Những kỷ niệm đẹp về một cựu giáo chức mẫu mực ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Cuộc gặp mặt, giao lưu, giới thiệu cuốn sách: “Nhà giáo Lê Sĩ Nghĩa, cuộc đời và sự nghiệp giáo dục” do các cựu giáo chức và gia đình nhà giáo Lê Sĩ Nghĩa tổ chức diễn ra những ngày cuối tháng 11 ấm nồng tình cảm đồng nghiệp, tình yêu với nghề giáo, vun đắp thêm niềm tin tươi sáng về giá trị người thầy, về lẽ sống cao đẹp giữa người với người.

Những kỷ niệm đẹp về một cựu giáo chức mẫu mực ở Hà Tĩnh

Các cộng sự của thầy Lê Sĩ Nghĩa tại buổi giao lưu

Cố nhà giáo, Trưởng ty Giáo dục Hà Tĩnh Lê Sĩ Nghĩa (1925-2019) không là Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú nhưng những gì ông cống hiến cho giáo dục Hà Tĩnh, giáo dục nước nhà đã khiến rất nhiều bạn bè đồng nghiệp, cộng sự của ông và cả những người đang giữ trọng trách của ngành giáo dục Hà Tĩnh hôm nay đánh giá là “Nhà giáo của Nhân dân”.

“Cái quý nhất của đời người là những kỷ niệm êm đềm, những tình cảm yêu thương luôn thấm sâu vào cuộc sống, luôn rưới mát tâm hồn, luôn tạo hứng khởi giúp mình phấn đấu phục vụ cách mạng”. Mở đầu cuốn sách là những dòng tâm sự của cố nhà giáo Lê Sĩ Nghĩa được in trang trọng dưới bức ảnh của ông. Bởi vậy, sau phần giới thiệu tiểu sử là phần quan trọng nhất của cuốn sách: Những kỷ niệm về cuộc đời và sự nghiệp của nhà giáo Lê Sĩ Nghĩa; Hồi ức về nhà giáo Lê Sĩ Nghĩa.

Những trang hồi ức, kỷ niệm của ông cũng như bạn bè, đồng nghiệp như cuốn phim quay chậm về những năm tháng khó khăn, gian khổ nhưng đầy hào khí của dân tộc, của giáo dục Hà Tĩnh, giáo dục Việt Nam. Từ chàng thanh niên sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng ở Hưng Thông, Hưng Nguyên (Nghệ An), nhà giáo Lê Sĩ Nghĩa đã gắn bó sâu sắc với mảnh đất, con người Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và có những đóng góp to lớn cho giáo dục Việt Nam.

Những kỷ niệm đẹp về một cựu giáo chức mẫu mực ở Hà Tĩnh

Thầy Lê Sĩ Nghĩa bên những người thân năm 2015. Ảnh tư liệu

Năm 1957, ông được điều động làm Phó Trưởng ty Giáo dục Hà Tĩnh, sau 2 năm làm chuyên gia giáo dục ở Lào, năm 1964, ông được bổ nhiệm làm Trưởng ty Giáo dục Hà Tĩnh. Đây là thời kỳ cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt. Là Trưởng ty Giáo dục, ông có phong cách lãnh đạo chuẩn mực, nghiêm khắc mà chân tình, nồng hậu với đồng nghiệp; vừa cụ thể, sâu sát, vừa có tầm nhìn xa trong công tác. Không quản mưa bom bão đạn, thời tiết khắc nghiệt, ông thường đạp xe về các trường dự giờ, chỉ đạo công tác dạy và học.

Ông Đặng Duy Báu, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh ca ngợi: “Chúng ta tri ân một người anh, người bạn, người đồng chí. Ông Lê Sĩ Nghĩa là một người có công lớn trong việc thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”. Ông là người đã làm nên điểm sáng giáo dục Cẩm Bình. Cẩm Bình là của Hà Tĩnh đồng thời là của đất nước. Bài học ông để lại đó là: Làm giáo dục phải chăm lo cả vùng sâu, vùng xa, vùng yếu, vùng kém”.

Rất nhiều ý kiến của bạn bè, đồng nghiệp viết về ông với những tình cảm trân trọng. Nhà giáo Nguyễn Xuân Đàm viết: “Bản chất của anh là nhà lãnh đạo, có tầm nhìn xa, thương quý cán bộ, nhân viên, nhân ái, bao dung, đức độ”.

Nhà giáo Nguyễn Phiếu đánh giá: “Sống gần ông, nhiều người lớn lên về trách nhiệm và phong cách chỉ đạo. Cái thời kỳ Trưởng ty đi xe đạp và có lẽ cái xe đạp đã đưa Trưởng ty vào thực tế cụ thể, sâu sát, gần gũi”. Còn ông Lưu Đình Chương thì ghi lại ấn tượng sâu sắc của mình: “Ông có biệt tài phát hiện cái mới, cái tốt, cái điển hình và cũng có tài bồi dưỡng đơn vị, cá nhân thành điển hình tiên tiến. Đó là “đặc sản” của Lê Sĩ Nghĩa!” .

Những kỷ niệm đẹp về một cựu giáo chức mẫu mực ở Hà Tĩnh

Cô Mão năm 1966 (mặc áo hoa) trong cuộc gặp gỡ với các nhà báo quốc tế sau sự kiện Hương Phúc. Ảnh tư liệu do gia đình cung cấp.

Trong công việc, nhà giáo Lê Sĩ Nghĩa hết mình, tận tụy bao nhiêu thì đối với gia đình, đồng nghiệp, ông lại mẫu mực, tình cảm bấy nhiêu. Cuốn sách cũng ghi lại mối tình đẹp của ông với bà Bạch Thị Minh Thảo, người bạn đời thủy chung và những tình cảm kính trọng, biết ơn, tự hào của các con, các cháu với người cha, người ông của mình.

PGS Lê Sĩ Đồng, con trai trưởng xúc động nói: “Chúng tôi tự hào về người cha, người ông của mình. Cuộc đời của cha tôi và các thầy cô cùng thời với cha tôi rất đẹp trong một thời kỳ khó khăn của đất nước”.

Cô Nguyễn Thị Mão là người được gia đình nhà giáo Lê Sĩ Nghĩa nhận làm con nuôi sau vụ thảm sát Trường Cấp II Hương Phúc (Hương Khê) của đế quốc Mỹ. Những trang hồi ức vô cùng đẹp đẽ của cô về người bố nuôi, về một gia đình nhà giáo đã yêu thương cô không khác gì con đẻ làm người đọc rơi nước mắt. Noi gương người cha nuôi của mình, cô Mão cũng trở thành điển hình làm theo gương Bác.

Mặc dầu nhà giáo Lê Sĩ Nghĩa đã đi xa nhưng những gì ông để lại đẹp như vầng hào quang lấp lánh, thắp lên niềm tin yêu cuộc sống cho những người ở lại. Và cuốn sách về ông đã lưu giữ một phần ánh hào quang ấy.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Diễn đàn “Điều em muốn nói” được các trường học ở Hà Tĩnh tổ chức góp phần mở “cánh cửa” tâm hồn của học sinh, giúp người lớn thấu hiểu, đồng hành với các em trên hành trình trưởng thành.
Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Tròn 24 năm làm Tổng phụ trách Đội, thầy Lê Khải Chương - Trường Tiểu học Sơn Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) vẫn tràn đầy đam mê với nghề và luôn thương yêu, tận tâm với học trò.
Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng bày tỏ sự tri ân sâu sắc trước những đóng góp, cống hiến của các Nhà giáo Nhân dân đối với sự nghiệp trồng người cũng như phát triển KT-XH tỉnh nhà.