Những dấu hiệu nhận biết bệnh gan nhiễm mỡ

Bệnh gan nhiễm mỡ nếu không được phát hiện và điều trị sẽ có nguy cơ gây biến chứng nguy hiểm.

Gan nhiễm mỡ còn được gọi là thoái hóa mỡ gan do sự tích lũy chất béo trong gan vượt quá 5% trọng lượng của gan hoặc thấy nhiều hơn 5% số tế bào gan chứa các hạt mỡ.

Gan nhiễm mỡ là một chứng bệnh rất hay gặp trong xã hội hiện đại ngày nay, thậm chí còn gặp ở trẻ em (tuy tỉ lệ thấp). Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị sẽ có nguy cơ gây biến chứng nguy hiểm.

Gan nhiễm mỡ có thể tiến triển thành xơ gan

Nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ

Gan nhiễm mỡ có thể do uống nhiều rượu (nghiện rượu) hoặc mắc các bệnh về rối loạn chuyển hóa (đái tháo đường) hoặc sử dụng thuốc quá liều (tetracyclin, glucocorticoids, paracetamol) hoặc rối loạn về dinh dưỡng (hấp thu, bài tiết kém). Cạnh đó còn có nguyên nhân lười vận động cơ thể, béo phì (gặp cả ở trẻ em) hoặc mắc các bệnh về gan (viêm gan virus, sốt rét) hoặc do tác động xấu của tâm lý liên tục gây căng thẳng (stress).

Ngoài ra, các thống kê cũng cho thấy nếu chế độ ăn quá nhiều chất béo, nhiều đường hoặc quá ít chất đạm cũng có thể dẫn đến gan nhiễm mỡ. Bởi vì gan của một người bình thường chứa khoảng 5 g lipid cho mỗi 100 g trọng lượng của gan, trong đó khoảng 14% là triglyceride, 64% là phospholipids, 8% cholesterol và 14% là các acid béo tự do. Trong hầu hết trường hợp, chất béo ứ đọng chủ yếu ở gan là triglycerides nhưng trong một số trường hợp phospholipids chiếm đa số. Vì vậy nếu các chỉ số về triglycerid hoặc phospholipids vượt quá chỉ số bình thường, rất có khả năng dẫn đến gan nhiễm mỡ.

Hậu quả của gan nhiễm mỡ là gì?

Hậu quả đáng lo ngại nhất của gan nhiễm mỡ là xơ gan. Những trường hợp gan nhiễm mỡ không kèm viêm gan thường có một giai đoạn lâm sàng lành tính 10-15 năm, sau đó mới có thể xơ gan.

Trong khi đó, ở người có tiền sử mắc bệnh viêm gan (viêm gan virus, sốt rét) có đến 25% số người gan nhiễm mỡ sẽ tiến triển đến xơ gan, thậm chí là ung thư gan với thời gian nhanh hơn.

Gan nhiễm mỡ có biểu hiện gì?

Triệu chứng của gan nhiễm mỡ rất nghèo nàn, hầu như không có dấu hiệu gì đáng lưu ý. Chỉ có một vài bệnh nhân cảm thấy hơi mệt mỏi và suy nhược hoặc có cảm giác hơi tưng tức ở vùng dưới sườn bên phải hoặc vùng thượng vị lệch sang phải.

Do vậy, bệnh thường được phát hiện một cách tình cờ sau một xét nghiệm máu thường quy hoặc xác định bởi một bệnh khác thấy men gan SGOT (serum glutamic oxaloacetic transaminase), SGPT (serum glutamic pyruvic transaminase), GGT (gamma glutamyl transpeptidase) tăng cao hoặc sau khi được siêu âm gan thấy gan nhiễm mỡ.

Điều trị và phòng ngừa bệnh như thế nào?

Gan nhiễm mỡ do tích lũy quá nhiều lượng mỡ ở gan, do vậy việc điều trị cần phải giải quyết theo nguyên nhân. Các loại thuốc đặc hiệu dùng để điều trị gan nhiễm mỡ hiện nay chưa có nhiều, vì vậy việc dùng thuốc để điều trị không đơn giản.

Do đó nên dùng thuốc gì cần có chỉ định của bác sĩ, người bệnh không tự mua thuốc để điều trị, làm như vậy bệnh không những không khỏi mà còn có thể ảnh hưởng đến gan (vì gan đang mang bệnh) khiến bệnh trầm trọng thêm.

Việc phòng gan nhiễm mỡ là hết sức cần thiết. Nếu bị thừa cân, béo phì nên áp dụng chế độ ăn hợp lý, giảm đường, mỡ, giảm các loại thực phẩm giàu cholesterol và triglycerid (phủ tạng, lòng đỏ trứng, thịt đỏ), da (gà, vịt, ngỗng, ngan).

Cùng với đó, cần hạn chế dùng mỡ động vật (trừ dầu cá), hạn chế ăn lòng động vật (lợn, gà, trâu, bò), thay vào đó là dùng dầu thực vật như dầu mè, dầu lạc, đậu nành... Tăng cường ăn cá vào các bữa ăn chính (mỗi tuần có khoảng 2-3 ngày ăn cá thay cho ăn thịt).

Hạn chế hoặc bỏ rượu, bia. Tăng cường ăn các loại thực phẩm có tác dụng giảm mỡ máu như tỏi ta, giá đỗ, cà chua chín và ăn nhiều rau trong các bữa ăn chính, tráng miệng bằng các loại quả có nhiều vitamin như cam, quýt, xoài, đu đủ, thanh long.

Ngoài ra, cần tăng cường vận động cơ thể với mọi hình thức khác nhau tùy theo điều kiện của từng người như chơi thể thao (cầu lông, tennis, bóng bàn), bơi, đi bộ, tập thể dục dưỡng sinh,... Cần có giấc ngủ tốt để cho tinh thần luôn thoải mái giúp cơ thể điều hòa, chuyển hóa nhịp nhàng. Nên khám bệnh định kỳ để biết tình trạng sức khỏe của bản thân và phát hiện điều trị bệnh nếu có.

Theo SK&ĐS

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói