Lan tỏa dân ca ví, giặm trong các trường học ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Sau 10 năm dân ca ví, giặm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, các trường học ở Hà Tĩnh đã có nhiều hoạt động để những làn điệu của cha ông luôn lan tỏa, trường tồn.

Giờ ra chơi của cô trò Trường Tiểu học Tô Hiến Thành (Thạch Hà) bỗng trở nên rộn ràng hơn bởi những lời ca, tiếng hát của các bạn trong CLB Dân ca ví, giặm. Tất cả đang tranh thủ thời gian để tập luyện những tổ khúc, những tiết mục văn nghệ chuẩn bị cho Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

bqbht_br_12.jpg
CLB Dân ca ví, giặm Trường Tiểu học Tô Hiến Thành (Thạch Hà) tập luyện tiết mục mới.

Để giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể này, từ sự quan tâm chỉ đạo của ngành, thời gian qua, Trường Tiểu học Tô Hiến Thành đã thành lập CLB Dân ca ví, giặm để phát hiện, tập hợp những học sinh có năng khiếu, sở trường và niềm yêu thích các làn điệu dân ca. Điều thuận lợi để nhà trường phát huy, bảo tồn và lan tỏa giá trị di sản này còn có vai trò đóng góp không nhỏ của cô Tổng phụ trách Đội – một giáo viên được đào tạo bài bản, có chất giọng tốt, có niềm đam mê dân ca ví, giặm và có khả năng sáng tác lời mới.

Cô Lê Thị Thu Hà - Tổng phụ trách Đội, Trường Tiểu học Tô Hiến Thành chia sẻ: “Để lan tỏa tình yêu dân ca ví, giặm trong học sinh, tôi đã sáng tác những tổ khúc ca ngợi về quê hương, về tình thầy trò, tình bạn trong nhà trường. Đồng thời chọn những làn điệu phù hợp với lứa tuổi các em như: giặm, khuyên, giận thương… Từ việc duy trì sinh hoạt của CLB dân ca ví, giặm mỗi tuần, từ những lời mới, các hoạt động tập thể của nhà trường đều được lồng ghép bằng những làn điệu dân ca như: báo cáo đại hội liên đội, giới thiệu sách, các hoạt cảnh tuyên truyền về an toàn giao thông... Ngoài ra, trường còn phối hợp với Đài PT&TH tỉnh phát sóng các tiết mục biểu diễn của cô, trò. Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ dàn dựng màn ca múa hát sân trường bằng chất liệu dân ca ví, giặm”.

bqbht_br_18.jpg
Mỗi chương trình văn nghệ của Trường Tiểu học Tô Hiến Thành đều được lồng ghép các tiết mục dân ca ví, giặm.

Tại Trường Tiểu học Nam Hà (thành phố Hà Tĩnh), thực hiện sự chỉ đạo của địa phương trong việc phát huy, bảo tồn dân ca ví, giặm, trường đã thành lập CLB, đồng thời đầu tư sưu tầm, mua các loại nhạc cụ, trang phục biểu diễn, xây dựng không gian diễn xướng để học sinh hiểu hơn về xuất xứ ra đời của những làn điệu dân ca.

Cô Tống Thị Thanh Bình – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Hà thông tin: “Việc dạy hát dân ca ví, giặm cho học sinh được chúng tôi lồng ghép trong các giờ học âm nhạc, chương trình giáo dục địa phương. Để tăng cường hoạt động đưa dân ca vào trường học, cùng với việc tạo điều kiện cho giáo viên âm nhạc, Tổng phụ trách Đội, học sinh tham gia các buổi tập huấn ở CLB dân ca ví, giặm của phường. Thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ mời các nghệ nhân, giáo viên về giao lưu và dạy hát dân ca cho học sinh”.

bqbht_br_13.jpg
Trường Tiểu học Nam Hà (TP Hà Tĩnh) xây dựng không gian dân ca ví, giặm cho học sinh tham quan, tìm hiểu.

Từ sự quan tâm của nhà trường, tình yêu dân ca ví, giặm đã lan tỏa đến các em học sinh, để những làn điệu cha ông vẫn được vang lên trong những giờ ngoại khóa.

