Nông nghiệp

Những người “canh lửa” giữ rừng Hà Tĩnh

Khi bắt đầu tìm hiểu về công việc của các cán bộ kiểm lâm ở Hà Tĩnh, chúng tôi mới biết rằng, có một mùa rất lạ - mùa “canh lửa” giữ rừng…

Những người “canh lửa” giữ rừng Hà Tĩnh

Những người “canh lửa” giữ rừng Hà Tĩnh

Mùa “canh lửa” của cán bộ kiểm lâm thường bắt đầu từ những ngày nắng nóng. Chúng tôi đến Vũ Quang khi cái mùa kỳ lạ ấy đã bắt đầu cả tháng trời. Đó là một buổi chiều đượm nắng. Nắng như nhuộm vàng những mầm non mới nhú trên những đồi keo mới trồng. Nắng xiên thẳng vào những tàng cây lặng im phăng phắc trên điệp trùng núi non. Nắng khiến con dốc lên chòi canh lửa của Vườn Quốc gia Vũ Quang như thẳng đứng giữa mùa hè bỏng rát.

Phải qua rất nhiều đỉnh núi, chúng tôi mới đến được “cửa rừng”. Trên đỉnh của con dốc thẳng đứng dài hơn 1 km ở ngọn núi thuộc địa phận rừng quốc gia Vũ Quang, từ căn chòi cao hơn 20m, nhân vật trong bài viết của chúng tôi đang khom mình chăm chú dùng ống nhòm để quan sát xung quanh.

Những người “canh lửa” giữ rừng Hà Tĩnh

Buông ống nhòm xuống, Nguyễn Văn Thắng - Phó Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động Vườn Quốc gia Vũ Quang thoăn thoắt bước xuống từ những bậc thang chênh vênh. Những bước chân nhanh và dứt khoát ấy khiến chúng tôi có cảm giác Thắng đã gắn bó với nơi này từ lâu lắm. Tuy nhiên, trong suốt 7 năm gắn bó với rừng thì Nguyễn Văn Thắng mới làm công việc này được 1 năm.

Những người “canh lửa” giữ rừng Hà Tĩnh

Sinh ra và lớn lên cùng núi rừng Vũ Quang, Nguyễn Văn Thắng mặc định trong lòng một tình yêu với màu xanh ngàn lá rừng. Trở thành cán bộ kiểm lâm, với Thắng như một lẽ tự nhiên vậy. Trong suốt những năm tháng hòa mình với cây xanh và lá hoa ấy, Thắng đã là người giữ rừng ở nhiều nơi với khá nhiều công việc khác nhau. Và, những trải nghiệm trong công việc ở chòi canh lửa tại Vườn Quốc gia Vũ Quang khiến tình yêu rừng ở trong Thắng mang một màu sắc khác mà chính anh cũng rất khó định nghĩa.

Thắng kể, mỗi ngày đều đặn từ 8h - 17h30’, một mình anh túc trực trên căn chòi ấy. Con dốc đứng mà chúng tôi “bở hơi tai” mới lên được, Thắng đi thoăn thoắt. Trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm, ngồi một mình trên chòi cao giữa đỉnh đồi, nhìn ra bao la rừng núi, Thắng thấy công việc của mình thiêng liêng hơn bao giờ hết.

Mỗi triền rừng xanh thẳm phía thung sâu, những cánh rừng dân sinh phấp phới màu xanh phía phố xá, làng mạc đều có chung một đời sống. Đời sống ấy được chính những người như anh gìn giữ và bảo vệ mỗi ngày. Còn gì thiêng liêng hơn thế. Với người thanh niên hơn 30 tuổi ấy, đây không đơn thuần là công việc nữa mà là lẽ sống…

