Những câu chuyện "thức tỉnh" người lầm lỗi

(Baohatinh.vn) - Những chia sẻ của người thân tại hội nghị đại biểu gia đình phạm nhân ở Trại giam Xuân Hà (Hà Tĩnh) tạo động lực cho những người lỗi lầm chấp hành tốt án phạt, sớm tái hòa nhập cộng đồng.

Diễn ra cách đây không lâu, hội nghị đại biểu gia đình phạm nhân năm 2024 do Trại giam Xuân Hà (thuộc Bộ Công an) tổ chức, tại phân trại 2, xã Cẩm Sơn (Cẩm Xuyên) đã để lại nhiều cảm xúc tốt đẹp trong lòng người tham dự, đặc biệt là các phạm nhân.

bqbht_br_c1.jpg
Trại giam Xuân Hà tổ chức hội nghị đại biểu gia đình phạm nhân năm 2024.

Hội nghị có sự tham dự của 50 phạm nhân đại diện cho hơn 1.100 người đang chấp hành án tại phân trại 2 và 150 người thân là gia đình của họ. Diễn ra trong không gian ấm cúng, hội nghị trở thành cuộc gặp gỡ, chia sẻ giữa người thân với những người lầm lỗi. Đồng thời là sự bày tỏ của các phạm nhân trong quyết tâm vượt qua những sai lầm để mong một ngày chấp hành xong án phạt, tái hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời.

Ông T.X.Đ (ở xã Thạch Kim, Lộc Hà) bày tỏ: "Là người cha có con đang chấp hành án phạt tù tại phân trại 2, Trại giam Xuân Hà, chúng tôi rất khổ tâm. Hơn ai hết, chúng tôi nhận thức rõ trách nhiệm của mình khi để con cái vướng vào vòng lao lý. Dù vậy, cùng với sự quan tâm giáo dục của Nhà nước, chúng tôi xác định dù hoàn cảnh nào cũng không làm ngơ, bỏ rơi con mình, luôn động viên con cố gắng hoàn thành án phạt, cải tạo tốt để sớm trở về làm lại cuộc đời".

Ông T.X.Đ là đại biểu được Ban Giám thị Trại giam Xuân Hà cử đại diện thay mặt các gia đình phát biểu tại hội nghị. Những chia sẻ chân thành của ông khi nói về ý thức chấp hành luật pháp, về sai lầm phải trả giá của con cùng những lời động viên và mong muốn của ông cũng như các bậc làm cha, làm mẹ, vợ chồng, con cái... đối với phạm nhân khiến cả hội trường, trong đó có con trai của ông lặng im vì xúc động.

bqbht_br_a4.jpg
Anh Đặng Văn Toàn (xã Khánh Vĩnh Yên, Can Lộc), điển hình tái hòa nhập cộng đồng phát biểu truyền cảm hứng tại hội nghị.

Điều đặc biệt trong hội nghị lần này, Ban Giám thị Trại giam Xuân Hà đã mời anh Đặng Văn Toàn (xã Khánh Vĩnh Yên, Can Lộc) đến dự và phát biểu. Anh Toàn vốn có quá khứ lầm lỗi và từng chấp hành án phạt tại đây. Nhiều năm trước, sau khi hoàn thành án phạt, anh tái hòa nhập cộng đồng. Nhờ có tay nghề mộc được đào tạo khi còn ở trại, anh Toàn đã phát triển xưởng mộc tại quê nhà.

Đến nay, cơ sở kinh doanh của anh đã tạo công ăn việc làm cho hơn 40 lao động, thu nhập hằng năm của gia đình lên tới hàng trăm triệu đồng. Không chỉ có cuộc sống ổn định, hạnh phúc, cống hiến của anh Toàn được xã hội ghi nhận.

Đứng trước hội nghị, anh Đặng Văn Toàn không hề ngần ngại khi nói tới quá khứ của mình và cuộc sống hiện tại. Đồng thời, anh cũng ngỏ ý với các phạm nhân rằng luôn sẵn sàng hỗ trợ nhận vào làm việc đối với những ai sau khi chấp hành xong án phạt muốn làm lại cuộc đời.

Anh Đặng Văn Toàn chia sẻ: "Là người từng bi quan, buông xuôi khi mới vào trại, rồi nhìn thấy ánh sáng tương lai, tôi cảm thấy biết ơn và may mắn khi ban giám thị trại giam mời quay trở lại ở một tâm thế khác. Hội nghị là dịp để tôi có cơ hội xác thực với các phạm nhân về những điều cán bộ trại giam đã nói với tôi và mọi người trước đây, rằng: Nhà nước luôn khoan dung, xã hội, người thân luôn chào đón những người lầm lỗi hướng thiện, quay đầu làm lại cuộc đời. Dù có khó khăn nhưng bằng sự nỗ lực, tôi đã làm được và mọi người cũng sẽ làm được".

bqbht_br_152d1083707t82172l0.jpg
Anh Đặng Văn Toàn hướng dẫn công nhân thao tác máy tại cơ sở sản xuất đồ mộc của mình tại xã Khánh Vĩnh Yên (Can Lộc).

