Những người “hết lòng” vì bệnh nhân COVID-19 ở Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Dù tiếp nhận nhiệm vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 sau đồng nghiệp ở các cơ sở y tế khác nhưng các y, bác sỹ Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh đã nỗ lực hết mình, trở thành những “chiến binh” diệt COVID-19.

Ngoài các bệnh viện đã đi vào hoạt động trước đó, ngày 16/8/2021, Bệnh viện Phổi được thiết lập thành bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19.

Những người “hết lòng” vì bệnh nhân COVID-19 ở Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh

Bệnh viện Phổi được thiết lập thành khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19.

Ngay sau khi có quyết định thành lập bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19, Bệnh viện Phổi lập tức kích hoạt trạng thái hoạt động mới.

Hàng trăm bệnh nhân đang điều trị nội trú, ngoại trú tại bệnh viện đã được chuyển đến các cơ sở y tế khác hoặc điều trị tại nhà; 3 khu nhà điều trị được trưng dụng làm khu cách ly, điều trị cho bệnh nhân COVID-19; 90 cán bộ, y bác sỹ, nhân viên bệnh viện bước vào một trận chiến mới đầy cam go, thử thách.

Những người “hết lòng” vì bệnh nhân COVID-19 ở Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh

Nhân viên Bệnh viện Phổi lấy mẫu xét nghiệm cho bệnh nhân trong khu điều trị.

Bác sỹ CKI Trương Hồng Lĩnh - Giám đốc Bệnh viện Phổi cho biết: “7 bệnh nhân đầu tiên được chuyển vào ngày 17/8 và chỉ ít ngày sau đó, số bệnh nhân đã tăng lên 48 người, hầu hết là bệnh nhân có triệu chứng, bệnh nhân có diễn biến xấu, phải thở oxy, dùng thuốc kháng viêm, chống đông.

Ngoài 6 kíp trực, mỗi kíp 15 người thay phiên nhau vào vòng trong thì đội hậu cần, đội chống nhiễm khuẩn, đội hành chính... cũng nhanh chóng được thành lập để làm nhiệm vụ phục vụ ở vòng ngoài”.

Những người “hết lòng” vì bệnh nhân COVID-19 ở Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh

Các đội phục vụ vòng ngoài cũng nhanh chóng được thành lập.

Là bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân lao, phổi nên điều trị COVID-19 không phải là vấn đề quá khó về chuyên môn đối với các y, bác sỹ, điều dưỡng nơi đây. Nguồn nhân lực ở đây tuy đa phần là nữ, có con nhỏ, bố mẹ già cả, nhiều chị em có chồng là bác sỹ, bộ đội, công an..., cũng phải “trực chiến” trong thời gian dài, nhưng khi bệnh viện trở thành nơi điều trị bệnh nhân COVID-19, họ sẵn sàng nhận lệnh.

Xung phong vào vòng trong ngay từ ngày đầu tiếp nhận bệnh nhân, đã tròn một tháng nay, bác sỹ chuyên khoa Nội I Lê Tố Nga, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính tổng hợp phải xa chồng con, gia đình.

Bác sỹ Tố Nga chia sẻ: “Ở đây có nhiều bệnh nhân là trẻ nhỏ, có em chỉ mới 9 tháng tuổi, có em phải đi điều trị một mình mà không có người thân bên cạnh, nhìn những đưa trẻ đó, chúng tôi - những người mẹ cũng có con nhỏ, càng thêm thắt lòng. Chỉ mong sao mình có đủ sức khỏe để điều trị cho bệnh nhân nhanh chóng khỏi bệnh, mọi người sớm được bình an trở về bên gia đình”.

Những người “hết lòng” vì bệnh nhân COVID-19 ở Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh

Bệnh nhi được các y, bác sỹ quan tâm đặc biệt.

Số lượng bệnh nhân đông, áp lực công việc đè nặng, các y bác sỹ quen với những đêm mất ngủ triền miên, những bữa cơm vội vàng, nhưng họ vẫn hết lòng vì bệnh nhân, coi bệnh nhân như người thân.

Điều dưỡng Đậu Thị Minh Nguyệt - Khoa Nội II chia sẻ: “Dù không trực tiếp thăm khám, điều trị nhưng hàng ngày tiếp xúc, chăm sóc, hướng dẫn bệnh nhân vệ sinh, ăn uống, tôi cũng đã nhớ tên tuổi, hoàn cảnh của từng người. Có gia đình 6 người cùng vào đây điều trị, có những bệnh nhân già cả, bệnh lý nền, hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi đều quan tâm chia sẻ, động viên để giúp họ ổn định tâm lý, chiến thắng bệnh tật”.

Những người “hết lòng” vì bệnh nhân COVID-19 ở Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh

Điều dưỡng Đậu Thị Minh Nguyệt (bên trái) cùng đồng nghiệp bám trụ nhiều ngày ở vòng trong.