Những người “canh lửa” giữ rừng Hà Tĩnh

Những người “canh lửa” giữ rừng Hà Tĩnh

Công tác phòng chống cháy rừng ở Vũ Quang nói chung và Vườn Quốc gia Vũ Quang nói riêng thời gian qua được phối hợp thực hiện rất tốt. Mặc dù, có diện tích rừng lớn và cũng là một trong những địa bàn nắng nóng khắc nghiệt nhưng thời gian gần đây, tình trạng cháy lớn ít xẩy ra. 3 chòi canh của Vườn Quốc gia Vũ Quang ở điểm rừng thị trấn, xã Hương Minh và xã Đức Liên đều hoạt động hết công suất. Bất kỳ dấu hiệu cháy nào cũng được các chòi phát hiện kịp thời và xử lý nhanh chóng.

“Mỗi lần buông chiếc ống nhòm xuống mà không phát hiện dấu hiệu cháy nào, tôi thường có cảm giác mình vừa tiếp nhận một luồng sinh khí từ xanh thẳm núi rừng. Màu xanh ấy càng thắm thì tình yêu rừng trong tôi càng tha thiết. Còn nhớ, năm ngoái khi nhìn thấy điểm phát lửa ở Hương Thọ, lòng tôi thắt lại, chỉ lo lắng các lực lượng không kịp khống chế. Thật may, sau đó đám cháy đã được dập tắt nhanh chóng. Rừng của chúng tôi lại được bình yên. Rừng sống khỏe thì chúng tôi sống khỏe” - Nguyễn Văn Thắng chia sẻ thêm.

Những người “canh lửa” giữ rừng Hà Tĩnh

Đã gần 1 năm trôi qua nhưng các kiểm lâm viên ở Hạt Kiểm lâm Vũ Quang vẫn còn nhớ như in phút hiểm nguy của anh Lê Quý Ly trong vụ chữa cháy rừng ở Đức Liên năm 2019. Vụ cháy tuy không lớn nhưng rất khó lường. Thời điểm ấy, khi cùng đồng đội chữa cháy, anh Lê Quý Ly mang trên mình chiếc máy thổi rất nặng. Khi đám cháy dường như đã được khống chế, anh Ly cùng 3 đồng nghiệp gắng dập nốt vùng cháy cuối thì ngọn lửa bất ngờ bùng phát trở lại rất lớn.

Những người “canh lửa” giữ rừng Hà Tĩnh

Những người “canh lửa” giữ rừng Hà Tĩnh

“Lúc ấy, các đồng nghiệp của tôi đứng ở vùng an toàn, còn tôi bị lửa bao vây. Tôi nghĩ, mình không thể sống sót được. Đồng nghiệp đứng ở ngoài nhìn thấy nguy hiểm nhưng không có cách nào cứu tôi cả. Tất cả mọi người đều nghĩ đến điều xấu nhất nhưng thật kỳ diệu, tôi đã thoát ra khỏi đám cháy đó. Tôi không nghĩ gì nhiều cả, chỉ nghĩ rằng, tôi đã yêu rừng, bảo vệ rừng thì rừng cũng bảo vệ tôi. Trải qua phút giây sinh tử ấy, tôi càng yêu thêm những cánh rừng của quê hương”.

Những người “canh lửa” giữ rừng Hà Tĩnh

Những người “canh lửa” giữ rừng Hà Tĩnh

Nhớ lại vụ việc năm 2019, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vũ Quang Tôn Quang Thanh vẫn chưa hết bùi ngùi.

Ông Thanh chia sẻ, thông thường, người ta thấy cháy thì tránh ra, nhưng nghề của kiểm lâm là phải “nhảy vào lửa”. Khi phát hiện ra điểm phát lửa, các lực lượng phòng chống cháy rừng trên địa bàn huyện sẽ phối hợp dập lửa, không để lan rộng. Vào mùa hè, nhiệt độ cao, gió lại lớn nên nếu xẩy ra cháy thì sinh tử khó lường. Chính vì thế, Hạt Kiểm lâm Vũ Quang rất chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, đồng thời các cán bộ, kiểm lâm viên đều hoạt động hết công suất trên địa bàn mình phụ trách.