Nếu tâm sự của ông T.X.Đ lay động, thức tỉnh các phạm nhân về tình cảm gia đình thì chia sẻ của anh Đặng Văn Toàn đã củng cố thêm niềm tin về cuộc sống sau khi hoàn lương, tái hòa nhập cộng động của những người đang chấp hành án phạt tại Trại giam Xuân Hà. Chúng tôi nhìn thấy nhiều phạm nhân cúi mình suy ngẫm, người ôm con nhỏ vào lòng cố giấu giọt nước mắt chực rơi, những người thân của họ là bố, mẹ, vợ, con... cũng lấp lánh niềm hi vọng.

Trại giam Xuân Hà (thuộc Bộ Công an, đóng tại Hà Tĩnh) gồm có 2 phân trại: phân trại số 1 đóng tại xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà) và phân trại số 2 đóng tại xã Cẩm Sơn (Cẩm Xuyên). Đơn vị hiện có trên 340 cán bộ, chiến sỹ và đang quản lý, giáo dục gần 2.400 phạm nhân.

bqbht_br_a3-7913-2830.jpg
Phạm nhân Trại giam Xuân Hà đọc sách tại thư viện lưu động của Thư viện tỉnh trong khuôn viên trại.

Thời gian qua, phát huy vai trò là cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, ngoài thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, Trại giam Xuân Hà đã thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục pháp luật, giáo dục công dân, dạy văn hóa, xóa mù chữ cho phạm nhân; tổ chức các lớp dạy nghề, cuộc thi viết cảm nhận về sách trong phạm nhân... Đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc khen thưởng, kỷ luật phạm nhân bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng; công tác thực hiện chế độ, chính sách đối với phạm nhân được thực hiện kịp thời, đúng quy định.

Đặc biệt, đơn vị luôn gặp gỡ phạm nhân xếp loại cải tạo kém, thường xuyên vi phạm nội quy, để trao đổi, giáo dục họ nhận thức rõ hành vi vi phạm và cam kết phấn đấu lao động, học tập, cải tạo tiến bộ. Với sự nỗ lực của tập thể cán bộ, chiến sỹ, từ đầu năm 2024 tới nay, Ban Giám thị Trại giam Xuân Hà đã đề nghị và được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định giảm thời hạn án cho 1.322 phạm nhân; đề nghị và được Chủ tịch nước quyết định đặc xá cho 34 phạm nhân...

bqbht_br_c5.jpg
Đại tá Cao Ngọc Diện - Giám thị Trại giam Xuân Hà chia sẻ quan điểm luôn hỗ trợ, tạo điều kiện để các phạm nhân chấp hành án phạt, cải tạo tốt, sớm có cơ hội hoàn lương.

Bày tỏ suy nghĩ của người đứng đầu trại giam, trước các phạm nhân và gia đình của họ, Đại tá Cao Ngọc Diện - Giám thị Trại giam Xuân Hà chia sẻ: "Chúng tôi luôn coi các phạm nhân như con, em của mình, chỉ vì thiếu bản lĩnh, những phút lầm lỡ mà phạm tội, phải chấp hành án phạt. Vì vậy, đơn vị luôn tạo điều kiện để các phạm nhân được giáo dục, nâng cao nhận thức, thức tỉnh nhận biết lỗi lầm của mình. Qua đó, chấp hành án phạt, cải tạo tốt, làm cơ sở để nhận được những chính sách khoan hồng của Nhà nước trong giảm án, ân xá... sớm tái hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội".

Chủ đề Tuyền truyền phổ biến pháp luật

Đọc thêm

Án mạng từ chuyện chiếc lưới bát quái

Án mạng từ chuyện chiếc lưới bát quái

Suốt phiên xử, bị cáo Trịnh Văn Sơn (trú huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) tỏ ra hối hận do không làm chủ được hành vi và mong được giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về làm lại cuộc đời.
Bài 2: Thiết lập hệ thống ngăn chặn, bảo vệ vững chắc

Bài 2: Thiết lập hệ thống ngăn chặn, bảo vệ vững chắc

Người chưa thành niên trên cả nước cũng như ở Hà Tĩnh phạm tội đang đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh ngăn chặn. Số lượng các vụ phạm tội do nhóm độ tuổi này gây ra đang có xu hướng gia tăng, đi kèm với đó là tính chất, mức độ nghiêm trọng. Để hạn chế thực trạng đáng buồn này, đòi hỏi sự vào cuộc trách nhiệm, đồng bộ của toàn xã hội.
Bài 1: Gia tăng số vụ và mức độ

Bài 1: Gia tăng số vụ và mức độ

Người chưa thành niên trên cả nước cũng như ở Hà Tĩnh phạm tội đang đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh ngăn chặn. Số lượng các vụ phạm tội do nhóm độ tuổi này gây ra đang có xu hướng gia tăng, đi kèm với đó là tính chất, mức độ nghiêm trọng. Để hạn chế thực trạng đáng buồn này, đòi hỏi sự vào cuộc trách nhiệm, đồng bộ của toàn xã hội.
Đổi đời bằng... mạng sống

Đổi đời bằng... mạng sống

Chưa kịp “đổi đời” từ việc vận chuyển thuê ma túy, 2 bị cáo Yia Song và Keo Song (Quốc tịch Lào) đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên mức án tử hình.