Nhiều tỉnh Nam Lào áp lệnh phong tỏa sau khi ghi nhận ca lây nhiễm cộng đồng

(Baohatinh.vn) - Chính quyền các tỉnh Champassak, Attapeu, Sekong và Savannakhet ở miền Nam của Lào đã ban bố lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 sau khi các địa phương này ghi nhận các ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Nhiều tỉnh Nam Lào áp lệnh phong tỏa sau khi ghi nhận ca lây nhiễm cộng đồng

Nhiều địa phương ở Nam Lào thực hiện phong tỏa do ghi nhận các ca lây nhiễm trong cộng đồng. (Ảnh: Vientiane Times)

Tại Champassak, chính quyền tỉnh đã áp lệnh phong tỏa thành phố Pakxe - thủ phủ của tỉnh này, từ ngày 14 - 20/8 đồng thời tăng cường các biện pháp nhằm kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Mọi hoạt động ra, vào thành phố Pakxe từ 21h ngày hôm trước đến 5h sáng hôm sau bị cấm, ngoại trừ những người được cấp phép bởi lực lượng đặc nhiệm phòng, chống và kiểm soát COVID-19 của tỉnh này. Việc đi lại giữa thành phố Pakxe với các huyện nội tỉnh cũng bị hạn chế.

Dịch vụ vận tải hành khách từ các tỉnh khác đến Pakxe tạm thời bị đình chỉ, trong khi vận chuyển hàng hóa vẫn được phép nhưng các lái xe phải tuân thủ nghiêm túc các quy tắc của lực lượng đặc nhiệm phòng, chống và kiểm soát COVID-19 tỉnh Champassak.

Mọi hoạt động tụ tập đông người đều bị cấm, những người có nhu cầu đi lại phải được sự cho phép bằng văn bản. Tất cả các trường học ở Pakxe tạm thời đóng cửa.

Chính quyền tỉnh Champasak cũng đã ban bố lệnh phong tỏa một số ngôi làng ở huyện Khong cho đến ngày 22/8 sau khi xếp các khu vực này vào nhóm có nguy cơ cao bởi ghi nhận các ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.

Trước đó, ngày 13/8, Champasak ghi nhận 5 ca lây nhiễm trong cộng đồng, chủ yếu ở thành phố Pakxe. Hôm nay, Champasak tiếp tục ghi nhận thêm 3 ca lây nhiễm trong cộng đồng bên cạnh 58 ca nhập cảnh đã được cách ly ngay.

Tại Attapeu, chính quyền tỉnh này đã ban bố lệnh phong tỏa toàn tỉnh từ ngày 12 - 18/8, đồng thời phân loại một số ngôi làng thành các khu vực màu đỏ và vàng dựa trên đánh giá nguy cơ lây nhiễm ở các mức khác nhau.

Trong thời gian phong toả, việc ra vào tỉnh Attapeu bị cấm nếu không có giấy phép hợp pháp và được giới hạn trong khung giờ từ 6h - 20h. Những người được phép vào tỉnh Attapeu nhưng đến từ nơi có dịch phải thực hiện cách ly 14 ngày. Trường hợp khác phải có giấy xác nhận đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19, di chuyển đến khu vực màu xanh (có nguy cơ lây nhiễm thấp) và phải có giấy phép được cấp bởi chính quyền cấp tỉnh.

Các điểm giải trí, cơ sở massage, spa, quán bi-a, cà phê internet, thẩm mỹ viện, khách sạn, tiệm cắt tóc, cơ sở thể thao, trường học và các điểm du lịch đều tạm thời đóng cửa, trong khi các hoạt động tụ tập đông người bị cấm.

Dịch vụ vận tải hành khách từ Attapeu đến các tỉnh khác cũng bị đình chỉ cùng với việc vận chuyển hàng hóa, ngoài các mặt hàng thiết yếu như thiết bị cần thiết cho việc khắc phục hậu quả thiên tai, nhiên liệu và thực phẩm.

Trước đó, ngày 11/8, Attapeu lần đầu ghi nhận ca lây nhiễm COVID-19 trên địa bàn đồng thời là trường hợp lây nhiễm cộng đồng.

Một số tỉnh khác ở Nam Lào như Sekong, Savannakhet cũng đã áp dụng lệnh phong tỏa do các ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.

Cụ thể, tỉnh Sekong ban bố lệnh phong toả 4 huyện trong khi chính quyền thành phố Kaysone Phomvihan, tỉnh Savannakhet cũng áp đặt lệnh phong tỏa 15 ngày do ghi nhận các ca lây nhiễm trong cộng đồng có lịch sử di chuyển phức tạp.

Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 9.894 ca, trong đó có 9 người tử vong.

(Theo Vientiane Times)

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Gần 150 người thiệt mạng do động đất tại Myanmar

Gần 150 người thiệt mạng do động đất tại Myanmar

Tân Hoa xã dẫn báo cáo của Ban Thông tin của Hội đồng Hành chính nhà nước Myanmar cho biết, ít nhất 144 người đã thiệt mạng và 732 người bị thương trong trận động đất có độ lớn 7,7 xảy ra vào ngày 28/3 tại nước này.
Nguy cơ 600.000 tấn chất thải nhựa của Coca-Cola trôi ra đại dương và đường thuỷ

Nguy cơ 600.000 tấn chất thải nhựa của Coca-Cola trôi ra đại dương và đường thuỷ

Tổ chức phi lợi nhuận Oceana công bố kết quả gây sốc của một phân tích cho thấy, đến năm 2030, các sản phẩm của Coca-Cola sẽ tạo ra khoảng 602.000 tấn rác nhựa mỗi năm thải ra các đại dương và hệ thống đường thủy thế giới. Lượng nhựa này đủ để lấp đầy dạ dày của 18 triệu con cá voi.