mắc COVID-19. Ảnh: AFP

Theo tờ Dailymail, 13 hành khách trên chuyến bay từ Nepal tới Nhật Bản đã mắc biến thể mới của SARS-CoV-2. Biến thể Nepal này có cả đột biến của biến thể Ấn Độ và biến thể Nam Phi.

Ít nhất 43 trường hợp nhiễm biến thể Ấn Độ đã xuất hiện ở Anh. Ca đầu tiên được phát hiện ngày 24/4. Ngoài ra, có một số ca nhiễm biến thể Nepal ở Mỹ, Ấn Độ và Bồ Đào Nha.

Các đột biến của biến thể Nepal khiến các nhà khoa học lo sợ vì nó có thể kết hợp những đặc điểm nguy hiểm nhất của biến thể Ấn Độ (dễ lây hơn) và đặc điểm nguy hiểm nhất của biến thể Nam Phi (kháng vaccine tốt hơn).

Theo các nhà khoa học, Nepal nhiều khả năng là nơi xuất phát của biến thể này nhất vì biến thể có điểm tương đồng với biến thể Ấn Độ và được phát hiện trong rất nhiều trường hợp trên chuyến bay xuất phát từ Nepal.

Tiến sĩ Jeffrey Barrett, một giám đốc tại Viện Wellcome Sanger - trung tâm giám sát COVID-19 lớn nhất Anh, cho biết các hành khách Nhật Bản về nước từ Nepal đã mắc biến thể Nepal.

13 ca này ở Nhật Bản được phát hiện trong khi cách ly ở khách sạn sau khi trở về từ Nepal. Nhật Bản cũng phát hiện ra một ca mắc khác không liên quan tới nhóm 13 người này. Mới có một ca mắc biến thể này ở Nepal nhưng quốc gia này hầu như không theo dõi các biến thể của SARS-CoV-2.

Nepal đã cho phép hàng nghìn người leo núi vào nước này để khởi động mùa leo đỉnh Everest vào mùa xuân này và ít nhất có 100 ca mắc COVID-19 ở trại chân núi.

Tiến sĩ Simon Clarke, một nhà vi sinh vật tại Đại học Reading, cho biết hoàn toàn có khả năng biến thể Nepal đang bị người leo Everest làm lây lan khắp nơi. Ông nói: “Du khách đi bất kỳ đâu thì nơi đó cũng có thể là nguồn lây nhiễm biến thể khắp thế giới”.

Nhiều người leo đỉnh Everest nhiễm biến thể Nepal, nguy cơ phát tán khắp nơi

Nepal trải qua đợt bùng phát dịch COVID-19 dữ dội. Ảnh: Reuters

Tại trại ở chân đỉnh Everest, đã có nhiều ca mắc COVID-19. Tháng trước, ít nhất 100 người leo núi và hướng dẫn viên đã có xét nghiệm dương tính. Hàng ngày đều có người được sơ tán khỏi trại sau khi mắc COVID-19.

Anh Lukas Furtenbach, một người Áo dẫn nhóm khách du lịch tới Everest, cho biết anh có thể nghe thấy tiếng mọi người ho trong lều và thấy một số người không khỏe.

Đợt bùng phát dịch bệnh ở trại chân núi trùng với làn sóng dịch bệnh thứ hai ở Nepal. Các ca mắc COVID-19 đang tăng vọt ở đây, chủ yếu do người lao động ở Ấn Độ về nước và làm lây nhiễm ra cộng đồng.

Nepal đã cấp 300 giấy phép leo núi Everest năm nay. Du khách phải tự cách ly 3 ngày và xét nghiệm rồi mới leo lên trại chân núi. Tuy nhiên, việc thực thi quy định này lỏng lẻo khi chỉ một nửa trong 43 nhóm leo núi được xét nghiệm.

Đỉnh Everest trở nên đặc biệt nổi tiếng năm 2019, khiến người leo phải xếp hàng chờ nhau leo lên đỉnh.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Nepal viết trong một tuyên bố trên Twitter: "WHO chưa có thông tin gì về bất kỳ biến thể mới nào của SARS-CoV-2 được phát hiện ở Nepal”.

WHO cho hay có ba biến thể đã biết đang lây lan ở Nepal là biến thể Kent (Alpha) và hai dòng của biến thể Ấn Độ (Delta và Kappa). Biến thể phổ biến ở Nepal hiện nay là Delta.

Theo Báo Tin tức

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.