Vũ Quang hiện có gần 50.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, phân bố trên địa bàn 10 xã, thị trấn. Ngay từ đầu mùa hè, Hạt Kiểm lâm Vũ Quang đã xây dựng phương án tổ chức lực lượng bảo vệ, phòng chống cháy rừng. Trong đó, mỗi xã đều có một cán bộ phụ trách trực tiếp. Đặc biệt, còn có tổ xung kích chữa cháy với 11 người luôn luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

Những người “canh lửa” giữ rừng Hà Tĩnh

Nhìn danh sách tổ xung kích chữa cháy, tôi dừng lại ở dòng tên Lê Quý Ly và không khỏi ngậm ngùi, xúc động. Khi cùng anh đi vào rừng, qua những trảng đồi cây xanh vừa trồng lại, qua những tán cây già, chúng tôi đều cảm nhận được tình yêu rừng bền bỉ, kiên gan trong tâm hồn người cán bộ kiểm lâm ấy. Phải thế thì sau cơn sinh tử ấy, anh lại quên đi hiểm nguy, lại xung phong có mặt trong đội xung kích chữa cháy.

Những người “canh lửa” giữ rừng Hà Tĩnh

Lớp thực bì tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng trong mùa khô.

Anh Phan Viết Hoàng - kiểm lâm viên trong đội xung kích chữa cháy cho biết: “Khi có cháy thì tất cả mọi lực lượng đều phải ứng cứu, riêng đội xung kích chúng tôi luôn phải có mặt đầu tiên và tiếp cận gần nhất với đám cháy. Thậm chí, chúng tôi phải nhảy vào lửa để cứu rừng. Hiểm nguy là thế nhưng anh em chúng tôi đều chung một quyết tâm. Những ngày nắng nóng, chúng tôi không ngừng tập luyện các các phương án phòng chống cháy rừng, sửa soạn máy móc, sẵn sàng có mặt bất kỳ nơi đâu”.

Những người “canh lửa” giữ rừng Hà Tĩnh

Khi tôi bắt đầu những dòng cuối cùng của bài viết này, trước mắt tôi là thấp thoáng màu áo xanh của các “chiến sỹ” kiểm lâm giữa bạt ngàn núi rừng Vũ Quang. Và câu hát về lực lượng bảo vệ rừng của nhạc sỹ Thanh Tùng - “Anh đi trong trập trùng, đôi chân ngát hương hoa rừng” lại như một lời nhắc nhớ về một hình ảnh gian lao nhưng thật nên thơ giữa rừng sâu…

thiết kế: huy tùng

Chủ đề Cháy rừng ở Hà Tĩnh

Đọc thêm

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.
Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Hà Tĩnh đang trải qua đợt rét đậm mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Bà con nông dân đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, đến nay, Công ty TNHH Bảo Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) trở thành đơn vị hàng đầu trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp, lâm sinh.
Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Những ngày qua, khi màn đêm buông xuống, hàng chục hộ dân ở xã Xuân Lam (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lại ra đồng soi đèn “săn” rươi, thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.
Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Nông dân Hà Tĩnh cần theo dõi đồng ruộng, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu keo, bệnh khô vằn, đốm lá... gây hại trên một số diện tích ngô đông để tránh ảnh hưởng năng suất.
"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

Thời điểm này, nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Hà Tĩnh đã vào vụ cao điểm, chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho thị trường Tết năm 2025.
Rộn ràng mùa lúa mới

Rộn ràng mùa lúa mới

Cuối tháng 11, những cánh đồng ở Hà Tĩnh lại rền vang tiếng máy, tiếng người rộn ràng chuẩn bị sản xuất vụ đầu tiên của năm tới.
Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) công nhận sản phẩm “Chả cá sông Lam” và sản phẩm “Rau sạch An Tâm” đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao đợt 5 năm 2024.