Em Nguyễn Thị Khánh Hà - học sinh lớp 4E, Trường Tiểu học Nam Hà chia sẻ: “Em đã được làm quen với các làn điệu dân ca qua những giờ học hát và qua sinh hoạt CLB ở trường. Ngoài ra, những lúc ở nhà, bố cũng thường xuyên mở cho em nghe các làn điệu dân ca ví, giặm. Vì vậy, em đã dần yêu thích và cũng đã hát được một số làn điệu dân ca”.

Đối với miền quê di sản Can Lộc, việc dạy hát dân ca trong các nhà trường cũng đã được thực hiện bằng sự phối hợp với đội ngũ cán bộ Trung tâm VH-TT huyện. Cùng với đó, các đơn vị giáo dục cũng đã nỗ lực duy trì hoạt động của các CLB dân ca ví, giặm trong nhà trường.

bqbht_br_16.jpg
Trường Tiểu học Phan Kính (xã Kim Song Trường, Can Lộc) lồng ghép dạy hát dân ca ví, giặm vào các giờ âm nhạc, giáo dục địa phương.

Cô Hồ Thị Bích Lan – Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Phan Kính (xã Kim Song Trường, Can Lộc) cho biết: “Là ngôi trường nằm trên vùng quê di sản, học sinh chúng tôi có nhiều lợi thế khi từ nhỏ hầu hết các em đã được nghe những làn điệu dân ca từ lời ru, câu hát của mẹ, của bà. Chính vì vậy, việc thành lập CLB Dân ca ví, giặm của trường cũng đã thu hút được đông đảo học sinh có tố chất tham gia. Ngoài ra, việc lan tỏa tình yêu dân ca ví, giặm cho học sinh cũng được chúng tôi lồng ghép vào hoạt động giáo dục địa phương qua việc thăm làng Trường Lưu – nôi hát ví. Từ các làn điệu được nghệ nhân tái hiện, từ những câu chuyện kể, các em càng thêm yêu, thêm tự hào, từ đó có ý thức hơn trong việc bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca”.

Theo số liệu từ Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có 370 liên đội tiểu học – THCS, trong số đó có khoảng 150 CLB dân ca ví, giặm. Từ việc duy trì hiệu quả hoạt động của các CLB, sự linh hoạt của các nhà trường trong việc lồng ghép đưa dân ca vào các hoạt động ngoại khóa, chương trình văn nghệ... cũng đã góp phần lan tỏa tình yêu, niềm tự hào về di sản văn hóa phi vật thể của quê hương trong giới trẻ hôm nay.

Ngay từ đầu năm học, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã có văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trong học sinh. Lồng ghép trong các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm, ngành cũng đã chỉ đạo các nhà trường rà soát, củng cố phát triển hoạt động của các CLB dân ca ví, giặm; ưu tiên các tiết mục dân ca trong chương trình nghệ thuật của trường.

Cùng với việc quan tâm tổ chức các cuộc chuyên đề, tập huấn cho đội ngũ giáo viên tổng phụ trách Đội, giáo viên giảng dạy bộ môn Âm nhạc về dân ca Nghệ Tĩnh, sở cũng khuyến khích các địa phương tăng cường các hình thức dạy hát dân ca; tổ chức liên hoan, giao lưu hát dân ca ví, giặm, tạo sân chơi bổ ích cho cán bộ, giáo viên, học sinh.

Cô Nguyễn Thị Nhung Quyên – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh

Video tổ khúc dân ca Nghệ Tĩnh "Dưới mái trường xưa" của CLB Dân ca ví, giặm Trường Tiểu học Tô Hiến Thành phát sóng trên HTTV Hà Tĩnh.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Chủ đề 10 năm Dân ca ví, giặm được UNESCO ghi danh

Đọc thêm

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Diễn đàn “Điều em muốn nói” được các trường học ở Hà Tĩnh tổ chức góp phần mở “cánh cửa” tâm hồn của học sinh, giúp người lớn thấu hiểu, đồng hành với các em trên hành trình trưởng thành.
Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Tròn 24 năm làm Tổng phụ trách Đội, thầy Lê Khải Chương - Trường Tiểu học Sơn Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) vẫn tràn đầy đam mê với nghề và luôn thương yêu, tận tâm với học trò.
Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng bày tỏ sự tri ân sâu sắc trước những đóng góp, cống hiến của các Nhà giáo Nhân dân đối với sự nghiệp trồng người cũng như phát triển KT-XH tỉnh nhà.