Hàng nghìn giáo viên tiểu học chưa có chế độ dạy vượt giờ
Hiện nay, tỷ lệ giáo viên (GV) tại trường tiểu học dạy học 2 buổi/ngày ở Hà Tĩnh là 1,42 GV/lớp (phù hợp với định mức 23 tiết/tuần của GV tiểu học). Tuy nhiên, do quy định chế độ làm việc của GV (giảm định mức tiết dạy theo một số chức danh kiêm nhiệm và nhiệm vụ chuyên môn) nên định mức tiết dạy bình quân của GV tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh chỉ xấp xỉ 20 tiết/tuần.
Việc dạy học buổi 2 góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. |
Dẫu vậy, trước yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo thực hiện chỉ tiêu về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 và thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 20/12/2011 của BCH Đảng bộ tỉnh (phấn đấu đến năm 2015 và những năm tiếp theo, 100% HS tiểu học được học buổi 2); đồng thời, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, hầu hết các phòng giáo dục vẫn tiếp tục chỉ đạo các trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, với thời lượng 35 tiết/tuần/lớp. Nguồn kinh phí chi trả dạy vượt giờ cho GV từ trước đến nay được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, huy động từ phụ huynh HS.
Thời gian qua, trên cơ sở ý kiến của Đoàn Giám sát HĐND tỉnh và văn bản hướng dẫn của Sở Tài chính, các trường tiểu học trên địa bàn không được thực hiện huy động kinh phí từ phụ huynh để chi trả tiền dạy vượt giờ cho GV mà phải sử dụng nguồn kinh phí dự toán sự nghiệp được giao hàng năm. Tuy nhiên, ngân sách được giao hàng năm không có danh mục chi trả tiền dạy vượt giờ và cũng không đủ để chi trả. Do đó, hơn 6 tháng qua, chế độ dạy vượt giờ của GV tiểu học toàn tỉnh vẫn chưa được thực hiện, đội ngũ GV không yên tâm công tác. Hiện trên địa bàn tỉnh, hàng nghìn GV tiểu học chưa có chế độ dạy vượt giờ.
Cô Hoàng Thị Diệu Huyền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Hà (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Mức bình quân của toàn tỉnh là 1,42 GV/lớp, trong lúc trường chúng tôi chỉ có 1,37 GV /lớp. Thiếu GV nên việc dạy vượt giờ càng trở nên áp lực hơn. Mặc dù từ đầu năm đến nay chưa có chế độ vượt giờ, nhưng chúng tôi vẫn động viên các GV cố gắng đảm bảo dạy học ngày 2 buổi theo thời khóa biểu. Tôi nghĩ, vấn đề này cũng chỉ duy trì ở một mức độ nào đó, chứ không thể kéo dài”.
Bày tỏ nỗi lo lắng nếu bậc tiểu học không duy trì học buổi 2, chị Thu Hương - một phụ huynh ở phường Trần Phú (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Từ khi nghe thông tin về việc có thể nghỉ học buổi 2 ở bậc tiểu học, tôi thực sự lo lắng, bởi vợ chồng đều là công chức nhà nước, ông bà lại ở xa nên việc quản lý con cái vào buổi chiều sẽ rất khó khăn. Chúng tôi không thể yên tâm làm việc”.
Cần có giải pháp
Trước mắt, để giải quyết thực trạng này, nhiều địa phương đã có những cách làm khác nhau nhằm đảm bảo số tiết cho GV. Thầy Đặng Quốc Hiền - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Từ khi không được thu tiền buổi 2, chúng tôi đã cho các trường chủ trương dạy theo số lượng GV nên có trường có thể 6 buổi, hoặc 7 buổi/tuần...”.
Theo cô Nguyễn Thanh Nga - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạch Hà thì phòng vẫn chỉ đạo các trường tiểu học duy trì buổi 2 nhưng để giảm bớt số tiết cho GV, đơn vị đã cho các trường tổ chức nhiều hoạt động theo hình thức liên khối và giao tổng phụ trách đội cùng 1 GV phụ trách. Tuy nhiên, cũng chỉ giảm được một số tiết và đây chỉ là giải pháp tình thế.
Còn cô Trần Thị Thủy Nga - Phó Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Hà Tĩnh cho hay: “Qua buổi làm việc giữa thành phố và các sở, ngành liên quan mới đây, địa phương đã đi đến thống nhất: việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học là yêu cầu tất yếu của đổi mới giáo dục và là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân trên địa bàn. Về kinh phí chi trả tiền dạy vượt giờ của GV, thành phố cũng đã có tờ trình gửi UBND tỉnh, các ngành liên quan cho ý kiến chỉ đạo sau khi rà soát thực tế đội ngũ GV, tình hình giảng dạy tại các trường để thống nhất phương án giải quyết”.
Thực tế trong 10 năm qua, việc dạy học buổi 2 đã đi vào nền nếp và cũng đã trở thành thói quen, nhu cầu cấp thiết của các bậc phụ huynh, bởi những hoạt động ở buổi 2 góp phần không nhỏ trong việc rèn luyện kỹ năng sống, hình thành nhân cách cho các em. Cô Nguyễn Thị Hải Lý - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng: “Học buổi 2 đáp ứng nhu cầu chính đáng của phụ huynh và nếu không được duy trì, đây sẽ là vấn đề nan giải không chỉ của riêng một gia đình mà thực sự trở thành vấn đề xã hội”.
Thiết nghĩ, trước mắt, để giải quyết vấn đề dạy học buổi 2 ở bậc tiểu học một cách thỏa đáng, việc xác định nguồn kinh phí để chi trả tiền dạy vượt giờ cho GV tiểu học được xem là cấp thiết và cần sự quan tâm của tỉnh, các sở, ngành liên quan, phòng giáo dục và chính quyền các địa phương.