Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Ban (SN 1940, thị trấn Tiên Điền, Nghi Xuân): Nơi tỏa sáng của các “miền đất hát"
Trước khi dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tôi đã có hàng chục năm gắn bó với loại hình văn hóa độc đáo này của quê hương. Tuy nhiên, thời kỳ đó, chưa có chủ trương, chính sách về bảo tồn, phát huy dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh nên phong trào hát, sáng tác và biểu diễn dân ca chưa sôi nổi. Theo đó, các làn điệu độc đáo của các làng quê cũng chưa được biết đến nhiều. Cho đến khi các kỳ liên hoan dân ca ví, giặm được 2 tỉnh tổ chức riêng lẻ và phối hợp tổ chức chung thì các làn điệu đặc trưng của từng vùng quê mới được biết đến nhiều hơn. Tôi từng tham gia các kỳ liên hoan trong nhiều vai trò khác nhau như: người diễn xướng, tác giả, đạo diễn và trong vai trò nào tôi cũng đem đến liên hoan những nét độc đáo trong ví phường nón Tiên Điền quê tôi. May mắn, tôi là người trực tiếp làm nón nên rất hiểu nghề, cùng với năng khiếu viết lách, tôi đã đem được những nét tinh túy nhất của nghề nghiệp vào câu hát cha ông.
Tham gia liên hoan năm 2016, tôi dựng lại vở “Đêm trăng hò hẹn” và đội của tôi đạt giải A. Tại kỳ liên hoan này, cả Hà Tĩnh, Nghệ An đều có nhiều đội xuất sắc với nhiều đạo diễn, tác giả tài hoa và đội nào mang được cái hồn quê của mình vào câu hát một cách tinh tế nhất thì đội đó sẽ thành công. Cũng qua kỳ liên hoan này, tôi được gặp gỡ, giao lưu với nhiều tác giả có lối sáng tác, dàn dựng đầy sáng tạo và học hỏi ở họ rất nhiều. Từ đó, tôi mở rộng đề tài sáng tác và cách dàn dựng để có thể xây dựng các chương trình độc đáo hơn cho các câu lạc bộ ở Nghi Xuân.
Nghệ nhân Dân gian Nguyễn Thị Thanh Huyền (SN 1960, tổ dân phố 4, phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh): Các nghệ nhân được “tiếp sức” sau mỗi kỳ liên hoan
Tôi là Phó Chủ nhiệm CLB Dân ca ví, giặm Thành Sen. Thời gian hoạt động trong CLB chưa nhiều nhưng trước đó, khi tham gia các hoạt động văn nghệ ở cơ quan, tôi cũng đã rất yêu thích làn điệu dân ca ví, giặm và đã học để hát các bài hát đơn giản. Tôi chưa từng trực tiếp tham gia biểu diễn tại các kỳ liên hoan nhưng vẫn luôn theo dõi và tìm cơ hội để tiếp cận với các nghệ nhân nổi tiếng, vừa để học hỏi vừa mở rộng mối quan hệ với các CLB khác, nhất là ở các tỉnh bạn. Mỗi lần xem các chương trình được dàn dựng công phu, tiếp xúc với các nghệ nhân đầy tâm huyết, chúng tôi càng có thêm động lực để góp sức bảo tồn, phát huy di sản của cha ông.
Hiện nay, CLB của chúng tôi vẫn tích cực hoạt động và tham gia nhiều chương trình khác nhau. Các thành viên đều tình nguyện bỏ tiền để trang trải chi phí. Tâm nguyện của các thành viên là làm thế nào để có thể lan tỏa được câu hát của cha ông đến nhiều miền đất nước. Trong đó, đáng tự hào nhất là hoạt động tham gia Liên hoan Tiếng hát người cao tuổi toàn quốc, Chương trình Phụ nữ Việt kết nối muôn phương… Tại các chương trình này, chúng tôi đã chuyển tải các giá trị của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh và được bạn bè muôn phương yêu thích. Đặc biệt, bài “Dấu son còn mãi” do nghệ nhân Hoàng Bá Ngọc sáng tác đã trở thành “nhạc hiệu” của Chương trình Phụ nữ Việt kết nối muôn phương, được các đội thành viên học và hát mỗi dịp giao lưu. Đó là động lực để tôi cũng như các thành viên tiếp tục dành nhiều tâm huyết, cống hiến bồi đắp thêm các giá trị của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.
Nghệ nhân Nhân dân Vũ Thị Thanh Minh (SN 1954, xã Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên): Tôi học được thêm nhiều điệu hát để phục vụ công tác truyền dạy
Tôi sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, từ nhỏ đã được cha và các cô, chú là những nghệ sỹ hoạt động trong môi trường chuyên nghiệp truyền cho tình yêu với dân ca ví, giặm. Lớn lên, tôi là diễn viên sân khấu chuyên nghiệp, giành nhiều huy chương, giải thưởng qua các vai diễn trong các vở kịch hát dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.
