Những tỷ phú quyết đưa ông Trump trở lại Nhà Trắng

Nhiều tỷ phú Mỹ từng xa lánh Donald Trump sau bạo loạn Đồi Capitol giờ đã làm lành với cựu tổng thống và quyết đưa ông trở lại Nhà Trắng.

Sau khi những người biểu tình ủng hộ Donald Trump tràn vào tòa nhà quốc hội ở Đồi Capitol ngày 6/1/2021 để cản trở phiên họp chứng nhận chiến thắng của ứng viên Joe Biden, nhiều tỷ phú đã nhanh chóng cắt liên lạc với ông Trump để tránh khủng hoảng truyền thông.

Một ngày sau vụ bạo loạn chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ, tỷ phú Nelson Peltz, CEO quỹ đầu tư Trian Partners, trả lời phỏng vấn trên CNBC rằng ông hối hận vì từng tài trợ cho Trump tranh cử vào Nhà Trắng. Ông gọi những gì diễn ra tại Đồi Capitol là "nỗi hổ thẹn" của ông "với tư cách một công dân Mỹ".

Nhưng, hồi tháng 3, Peltz đã chào đón ông Trump đến dinh thự ở Florida để dùng bữa sáng. Washington Post cho biết buổi gặp gỡ thân mật còn có nhiều doanh nhân nổi tiếng, trong đó có tỷ phú Elon Musk.

Trong cuộc phỏng vấn với Financial Times, Peltz thừa nhận ông "có lẽ sẽ lại bầu cho Trump" vào tháng 11, nhưng khẳng định "cá nhân tôi cũng không vui vẻ mấy". Tỷ phú 81 tuổi nói ông ủng hộ Trump một lần nữa trở lại Nhà Trắng vì không an tâm với nước Mỹ dưới Tổng thống Joe Biden, trong đó nổi bật là làn sóng người nhập cư bất hợp pháp ở biên giới phía nam, cũng như những đồn đoán về mức độ minh mẫn của ông Biden ở tuổi 81.

Theo Wall Street Journal, Musk đã hứa với Trump sẽ tổ chức "gặp mặt các lãnh đạo kinh doanh quyền lực trên cả nước" và thuyết phục họ đừng ủng hộ Tổng thống Biden tái đắc cử. Musk cũng từng thảo luận cùng các tỷ phú khác cách thức "rót tiền cho Trump mà không bị công chúng chú ý".

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump xem giải đua xe F1 Miami Grand Prix tại sân vận động Hard Rock ở thành phố Miami Gardens, bang Florida ngày 5/5. Ảnh: AFP
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump xem giải đua xe F1 Miami Grand Prix tại sân vận động Hard Rock ở thành phố Miami Gardens, bang Florida ngày 5/5. Ảnh: AFP

Sau khi bồi thẩm đoàn tại New York kết luận ông Trump có tội với 34 cáo buộc làm giả hồ sơ kinh doanh để chi tiền ém nhẹm thông tin bất lợi trước chiến dịch tranh cử năm 2016, các tỷ phú thân với đảng Cộng hòa đã cam kết tiếp tục quyên góp mạnh tay cho ông Trump chạy đua vào Nhà Trắng.

Nổi bật trong số đó có tỷ phú sòng bạc Mỹ Miriam Adelson và ông trùm ngành khách sạn Robert Bigelow.

"Tôi sẽ gửi ngay cho Tổng thống Trump thêm 5 triệu USD như đã hứa", Bigelow tuyên bố hôm 31/5, sau khi đã rót 9 triệu USD cho một tổ chức vận động cử tri ủng hộ ông Trump.

Miriam Adelson dự định quyên góp cho tổ chức Gìn giữ Nước Mỹ, một ủy ban hành động chính trị (PAC) ủng hộ ông Trump và đảng Cộng hòa. Ở kỳ bầu cử tổng thống năm 2020, Miriam Adelson và người chồng quá cố Sheldon Adelson từng rót vào PAC này 90 triệu USD. Truyền thông Mỹ tiết lộ nữ tỷ phú 78 tuổi năm nay còn quyết chi tiền mạnh tay hơn nữa để giúp ông Trump thắng cử.

Miriam Adelson, một người Mỹ gốc Israel, đã ủng hộ Donald Trump từ khi ông bắt đầu tranh cử vào năm 2016, với hy vọng tác động lên chính sách đối ngoại của Washington với Tel Aviv.

Gia đình Adelson bỏ ra khoảng 25 triệu USD cho các siêu PAC vận động cử tri cho Trump vào năm 2016 và tài trợ 5 triệu USD cho lễ nhậm chức của ông vào năm 2017. Họ có liên hệ thân thiết với con rể ông Trump là Jared Kushner, và từng xuất hiện tại tiệc mừng chuyển đại sứ quán Mỹ ở Tel Aviv đến Jerusalem vào năm 2018.

Steve Schwarzman, nhà sáng lập Tập đoàn Blackstone, một trong những quỹ đầu tư hàng đầu thế giới, cũng đã làm lành với ông Trump sau một thời gian lạnh nhạt vì bạo loạn Đồi Capitol. Schwarzman từng chỉ trích người ủng hộ ông Trump là "đám đông quá khích tìm cách làm suy yếu Hiến pháp Mỹ".

