Động đất ở Nhật Bản. Chị gọi điện thoại cho con trai, nhẹ người khi nghe giọng con trả lời từ xứ sở xa lắc đó. Con bình yên nhưng lòng chị vẫn bồn chồn. Hay con về Việt Nam ít bữa, chờ mọi chuyện yên ổn rồi qua lại? Con cười, đang đi học mà mẹ, lịch kiểm tra quá trời, sao về được.
Mà không có gì phải lo đâu mẹ ơi, ở xứ này… động đất hoài! Chị nghe mà cồn cào gan ruột. Cái năm quyết định gửi con đi học xa nhà, cả con và chị đều biết, không phải vì mơ mộng một tấm bằng nước ngoài, mà chẳng qua vì con ở nhà không ngoan, bạn bè tụ bạ, chị muốn cách ly con một thời gian. Chị đã chọn đất nước nổi tiếng đắt đỏ, khó đi qua đi về, để con và đám bạn xấu kia dứt hẳn quan hệ. Nhưng hôm nay, chị lại muốn gọi con về, ở nhà với mình, dù thế nào cũng được.
Từ ngày con đi, anh chị càng vùi đầu vào công việc. Không còn những buổi phải gọi điện thoại cho chồng đi tìm con, không còn những lần vợ chồng cãi vã vì cách nuôi dạy con, quan hệ của vợ chồng chị như tuột dốc không phanh. Nỗi lo lắng trong lòng chị như cơn địa chấn chuyển động ngầm, thỉnh thoảng lại trồi lên, nhắc nhở.
Chị dự cảm gia đình mình không yên ổn, những đứt gãy đang ẩn sâu đâu đó. Nhìn cảnh những người bình tĩnh xếp hàng nhận cơm nắm, bước qua cơn động đất như chấp nhận một định mệnh, đợi chờ một quy trình tái thiết, chị lại nghĩ đến gia đình mình, có phải mình cũng đang chờ đợi một cơn chấn động, đổ vỡ nào đó đã có dấu hiệu báo trước mà mình không thể làm gì để đổi thay?
Bạn bè hỏi nhau, nơi nào trên thế giới này là chốn bình yên? Hôm trước vừa nghe khủng bố ở Paris, hôm sau đã nghe khủng bố ở Bruxells. Những dự định du lịch nước ngoài đều phải gác lại với kiểu đánh bom sân bay, giết người vô tội. Du lịch trong nước thì vấn nạn kiểu khác, người đông như kiến, giá cả chặt chém, dịch vụ phập phù, lại còn nạn thực phẩm bẩn, ngộ độc thức ăn.
Nghĩ cho cùng, nơi chốn bình yên nhất vẫn là bên trong cánh cửa gia đình. Dẫu biết muốn có được sự bình yên ấy, người phụ nữ phải tự tay chăm sóc, xây dựng, phải chấp nhận quanh quẩn chợ búa cơm nước, phải hy sinh nhiều thứ… Nói gì thì nói, đã ở nhà thì mọi thứ phải trông vào bàn tay mẹ mà thôi.
Ảnh mang tính minh họa: Internet |
Thật vô lý khi thời buổi này mà kêu gọi các chị em dành thời gian nhiều hơn cho gia đình, trong khi người ta rần rần nói chuyện phụ nữ tự do, phụ nữ quyến rũ, phụ nữ không cần hy sinh cho bất kỳ ai… Nhưng Hạnh Dung biết, có chị vào công sở váy bó, áo sơ mi thơm lừng, hết giờ làm về nhà vẫn thay đồ bảo hộ, mang găng tay làm đất để trồng rau; có chị vẫn cặm cụi cắm tre cột dây thép làm giàn cho mấy dây mồng tơi trồng trong thùng xốp, chậu cảnh...
Ý thức tự vệ trước thực phẩm bẩn đã đành, nhưng hơn thế nữa, là để cả gia đình cùng được yên tâm, cùng được ăn bữa cơm không phập phồng lo sợ. Chốn bình yên được xây nên từ bàn tay của những người phụ nữ, không chỉ là hoa hồng hoa tím, mà còn là rau xanh, là mầm giá trắng nhỏ nhoi nhưng yên ổn cho đời, cho người.
Nhưng, đó là khi trong ngôi nhà của mình có những người cần mình chăm sóc. Còn khi ngôi nhà ấy chỉ có mình mình, thì biết chăm sóc ai? Chị thấy mình đang ở giữa một nghịch lý. Chẳng lẽ giờ gọi con về, gọi chồng về để cho mình… chăm sóc? Mình đã gửi con đi học xa để con nên người, mình đã cùng chồng cố gắng làm thêm việc, kiếm thêm tiền để con đủ điều kiện ăn học, để lo nhà cửa đàng hoàng. Thế rồi tổ ấm thành tổ trống lúc nào không hay.
Chẳng phải chỉ có chị, người đàn bà nội trợ, mới cảm nhận được sự trống trải đó, mà cả đến người làm tới chức tổng thống Mỹ, còn rơi nước mắt vì nghĩ đến lúc con gái rời nhà đi học xa. Nỗi ám ảnh “chiếc tổ trống” đã thành nỗi niềm chung của nhân loại. Nhưng, nếu không giữ những chiếc tổ trống ấy như giữ nơi chốn bình yên trước nhất mà người ta nghĩ đến, thì rồi những cánh chim đã rời tổ biết tìm đâu phương hướng để quay về, khi ngoài kia đột ngột là bão giông, là cuồng phong, là động đất, hoảng loạn?
Chiều hôm nay, chị mang mấy cái hộp xốp về nhà, bắt đầu việc trồng rau, soạn rửa lũ chai hũ cho mấy rổ cải dành muối dưa đã rửa sẵn từ hôm trước. Chị biết nơi này vẫn là chốn bình yên duy nhất cho những người thân yêu của mình và chị sẽ là người chăm giữ nơi ấy.
Biết đâu từ xa xôi, những cuộc trở về của ai đó cũng đang được bắt đầu.