Các siêu thị vẫn đầy ắp lương thực thực phẩm thiết yêu, hoạt động mua sắm diễn ra bình thường.
Theo chị Trần Thị Lam – Nhân viên văn phòng (TP Hà Tĩnh): Qua việc nắm bắt thông tin từ các trang chính thống trên báo, hệ thống truyền thanh cơ sở, mình biết là hoạt động của các chợ, siêu thị, cửa hàng phục vụ đồ dùng thiết yếu vẫn hoạt động bình thường nên cũng không lo lắng gì.
"Giờ có chủ trương thực hiện cách ly xã hội phòng chống dịch Covid-19 thì mỗi lần đi chợ mình thường mua thêm một ít để dùng cho vài ngày, đỡ phải ra đường chứ không có ý định tích trữ đồ ăn. Hàng hoá thấy đầy ắp chợ, giá thậm chí còn rẻ hơn đợt trước nữa” - chị Lam cho hay.
Qua các kênh thông tin truyền thông, người dân Hà Tĩnh nắm rõ về vai trò quản lý thị trường của các cấp, ngành chức năng nên không có tâm lý hoang mang, mua hàng tích trữ.
Bà Nguyễn Thị Lê - tiểu thương kinh doanh cá tại chợ Vườn ươm (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Mấy hôm trước, người mua còn đông chứ bây giờ buôn bán trở lại bình thường rồi, hàng thì nhiều mà người mua không có mấy. Các thực phẩm chính hay được sử dụng vẫn giữ ổn định, thậm chí nhiều loại còn rẻ hơn, nhất là một số loại cá biển, tôm. Với giá như thế này, người tiêu dùng cũng dễ mua và lựa chọn thực phẩm để chế biến cho bữa ăn”.
Tại các chợ, hàng thuỷ hải sản đa dạng, nhiều loại còn có giá rẻ hơn so với một tuần trước...
Ghi nhận tại chợ lớn trên địa bàn TP Hà Tĩnh như chợ Vườn ươm, chợ Hà Tĩnh…, các loại thực phẩm như thịt, hàng thủy, hải sản không có biến động lớn về giá. Cụ thể, thịt lợn từ 130 – 150.000 đồng/kg, thịt gà từ 100 – 110.000 đồng/kg, thịt vịt từ 70 – 75.000 đồng/kg, tôm 150.000 đồng/kg; cá nục xanh 60 – 70.000 đồng/kg, cá mắm 40 - 50.000 đồng/chục; rau muống 6.000 đồng/bó, dưa chuột 15.000 đồng/kg...
Theo chia sẻ của tiểu thương, đây được cho là mức giá khá “mềm” so với cách đây 1 tuần và nguồn hàng vẫn ổn định, phục vụ đầy đủ nhu cầu của người dân.
Rau các loại đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân.
Chị Quyên - chủ một sạp bán rau củ trên đường Nguyễn Công Trứ (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Rau củ chúng tôi vẫn nhập về từ sáng sớm và bán trong ngày cho khách, đặc biệt là các loại rau xanh. Mấy ngày nay sức mua giảm hẳn, người đi lại trên đường cũng vắng hơn. Khách ghé cũng chỉ mua bó rau, quả bí, quả mướp chứ không ai mua số lượng nhiều”.
Đang lựa chọn mua cá ở quầy bán thực phẩm trên đường Nguyễn Phi Chấn (phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh), bà Nguyễn Thị Hiền cho biết: “Loa truyền thanh của tổ dân phố phát thông tin liên tục, từ sáng đến chiều nên gia đình biết và không lo việc thiếu thực phẩm. Nhà tôi ở ngay gần các quầy bán thực phẩm, đi ra mua rất thuận tiện; cá, thịt, rau dưa đầy đủ, tươi ngon. Hai hôm nay, tôi thấy người đi cũng thưa vắng hẳn, bà con đã ý thức hơn việc hạn chế tụ tập”.
Nhờ nắm bắt đầy đủ thông tin, người dân giữ khoảng cách an toàn khi đi mua lương thực, thực phẩm.
Tại các quầy hàng tạp hoá nhỏ lẻ, hoạt động mua bán diễn ra bình thường. Chủ cửa hàng tạp hoá Khánh Huyền (đường Nguyễn Huy Tự, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Quầy hàng ở trong ngõ nên dân muốn mua gì thì tiện qua đây, cũng đỡ hạn chế tiếp xúc nhiều người một lúc. Lúc này, không tụ tập đông người là cách để mình tự bảo vệ bản thân, gia đình và cả cộng đồng”.
Cửa hàng bách hóa tổng hợp khắp nơi, tạo mọi điều kiện cho người tiêu dùng.
Cùng quan điểm với chị Lam, chị Thu Hương (phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Các siêu thị, nhất là cửa hàng bách hóa tổng hợp khắp nơi, từ trên các tuyến phố lớn đến trong ngõ, hàng hóa lúc nào cũng đầy ắp, muốn mua gì cũng có nên chẳng cần phải đi mua nhiều làm gì. Thậm chí, các mặt hàng thực phẩm như rau, thịt, cá, người bán còn đẩy vào từng ngõ sâu để bán nên chỉ cần ra cổng là đã mua được thức ăn”.
Sở Công thương cử lực lượng xuống nắm bắt tình hình thị trường, giá cả tại các địa phương trong tỉnh.
Theo khảo sát của Sở Công thương Hà Tĩnh, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã chấp hành việc đóng cửa các cửa hàng không thiết yếu; tại các chợ dân sinh, cửa hàng kinh doanh nhu yếu phẩm hàng hoá dồi dào, không xuất hiện hiện tượng tăng giá đột biến, cục bộ.
Đơn vị tiếp tục phối hợp để bám nắm thị trường, có hướng xử lý nếu có biến động xảy ra, luôn đảm bảo nguồn cung hàng hoá trong mọi tình huống.