Nhiều nước châu Âu “đau đầu” tìm cách kiểm soát dịch COVID-19

Hy Lạp và Áo chật vật đối phó với số ca mắc COVID-19 tăng mạnh khiến các khu điều trị bị quá tải; tình trạng chính trị rối ren tại Đức có nguy cơ kìm hãm cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Nhiều nước châu Âu “đau đầu” tìm cách kiểm soát dịch COVID-19

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Athens, Hy Lạp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 18/11, Hy Lạp đã yêu cầu các bác sỹ tư nhân ở 5 khu vực phía Bắc của đất nước hỗ trợ hệ thống y tế trong bối cảnh quốc gia châu Âu này đang phải chật vật đối phó với sự gia tăng số ca mắc COVID-19.

Chính phủ Hy Lạp đã kêu gọi sự hỗ trợ của các bác sỹ khu vực tư nhân vào đầu tháng này, khi các bệnh viện công và khu điều trị tích cực của Hy Lạp đã bị quá tải do số ca mắc COVID-19 tăng mạnh trong những tuần gần đây.

Yêu cầu này, được đăng trên công báo chính thức của chính phủ, có hiệu lực trong một tháng.

Trong ngày 17/11, Hy Lạp ghi nhận 6.682 ca mắc mới COVID-19 và thêm 87 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca mắc lên 853.841 ca kể từ khi đại dịch bùng phát vào năm ngoái, trong đó có 17.012 người không qua khỏi.

Đầu tháng này, chính phủ đã áp đặt các biện pháp hạn chế đối với những công dân chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong nỗ lực khống chế dịch lây lan.

Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis dự kiến sẽ phát biểu vào tối 18/11 nhằm khuyến khích người dân tiêm chủng. Tới nay đã có khoảng 61,8% trong tổng số 11 triệu dân ở Hy Lạp đã tiêm đủ liều vaccine.

Áo ngày 18/11 ghi nhận dấu mốc buồn khi số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày lần đầu tiên vượt 15.000 ca. Cụ thể, Áo ghi nhận 15.145 ca mắc mới trong bối cảnh các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất bắt đầu lên kế hoạch đóng cửa hoàn toàn.

Điều này buộc chính phủ phải cân nhắc thực hiện quyết định tương tự trên toàn quốc thay vì chỉ phong tỏa tất cả những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 như hiện nay.

Tới nay, mới chỉ có khoảng 66% dân số Áo được tiêm đủ liều - một trong những tỷ lệ thấp nhất ở Tây Âu. Tỷ lệ mắc COVID-19 tại Áo vào hàng cao nhất châu lục, ở mức 971 ca/100.000 người.

Các nhà lãnh đạo Đức sẽ thảo luận về kế hoạch áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn đối với những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Dữ liệu từ Viện Robert Koch (RKI) cho thấy số ca mắc mới trong 24 giờ qua tăng vọt lên mức kỷ lục 65.371 ca.

Trước tình hình này, Thủ tướng sắp mãn nhiệm Đức Angela Merkel sẽ gặp thủ hiến của 16 bang của Đức vào cuối ngày 18/11 để quyết định các biện pháp mới nhằm khống chế sự gia tăng số ca mắc này.

Một trong các biện pháp có thể được cân nhắc bao gồm các yêu cầu đối với những người chưa tiêm chủng phải xuất trình chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 nếu muốn sử dụng phương tiện giao thông công cộng hoặc đến văn phòng.

Tuy nhiên, vài giờ trước cuộc đàm phán căng thẳng, một cuộc tranh luận gay gắt đã nổ ra tại Hạ viện, nơi các nghị sỹ sẽ bỏ phiếu về dự luật cung cấp khuôn khổ pháp lý để Thủ tướng Merkel và Thủ hiến các bang triển khai các biện pháp trên.

Ba đảng chính trị đang đàm phán để thành lập chính phủ mới của Đức đã đưa ra dự luật mới để thay thế đạo luật đang được áp dụng và dự kiến hết hiệu lực vào ngày 25/11 tới.

Dù vậy, Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Merkel lại lập luận rằng dự luật mới này không cứng rắn bằng đạo luật hiện hành, đồng thời đe dọa sẽ phản đối văn kiện này tại Thượng viện.

Tình trạng chính trị rối ren tại Đức hiện nay có nguy cơ kìm hãm cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 vào thời điểm các khu điều trị tích cực tại các bệnh viện đang dần rơi vào quá tải.

Theo Phương Oanh/Vietnam+

Đọc thêm

Gần 150 người thiệt mạng do động đất tại Myanmar

Gần 150 người thiệt mạng do động đất tại Myanmar

Tân Hoa xã dẫn báo cáo của Ban Thông tin của Hội đồng Hành chính nhà nước Myanmar cho biết, ít nhất 144 người đã thiệt mạng và 732 người bị thương trong trận động đất có độ lớn 7,7 xảy ra vào ngày 28/3 tại nước này.
Nguy cơ 600.000 tấn chất thải nhựa của Coca-Cola trôi ra đại dương và đường thuỷ

Nguy cơ 600.000 tấn chất thải nhựa của Coca-Cola trôi ra đại dương và đường thuỷ

Tổ chức phi lợi nhuận Oceana công bố kết quả gây sốc của một phân tích cho thấy, đến năm 2030, các sản phẩm của Coca-Cola sẽ tạo ra khoảng 602.000 tấn rác nhựa mỗi năm thải ra các đại dương và hệ thống đường thủy thế giới. Lượng nhựa này đủ để lấp đầy dạ dày của 18 triệu con cá voi.