Những người "giữ lửa" công tác dân số cơ sở ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Với tính chất công việc cần sự bền bỉ, tâm huyết, các cộng tác viên dân số được ví như những người “giữ lửa” cho phong trào ở cơ sở. Công việc của họ tuy thầm lặng nhưng đóng góp rất quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, kế hoạch của ngành dân số Hà Tĩnh.

Gần 20 năm đảm nhận vai trò cộng tác viên dân số tại cơ sở, bà Nguyễn Thị Thùy (SN 1964) ở thôn 5 - xã Phú Phong (Hương Khê) gần như nắm rõ hoàn cảnh từng gia đình, thấu hiểu tâm tư của từng chị em trong thôn.

Những người “giữ lửa” công tác dân số cơ sở ở Hà Tĩnh

Bà Nguyễn Thị Thùy luôn trách nhiệm, nhiệt huyết với công tác dân số.

Địa bàn rộng, dân cư phân bố thưa, trong khi đường sá đi lại khó khăn càng khiến cho công việc của bà thêm phần vất vả. Thế nhưng, 20 năm gắn bó với công việc cũng là ngần ấy thời gian không quản nắng mưa, bà miệt mài đi về trên những cung đường xa xôi của xã miền núi Phú Phong.

Bà Thùy chia sẻ: “Để người dân thay đổi quan niệm về sinh đẻ, kế hoạch hóa gia đình không hề đơn giản. Đi vận động một lần không có kết quả thì phải đi lần 2, lần 3... Vận động vợ rồi thì phải vận động chồng, thậm chí là gia đình chồng để tạo sự đồng thuận”.

Những người “giữ lửa” công tác dân số cơ sở ở Hà Tĩnh

Đường sá xa xôi, dân cư thưa thớt khiến công việc của bà Thùy thêm phần khó khăn.

Bằng sự kiên trì, nhẫn nại và linh hoạt trong cách thức tiếp cận, bà Thùy đã thuyết phục được nhiều gia đình thay đổi nếp nghĩ, từ bỏ ý định sinh con thứ 3 mặc dù hai con đầu là gái. Cũng nhờ đó, trong nhiều năm liền, thôn 5 không có người sinh con thứ 3; là đơn vị luôn nằm trong top dẫn đầu của xã Phú Phong về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Những người “giữ lửa” công tác dân số cơ sở ở Hà Tĩnh

Cộng tác viên dân số là những "cánh tay nối dài", người "giữ lửa" của công tác dân số ở cơ sở. (Trong ảnh:Bà Nguyễn Thị Thùy tuyên truyền cho người dân về chính sách dân số).

Không chỉ hoạt động tích cực tại thôn, bà Thùy còn phối hợp tốt với cộng tác viên, cán bộ dân số của xã trong quá trình làm việc. Chị Nguyễn Thị Hà - cán bộ dân số xã Phú Phong cho biết: “Bà Thùy là một cộng tác viên dân số có kinh nghiệm và trách nhiệm với công việc. Cách bà Thùy tiếp cận, thuyết phục người dân thực hiện chính sách dân số rất chủ động, linh hoạt, khiến người dân cảm thấy được thấu hiểu, chia sẻ. Từ cách làm đó, hiệu quả công tác tuyên truyền được nâng cao, góp phần thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch của xã”.

Những người “giữ lửa” công tác dân số cơ sở ở Hà Tĩnh

Bà Thùy (ngoài cùng bên phải) tham gia buổi sinh hoạt chuyên môn cùng các cộng tác viên dân số xã Phú Phong.

Chị Trần Thị Loan (SN 1972) - cộng tác viên dân số thôn Kiều Văn - xã Xuân Phổ (Nghi Xuân) trải lòng với chúng tôi về công việc mà chị đã gắn bó 23 năm nay: "Hầu hết những người làm cộng tác viên cùng thời điểm với tôi đã từ bỏ vì công việc vất vả trong khi phụ cấp quá ít ỏi, không đủ chi phí xăng xe, điện thoại. Nhiều người nói tôi “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” nhưng tôi vẫn quyết tâm làm vì tôi thực sự yêu công việc này”.

Những người “giữ lửa” công tác dân số cơ sở ở Hà Tĩnh

Chị Trần Thị Loan cập nhật, theo dõi biến động thông tin dân số trên địa bàn.