Không giấu nổi niềm vui được xuất viện sau gần một tháng “vật vã” vì COVID-19, anh N.V.C (Can Lộc) xúc động chia sẻ: “Những ngày mới vào viện, tôi rất hoang mang, lo sợ, nhưng các y, bác sỹ, điều dưỡng, hộ lý đã ân cần chăm sóc, động viên tinh thần và chúng tôi đã chiến thắng. Tôi thật sự biết ơn và cảm phục sự hy sinh của họ”.

Dù đã quen với môi trường điều trị bệnh lây nhiễm, nhưng điều trị bệnh nhân COVID-19 với đặc thù phải cách ly tuyệt đối trong một thời gian dài, mức độ nguy hiểm cao vẫn là thử thách mà các y, bác sỹ Bệnh viện Phổi chưa từng phải đối mặt. Để cùng vượt qua khó khăn, họ đã thực sự trở thành một khối đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau trong mỗi kíp trực.

Những người “hết lòng” vì bệnh nhân COVID-19 ở Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh

Nhiều chị em có con nhỏ, chồng cũng làm nhiệm vụ chống dịch dài ngày nhưng vẫn xung phong tham gia các kíp trực vòng trong.

Chia sẻ với những chị em có con nhỏ, chồng cũng phải làm nhiệm vụ chống dịch dài ngày, nhiều y, bác sỹ nam sau khi hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh đã trở về tiếp tục xung phong vào vòng trong làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Phổi như: bác sỹ Nguyễn Mạnh Cường (Khoa Hồi sức cấp cứu), điều dưỡng trưởng Trương Văn Thành (Khoa Nội I)...

Những người “hết lòng” vì bệnh nhân COVID-19 ở Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh

Lá đơn tình nguyện tiếp tục ở lại Bình Dương chống dịch của anh Nguyễn Duy Miên và các đồng nghiệp khiến nhiều người xúc động lẫn cảm phục.

Bác sỹ Cường chia sẻ: “Sau 42 ngày thực hiện nhiệm vụ ở Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh, tôi trở về tiếp nhận công việc ở Bệnh viện Phổi. Vẫn biết vất vả, nhớ nhà nhưng các chị em còn vất vả hơn nhiều nên tôi xung phong hỗ trợ để chị em về sớm được ngày nào hay ngày đó”.

Không chỉ xung phong hỗ trợ đồng nghiệp tại đơn vị mình, y, bác sỹ Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh còn xung kích vào tâm dịch miền Nam. Lá đơn tình nguyện xin được tiếp tục ở lại Bình Dương hỗ trợ công tác phòng, chống dịch sau khi kết thúc thời gian điều động của anh Nguyễn Duy Miên - kỹ thuật viên xét nghiệm Khoa Cận lâm sàng và các đồng nghiệp ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đã khiến nhiều người xúc động lẫn cảm phục.

Những người “hết lòng” vì bệnh nhân COVID-19 ở Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh

Với các y, bác sỹ nơi đây, “chống dịch như chống giặc” đã trở thành mệnh lệnh từ trái tim.

“Chống dịch như chống giặc - không phải là khẩu hiệu. Với chúng tôi, đó là mệnh lệnh” - phương châm đó đã trở thành “mệnh lệnh” từ trái tim của những y, bác sỹ Bệnh viện Phổi.

Sau hơn một tháng với những nỗ lực, những sự tận tâm, thấu hiểu và sẻ chia, 16 bệnh nhân đã được ra viện, 14 người đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1, 3 người âm tính lần 2; những bệnh nhân còn lại tiến triển khá tốt.

Cuộc chia tay nào cũng có những cảm xúc, chia tay bệnh nhân COVID-19 niềm vui càng lớn nhưng bác sỹ - bệnh nhân chẳng mong gặp lại nhau. Ai cũng mong dịch bệnh sớm được kiểm soát, đẩy lùi để đời sống kinh tế - xã hội sớm trở lại bình thường.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Một số trang thông tin nước ngoài đưa tin về đợt bùng phát dịch bệnh xảy ra tại Trung Quốc với nhiều ca mắc bệnh do virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) và lo ngại về một cuộc khủng hoảng y tế khác sau COVID-19.
Động lực thúc đẩy công tác dân số ở Hà Tĩnh

Động lực thúc đẩy công tác dân số ở Hà Tĩnh

Với nhiều chính sách hỗ trợ đội ngũ cán bộ, cộng tác viên, Nghị quyết 221/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh thực sự là động lực thúc đẩy công tác dân số trên địa bàn Hà Tĩnh phát huy hiệu quả.
Tôn vinh di sản "Y thánh của Việt Nam”

Tôn vinh di sản "Y thánh của Việt Nam”

Thông qua triển lãm "Di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác" tại Hà Tĩnh, người dân sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp và những giá trị di sản của Hải Thượng Lãn Ông, từ đó tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị mà Đại danh y để lại.
 Vinamilk - 30 năm đồng hành hỗ trợ bệnh nhân nghèo

Vinamilk - 30 năm đồng hành hỗ trợ bệnh nhân nghèo

Hơn 1.300 trường hợp bệnh nhân nghèo đã được hỗ trợ phẫu thuật tim và mắt từ chương trình của Vinamilk đồng hành cùng Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP. Hồ Chí Minh với tổng kinh phí hơn 8,2 tỷ đồng.