Nhớ cối xay thóc

(Baohatinh.vn) - Trước đây, trong mái bếp của mỗi gia đình, ngoài chỗ để mắm muối và đun nấu, thì bao giờ cũng có một gian rộng chuyên dùng đựng thóc lúa, giần sàng, chiếc cối giã gạo cùng chiếc cối xay thóc được làm bằng tre.

Cối xay gồm 3 bộ phận là chân cối, thân cối và tay truyền lực. Phía ngoài thân cối xay được bao bọc bởi những sợi nan tre hoặc dây mây quấn theo vòng tròn. Phía trong được nhồi đất thịt nện chặt rồi được chêm vô số những thanh tre nhỏ gọi là nêm cối.

Cối xay gồm 3 bộ phận là chân cối, thân cối và tay truyền lực. Ảnh internet

Thân cối gồm 2 thớt khá đều nhau, mỗi thớt cao chừng một gang tay và cao khoảng một vòng tay người ôm. Thớt dưới được đặt cố định với chân cối làm bằng 2 đoạn tre già, dài chừng một mét rưỡi. 2 đầu của mỗi đoạn tre đều có chân đỡ. Vì vậy, giữa cối xay và mặt đất bao giờ cũng có một khoảng trống, cao chừng nửa gang tay để luồn nong, nia vào hứng gạo mỗi khi xay thóc.

Ở giữa thớt dưới là một trục gỗ to bằng cổ tay, dùng để giữ cho thớt trên chuyển động xoay tròn, dẫn thóc chảy từ miệng cối xuống, lọt vào các rãnh nhỏ và nông ở mặt thớt dưới. Thớt trên có gắn một đoạn gỗ được khoét lỗ 2 đầu, chìa ra khỏi vành cối, dùng để lắp với tay truyền lực.

Tay truyền lực là một đoạn tre dài khoảng 2m; một đầu lắp với cối xay còn đầu kia được đóng vuông góc vào khoảng giữa một đoạn tre khác. Khi xay, tay truyền lực được treo lên để giảm sức nặng, còn khi không dùng đến nữa thì tay truyền lực có thể được tháo ra khỏi cối, cất đi cho gọn gàng.

Xay thóc là công việc nhọc nhằn, vất vả mà thường làm tranh thủ vào buổi đêm, vì ban ngày còn mải chăm việc cấy cày. Mẹ tôi thường dậy từ canh tư, lụi cụi thắp đèn rồi đổ thóc vào cối và hì hục xay. Đứng ở tư thế chân trước chân sau, mẹ vịn 2 tay vào tay truyền lực của cối mà thoắt kéo, thoắt đẩy giúp cối xay xoay tròn nhịp nhàng, đều đặn; gạo và vỏ trấu cũng nhịp nhàng rơi xuống mặt nong như mưa. Tiếng cối xay rì rì, nặng nhọc lan trong đêm vắng.

Xay thóc phải quay đều tay, nếu không thóc sẽ “sống” nhiều hoặc hạt gạo sẽ bị nát. Không chỉ mùa hè mà ngay cả những đêm đông lạnh giá, lưng áo mẹ và vầng trán đều ướt đẫm mồ hôi sau một hồi vật lộn với chiếc cối xay. Sau đó, mẹ lại bận rộn tay giần, tay sàng để phân loại gạo. Gạo còn lẫn nhiều thóc sẽ được mẹ đổ riêng vào một thúng. Chỗ gạo ấy còn phải tốn nhiều thời gian và công sức nữa!

Ngày xưa nhà nào cũng có cối giã gạo. Ảnh minh họa từ Internet

Cối xay thóc bao giờ cũng đi liền với cối giã gạo. Cối giã gạo được khoét dưới nền bếp, kích thước nhỏ hơn nhưng lại sâu hơn chiếc thúng đựng thóc. Chày giã gạo là một thân cây gỗ to, dài từ 3-4m, được lắp đặt theo kiểu cầu bập bênh. Đầu chày đóng vuông góc với một đoạn thân gỗ khác dài nửa mét, trực tiếp nện vào lòng cối.

Ký ức về mẹ thường gắn với hạt lúa, với cánh đồng làng...Ảnh minh họa từ internet.

Mẹ tôi đứng ở một đầu chày, tay vịn vào sợi dây treo trên mái bếp để lấy thế và dùng chân đẩy thân gỗ xuống rồi lại thả ra để chày bật lên; cứ nhịp nhàng và nhẫn nại như thế. Tiếng chày giã gạo chắc nịch, nặng nhọc âm rung nền bếp và vách bếp. Mẹ vừa làm quần quật, vừa ngắm những hạt gạo trắng thơm đang tự đảo mình trong lòng cối, mỗi lúc một trắng hơn và bụi cám nhỏ li ti bay tơi bời trên nền đất.

Cái nhịp điệu xay, giã, giần, sàng của mẹ cứ xoay vòng qua bao tháng bao năm. Giờ đây, người phụ nữ nông thôn đã bớt đi nỗi nhọc nhằn của công việc ấy bởi đã có máy xay xát tiện lợi hơn. Nhưng hình ảnh của chiếc cối xay thóc cùng cối giã gạo chuyên cần vẫn còn hiển hiện trong ký ức của mẹ và những người dân quê tôi.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói