“Những chiếc cần câu” kéo người nghèo Hà Tĩnh tiến lên phía trước

(Baohatinh.vn) - Với quyết tâm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, trong hành trình “Vì người nghèo”, ủy ban MTTQ các cấp ở Hà Tĩnh đã trao tặng nhiều mô hình sinh kế, góp phần giúp các hộ dân khó khăn từng bước thoát nghèo.

“Những chiếc cần câu” kéo người nghèo Hà Tĩnh tiến lên phía trước

Cán bộ mặt trận các cấp ở Hương Sơn sâu sát, bám nắm quá trình phát triển của từng mô hình sau hỗ trợ.

Bản thân mắc bệnh, người con gái út tàn tật, nhiều năm nay, gia đình chị Phạm Thị Phúc, thôn Hoàng Nam, xã Sơn Tây (Hương Sơn) là hộ nghèo của thôn. Trước tình cảnh đó của gia đình, năm 2021, từ nguồn quỹ “Vì người nghèo”, Ủy ban MTTQ huyện Hương Sơn đã trao hỗ trợ gia đình dê giống để phát triển kinh tế. Được tiếp sức kịp thời và sự cần cù, chịu khó vươn lên của gia đình, từ 2 con dê giống ban đầu, gia đình đã phát triển đàn dê lên 14 con.

“Những chiếc cần câu” kéo người nghèo Hà Tĩnh tiến lên phía trước

Từ năm 2021, gia đình chị Phúc ở xã Sơn Tây được Ủy ban MTTQ huyện Hương Sơn hỗ trợ mô hình chăn nuôi dê.

Nhờ mô hình sinh kế này, đến nay, gia đình chị Phúc đang từng bước từ hộ nghèo vươn lên hộ cận nghèo. Không chỉ vậy, sau khi phát triển và duy trì tốt mô hình, gia đình chị Phúc trích lại nguồn lợi nhuận 25% tổng giá trị mô hình để tiếp tục hỗ trợ những hộ có hoàn cảnh khó khăn khác trên địa bàn.

Chị Phúc chia sẻ: “Nếu không có sự “kích cầu” kịp thời từ Ủy ban MTTQ huyện, chắc đến bây giờ, gia đình tôi vẫn trong vòng luẩn quẩn với cơm áo gạo tiền. Gia đình sẽ tiếp tục duy trì và phát triển mô hình để từng bước thoát cận nghèo”.

“Những chiếc cần câu” kéo người nghèo Hà Tĩnh tiến lên phía trước

Từ 2 con dê ban đầu, gia đình chị Phúc đã phát triển mô hình lên 14 con.

Cùng với hỗ trợ gia đình chị Phúc, từ năm 2021 đến nay, thông qua việc kết nối, vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh chung tay, Ủy ban MTTQ huyện Hương Sơn đã hỗ trợ 73 mô hình sinh kế cho các hộ nghèo trên địa bàn.

Ông Nguyễn Thành Đồng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hương Sơn cho biết: “Ủy MTTQ huyện đã nỗ lực huy động nguồn lực quỹ “Vì người nghèo”; đồng thời tập trung khảo sát, rà soát các hộ khó khăn nhưng có khả năng phát triển sản xuất để kịp thời hỗ trợ sinh kế phù hợp. Ngoài hỗ trợ giống cây, con, chúng tôi còn phối hợp tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho bà con. Nhờ vậy, các mô hình sinh kế đã phát huy tác dụng, góp phần giảm dần tỷ lệ hộ nghèo của huyện qua từng năm. Cụ thể, từ năm 2021 là 5,4% đến cuối năm 2022 còn 4,16%”.

Cuối tháng 5 vừa qua, cùng với 11 hộ dân khác trên địa bàn huyện Thạch Hà, gia đình chị Nguyễn Thị Minh, hộ cận nghèo ở thôn Sơn Hà (xã Thạch Sơn) đã được Ủy ban MTTQ huyện trao hỗ trợ mô hình sinh kế để phát triển chăn nuôi.

“Những chiếc cần câu” kéo người nghèo Hà Tĩnh tiến lên phía trước

Các hộ dân ở Thạch Hà nhận hỗ trợ mô hình sinh kế.

Chị Minh chia sẻ: “Với sự hỗ trợ 100 con gà giống từ huyện, gia đình tôi sẽ cố gắng để duy trì và nhân giống, phát triển mô hình gà để có thêm nguồn thu nhập cho gia đình”.

Không dừng lại ở hỗ trợ tiền hay con giống, cây giống, với quan điểm “Trao cần câu hơn trao con cá”, ủy ban MTTQ các địa phương còn hướng đến hỗ trợ trang thiết bị để hộ nghèo tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập; trao tặng tiền hỗ trợ các mô hình kinh doanh dịch vụ.

“Những chiếc cần câu” kéo người nghèo Hà Tĩnh tiến lên phía trước

Ủy ban MTTQ thành phố Hà Tĩnh trao biểu trưng hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối tháng 8/2023.

Ông Hà Văn Đàn - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hương Khê chia sẻ: "Năm 2021, Ủy ban MTTQ huyện đã hỗ trợ 15 máy cày cho 15 hộ nghèo thuộc 5 xã trên địa bàn huyện với giá trị 255 triệu đồng. Đến nay, các hộ được hỗ trợ đều thoát nghèo, có 2 hộ vươn lên làm ăn khá giả. Năm 2023, Ủy MTTQ tỉnh và Ủy ban MTTQ huyện tiếp tục hỗ trợ 19 mô hình sinh kế cho 19 hộ (mỗi hộ 1 con bò cái sinh sản) trị giá 190 triệu đồng từ nguồn quỹ “Vì người nghèo”. Với sự rà soát kỹ lưỡng và theo dõi sát sao, tin rằng, các hộ được nhận hỗ trợ sẽ phát huy được giá trị mô hình".

“Những chiếc cần câu” kéo người nghèo Hà Tĩnh tiến lên phía trước

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Nhật Tân và lãnh đạo huyện Lộc Hà trao tặng mô hình sinh kế cho người dân.

Theo thống kê từ Ủy ban MTTQ tỉnh, từ năm 2020 đến nay, từ nguồn quỹ “Vì người nghèo”, MTTQ các cấp đã hỗ trợ 1.761 hộ phát triển sản xuất; trong đó, ngoài các nguồn lực huy động xã hội hóa, tỉnh hỗ trợ trên 200 mô hình trị giá trên 2 tỷ đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay, Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành trao hỗ trợ 105 mô hình phát triển sản xuất cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh.

Ngoài ra, sau 2 - 3 năm, những hộ được nhận hỗ trợ sẽ trích lại nguồn lợi nhuận 25% tổng giá trị mô hình để tiếp tục hỗ trợ những hộ có hoàn cảnh khó khăn khác trên địa bàn. Điều này góp phần duy trì và phát huy hiệu quả, nhân rộng các mô hình, cũng là cách làm tạo động lực để các hộ dân trách nhiệm hơn khi được nhận nguồn hỗ trợ.

Để các mô hình kinh tế hỗ trợ đúng đối tượng, phát huy hiệu quả, ủy ban MTTQ các cấp luôn công khai, minh bạch trong lựa chọn đối tượng và kết quả hỗ trợ; đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ người nghèo phù hợp với từng địa phương; thường xuyên quan tâm nắm bắt tình hình đời sống và quá trình phát triển mô hình của người dân. Bên cạnh đó, phối hợp với các đoàn thể chính trị xã hội để hướng dẫn, giúp đỡ các hộ được hỗ trợ phát triển tốt mô hình.

Thời gian tới, MTTQ các cấp tiếp tục vận động, kêu gọi sự hỗ trợ, chung tay của toàn xã hội để có thêm nhiều nguồn lực hơn nữa nhằm giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo”.

Ông Hoàng Anh Đức
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Kỳ vọng từ việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Kỳ vọng từ việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Việc kịp thời sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 97/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hà Tĩnh về một số chính sách hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong triển khai hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.