Hơn ba năm sau, Schwarzman vào ngày 24/5 công khai ủng hộ Trump trở lại Nhà Trắng vì lo ngại khủng hoảng nhập cư bùng nổ ở biên giới Mỹ - Mexico. Ông cũng ám chỉ chính quyền Tổng thống Biden làm ngơ cho "làn sóng bài xích Do Thái trỗi dậy mạnh mẽ", khiến tỷ phú này phải quan tâm nhiều hơn đến cuộc bầu cử năm nay.

"Tôi có cùng nỗi lo như đa số người dân Mỹ rằng chính sách kinh tế, nhập cư và đối ngoại hiện nay của đất nước đang được định hướng sai", tỷ phú 77 tuổi sở hữu khối tài sản hơn 37 tỷ USD chia sẻ.

Tuy nhiên, theo Paul Krugman, nhà kinh tế học người Mỹ từng đoạt giải Nobel Kinh tế vào năm 2008, các tỷ phú đang tập hợp tài trợ cho ông Trump chủ yếu vì lợi ích của bản thân họ, thay vì các chính sách đại chúng. Họ ủng hộ ông Trump dù cựu tổng thống Mỹ đã bị kết tội và đang đối diện hàng loạt vụ kiện dân sự lẫn truy tố, vì tin rằng ông sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách thuế ưu đãi cho người giàu nếu đắc cử.

"Câu trả lời thẳng thắn là giới nhà giàu gần như chắc chắn sẽ đóng thuế ít hơn, và các tập đoàn sẽ không chịu quản lý quá nghiêm ngặt, nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng", Krugman bình luận hồi tháng 4.

6 năm trước, với sự hậu thuẫn của đảng Cộng hòa tại quốc hội, chính quyền ông Trump đã thông qua luật cắt giảm thuế, giúp giới siêu giàu được hưởng lợi đáng kể, trong khi người lao động không nhận được hiệu ứng tăng thu nhập như cam kết của đảng Cộng hòa, theo Trung tâm Ngân sách và Ưu tiên chính sách (CBPP).

Ứng viên chiến thắng cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay sẽ có khả năng tác động đáng kể lên tài sản của giới siêu giàu Mỹ, một khi đạo luật giảm thuế năm 2017 sẽ hết hiệu lực vào năm 2025.

Tỷ phú Miriam Adelson (trái) nhận Huân chương Tự do từ ông Donald Trump tại Nhà Trắng vào năm 2018. Ảnh: AP
Tỷ phú Miriam Adelson (trái) nhận Huân chương Tự do từ ông Donald Trump tại Nhà Trắng vào năm 2018. Ảnh: AP

Trong suốt nhiệm kỳ lẫn quá trình tái tranh cử, Tổng thống Biden không che giấu ý định áp mức thuế mới lên giới siêu giàu nếu ông tái đắc cử và đảng Dân chủ giành đa số ở lưỡng viện quốc hội Mỹ. Vào năm 2022, Tổng thống Biden từng tìm cách thúc đẩy tăng thuế tối thiểu đối với các tỷ phú, buộc những gia đình có thu nhập hơn 100 triệu USD, chiếm khoảng 0,01% dân số Mỹ, phải đóng thuế 20%. Trước những cản trở từ đảng Cộng hòa tại quốc hội, dự luật này cuối cùng không được thông qua.

Ở chiều ngược lại, ông Trump liên tục cam kết duy trì chính sách cắt giảm thuế cho người Mỹ, không phân biệt đối xử giữa giới siêu giàu và người lao động bình dân. Các nghị sĩ Cộng hòa còn đang chuẩn bị sẵn gói dự luật về chính sách thuế và kinh tế, sẵn sàng tung ra "chớp nhoáng" một khi đảng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội năm nay.

Jonathan Chait, nhà bình luận chính trị Mỹ của New York Magazine, nhận định số tỷ phú ủng hộ Trump "tăng vọt" từ đầu năm nay, sau khi nhận thấy cựu tổng thống nắm chắc phần thắng trong bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa.

Phong độ ổn định của ông Trump trong các cuộc khảo sát tín nhiệm từ cử tri Cộng hòa cũng thúc đẩy các mạnh thường quân làm lành với cựu tổng thống 77 tuổi, gác lại những hiềm khích sau bạo loạn Đồi Capitol năm 2021. Nhiệm kỳ đầu tiên của Trump đã thể hiện rõ ông "không ngần ngại ưu ái những doanh nhân đứng về phe mình và trừng phạt thẳng tay những kẻ đứng ngoài cuộc", theo Jonathan Chait.

"Trong tâm trí của giới giàu có thuộc phe bảo thủ, bầu cử năm nay là bài toán lựa chọn giữa hai điều: ứng viên Trump có nguy cơ lạm dụng quyền lực và không chấp nhận kết quả bầu cử bất lợi, hoặc ông Biden đã cam kết sẽ tăng thuế để đánh vào túi tiền của họ. Vậy tại sao giới siêu giàu Mỹ không chọn ứng viên gần gũi hơn với lợi ích của chính họ", Chait bình luận.

vnexpress.net

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.