Ngày 5/2, Hiệp hội Vàng Thế giới (WGC) công bố báo cáo thường niên về xu hướng vàng toàn cầu. Theo đó, lượng giao dịch vàng của thế giới lên cao kỷ lục, với 4.974,5 tấn, do hoạt động đầu tư tăng lên. Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương cũng tăng tốc mua vàng trong quý cuối năm.
Năm ngoái, giá vàng tăng 27% - mạnh nhất kể từ năm 2010. Nhà đầu tư chọn kim loại quý để trú ẩn trước các rủi ro toàn cầu và để đầu tư khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất. Đà tăng của vàng tiếp tục kéo dài sang năm nay, khi chạm 2.846 USD một ounce phiên 4/2. Thị trường đi lên sau khi Trung Quốc công bố trả đũa thuế nhập khẩu của Mỹ.
Báo cáo của WGC cho biết năm ngoái, các ngân hàng trung ương mua 1.044 tấn vàng. Đây là năm thứ ba liên tiếp nhóm này mua trên 1.000 tấn. Ngân hàng Trung ương Ba Lan mua mạnh tay nhất, khi bổ sung 90 tấn vào kho dự trữ.
Trong quý IV/2024, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử, lực mua của các ngân hàng trung ương tăng 54% so với cùng kỳ năm trước đó, lên 333 tấn.
Năm ngoái, nhu cầu vàng đầu tư tăng 25% lên 1.189 tấn - cao nhất 4 năm. Trong đó, nhu cầu vàng thỏi tăng 10%, trong khi nhu cầu vàng xu giảm 31%. Trung Quốc và Ấn Độ vẫn là hai nước mua vàng chính của toàn cầu,
"Nhà đầu tư Trung Quốc hiện rất thiếu kênh đầu tư", báo cáo của WGC giải thích. Thị trường chứng khoán tại đây biến động mạnh và lợi suất trái phiếu chính phủ hiện thấp kỷ lục. Còn tại Ấn Độ, nhu cầu vàng tăng lên khi nước này giảm thuế nhập khẩu vàng từ 15% xuống 6% tháng 7/2024.
Dù vậy, nhu cầu vàng trang sức năm ngoái lại giảm 11%. WGC cho rằng nhu cầu này sẽ vẫn chịu sức ép năm nay do giá cao.
Về nguồn cung, WGC nhận xét hoạt động khai thác vàng vẫn ổn định. Lượng vàng tái chế thậm chí tăng 15%.
"Năm 2025, chúng tôi dự báo các ngân hàng trung ương sẽ vẫn là bên mua chính trên thị trường. Các quỹ ETF cũng sẽ tham gia mạnh hơn nếu lãi suất giảm", Louise Street - nhà phân tích tại WGC nhận xét. Ông cho rằng bất ổn địa chính trị và vĩ mô sẽ bao trùm năm nay, hỗ trợ nhu cầu mua vàng trú ẩn.