Và tình yêu, niềm đam mê đó gắn liền với cuộc sống hằng ngày của chị. Là cộng tác viên dân số kiêm cán bộ phụ nữ, chị Loan đã sáng tạo lồng ghép hoạt động tuyên truyền vào các cuộc họp, cuộc sinh hoạt, các mô hình của hội phụ nữ.

Bên cạnh đó, chị phối hợp với cán bộ thôn nắm bắt hoàn cảnh của từng gia đình để có cách thức vận động phù hợp. Với những gia đình có hai con thì vận động họ dừng lại để nuôi dạy cho tốt; những gia đình có đông con thì vận động phát triển sản xuất để tạo điều kiện cho con cái học hành đến nơi đến chốn.

Những người “giữ lửa” công tác dân số cơ sở ở Hà Tĩnh

Chị Loan sáng tạo lồng ghép công tác tuyên truyền để đạt hiệu quả cao trong vận động người dân thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Cứ như vậy, chị Loan đã góp công rất lớn trong việc nâng cao chất lượng dân số, đời sống của người dân thôn Kiều Văn. Từ năm 2010 đến nay, thôn Kiều Văn không có người sinh con thứ 3; nhiều năm được các cấp, ngành biểu dương trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Ông Lê Minh Khôi - Trưởng thôn Kiều Văn cho biết: “Chị Loan tham gia công tác dân số, phụ nữ ở thôn đã nhiều năm nay và đã tích cực góp phần quản lý dân cư, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 của địa phương. Gia đình chị cũng là tấm gương về nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc để các gia đình khác noi theo”.

Những người “giữ lửa” công tác dân số cơ sở ở Hà Tĩnh

Bà Đậu Thị Đào (bên trái) đã có 30 năm gắn bó với công tác dân số.

Cũng với tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, vì sự phát triển của địa phương mà năm nay, dù tuổi đã cao, sức khỏe hạn chế nhưng bà Đậu Thị Đào (SN 1958) - cộng tác viên dân số thôn Nam Mới - xã Cương Gián (Nghi Xuân) vẫn xác định tiếp tục gắn bó với công việc mà bà đã làm 30 năm qua.

Phụ cấp không cao, thu nhập thấp nhưng dân số - kế hoạch hóa gia đình đã trở thành công việc tâm huyết của bà. Trong 30 năm qua, bà đã gặt hái được nhiều thành quả trong công việc, ghi dấu sự đóng góp đó là những tấm bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương “vì sự nghiệp dân số”. Tuy nhiên, với bà, sự hưởng ứng của người dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách về dân số mới là điều quan trọng nhất.

Hiện nay, toàn tỉnh có gần 1.900 cộng tác viên dân số, họ chính là “cánh tay nối dài” của cán bộ dân số. Với tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết và kinh nghiệm, họ đã góp phần quan trọng để ngành dân số Hà Tĩnh từng bước thực hiện mục tiêu ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số.

Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Bùi Quốc Hùng

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Bài 2: Huy động tổng lực, dồn sức trên những “đại công trường”

Bài 2: Huy động tổng lực, dồn sức trên những “đại công trường”

Để mục tiêu hoàn thành 2.343 ngôi nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng trước ngày 19/5/2025, các địa phương trong toàn tỉnh đang đứng trước khối lượng công việc lớn. Trên chặng nước rút, cả hệ thống chính trị Hà Tĩnh cùng hướng về cơ sở với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; mỗi thành viên ban chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát các cấp phải thấm nhuần nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ sản phẩm”.
Bài 1: Quyết tâm về đích trước thời hạn của cả nước

Bài 1: Quyết tâm về đích trước thời hạn của cả nước

Vận dụng sáng tạo bài học kinh nghiệm trong làm nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn 2021-2025, cả hệ thống chính trị ở Hà Tĩnh đã sớm vào cuộc, chủ động triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước. Với sự khẩn trương, chủ động triển khai kế hoạch và huy động các nguồn lực, Hà Tĩnh đặt mục tiêu hoàn thành chương trình trước ngày 19/5/2025 (trước mốc thời gian chung của cả nước hơn 6 tháng).
Quy định mới về chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

Quy định mới về chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2025/NĐ-CP ngày 15/3/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.