Sau này, khi rời sân khấu chuyên nghiệp, tôi đã đem những gì tích lũy được để gây dựng phong trào văn nghệ quần chúng ở địa phương. Không chỉ hát, tôi còn tập hợp được nhiều người dân, dạy họ hát và vận động họ tham gia vào phong trào bảo tồn, phát huy các giá trị dân ca ví, giặm. Năm 2012, CLB Dân ca ví, giặm xã Cẩm Mỹ được thành lập, hoạt động của chúng tôi càng quy củ và có mục đích rõ ràng hơn. Năm 2014, sau khi dân ca ví, giặm được vinh danh, CLB của chúng tôi như được chắp thêm cánh, hoạt động ngày càng sôi nổi. Tôi và một số thành viên CLB vinh dự được tham gia nhiều kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh tại Hà Tĩnh cũng như Nghệ An. Qua đó, tôi có cơ hội học thêm nhiều điệu hát độc đáo ở các làng hát nổi tiếng để truyền dạy và làm phong phú thêm gia tài của CLB.
Từ các kỳ liên hoan, ngoài những điều hay, tôi cũng rút ra được nhiều kinh nghiệm để xây dựng cho mình hình thức, nội dung truyền dạy. Ngoài tích cực sưu tầm lời cổ thì việc lựa chọn những bài hát sáng tác lời mới như thế nào cho phù hợp để mang đến hiệu quả lan tỏa cao nhất là điều vô cùng quan trọng. Tôi nhận thấy, một số bài cải biên nhưng tác giả không giữ được nhịp điệu, không giữ được sự trong sáng, dí dỏm của ngôn ngữ. Đối với những bài đó, tôi sẽ không lựa chọn để truyền dạy cũng như dàn dựng biểu diễn. Tôi hy vọng, có thể được tham gia thêm nhiều kỳ liên hoan nữa để lắng nghe, học hỏi, tích lũy… làm giàu cho chính mình, cho các học trò của mình và góp phần làm giàu hơn khúc hát dân ca.
Nghệ nhân Dân gian Nguyễn Hữu Bình (SN 1983, xã An Hòa Thịnh, Hương Sơn): Động lực để nghệ nhân cống hiến
Tham gia phong trào hát dân ca ví, giặm ở địa phương đã lâu nhưng đến tháng 8/2023, tôi mới vinh dự được cùng CLB Dân ca ví, giặm xã Sơn Trường (Hương Sơn) dự thi Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh tổ chức tại thành phố Vinh (Nghệ An). Đó là kết quả của cả quá trình dài bền bỉ cống hiến cho phong trào bảo tồn, phát huy dân ca ví, giặm ở địa phương. Còn nhớ, trước đó, nhìn các nghệ nhân biểu diễn trên sân khấu liên hoan, tôi đã ao ước và đặt mục tiêu mình được tham gia để góp phần lan tỏa đến bạn bè vẻ đẹp trong câu hát quê tôi.
Lần đó, để chuẩn bị cho liên hoan, tôi cùng 30 nghệ nhân, diễn viên múa của CLB Dân ca ví, giặm xã Sơn Trường miệt mài luyện tập 3 tiết mục: Diễn xướng trai Xa Lang, gái làng cau; Dặm tương tư (lời cổ) và Tổ khúc dân ca ví, giặm “Về Hương Sơn”. Niềm háo hức được trình diễn trên sân khấu lớn tràn ngập trong lòng mỗi thành viên. Giây phút đứng trên sân khấu, lòng tôi dâng lên niềm tự hào. Tôi đã thực hiện được ước mơ của mình. Và hơn thế nữa, tôi và đồng đội còn giành một giải A, một giải B tại kỳ liên hoan này.
Sau những thành tích đó, tôi càng có thêm động lực để cống hiến nhiều hơn cho việc bảo tồn, phát huy dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, nhất là trong những ngày Hà Tĩnh náo nức chờ đón kỷ niệm 10 năm di sản này được UNESCO vinh danh. Hiện nay, tôi đang ấp ủ viết thêm một số bài hát mới, dàn dựng một số tiết mục cho chương trình ngoại khóa ở Trường THPT Lý Chính Thắng, nơi tôi dạy học. Ngoài ra, tôi cũng đang tích cực tập luyện cùng các thành viên CLB Dân ca ví, giặm xã Sơn Trường để biểu diễn trong dịp kỷ niệm sắp tới.