Mặc dù đến nay, chưa có công trình khoa học nào xác định được thời điểm ra đời của dân ca ví, giặm, tuy nhiên, theo cuốn “Hát giặm Nghệ Tĩnh” của Giáo sư Nguyễn Đổng Chi, cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, dân ca ví, giặm đã thịnh hành tại nhiều địa phương Nghệ An và Hà Tĩnh. Khác với các thể loại như: ca trù (tính chất nghệ thuật hát trong khán phòng, cung đình), quan họ (gắn với nghi lễ hoặc tổ chức “chơi quan họ” của một nhóm người am tường về luật hát…), hát ví, giặm được khẳng định xuất phát từ trong lao động sản xuất. Không gian diễn xướng của dân ca ví, giặm gắn với không gian lao động của người dân xứ Nghệ theo từng nghề nghiệp, với đặc thù riêng biệt mang tính “thổ sản”, tập quán của địa phương.
Vì vậy, gắn với nghề chài lưới trên sông thì có ví đò đưa; với nghề dệt vải có ví phường vải, như ví phường vải Trường Lưu (Can Lộc); nghề làm nón thì có ví phường nón, như ví phường nón Đan Du (huyện Kỳ Anh); rồi ví phường cấy, phường gặt, phường rèn… Thậm chí, tại các địa phương sống ven chân núi Hồng Lĩnh còn có ví phường củi, phường chè. Xuyên suốt chiều dài của hàng trăm năm lịch sử, mỗi không gian sinh sống của người xứ Nghệ đều gắn liền với ví, giặm. Ví, giặm đi vào đời sống văn hóa tinh thần của người xứ Nghệ nói chung và người dân Hà Tĩnh nói riêng như một “món ăn” nuôi dưỡng cốt cách, tâm hồn, được trao truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác trên quê hương núi Hồng, sông La.
Quê tôi là một xã nằm dưới chân núi Hồng Lĩnh, theo lời kể của các bậc cao niên trong làng, vào những năm 30 của thế kỷ trước, hát ví, giặm rất sôi nổi. Hồi ấy, xã Hồng Lộc (Lộc Hà) quê tôi có tên gọi là Phù Lưu Thượng có chợ Lù - Phù Lưu Thượng là “trung tâm thương mại” buôn bán sầm uất nổi tiếng khắp tỉnh. Hàng hóa, người dân nhiều tổng đổ về giao thương, từ đó hình thành nên nhiều phường ví, đội ví đối đáp với nhau trong lúc lao động hoặc lúc nghỉ ngơi, thư giãn vào những đêm trăng thanh. Ở chợ Lù có nhiều đội ví giỏi, hát hay, đối đáp sâu sắc tinh tế… khiến rất nhiều đội ví, phường ví từ mọi miền đổ về thử tài. Do vậy, hình thành nên “Ví chợ Lù - Phù Lưu Thượng”.
Theo cuốn “Kẻ Lù - Phù Lưu Thượng” của tác giả Bùi Văn Tiện (1920-2008) và Bùi Văn Cường (SN 1931), thời ấy “Người dân đất này (Phù Lưu Thượng) ai cũng thích ví, hát và đa phần biết ví, biết hát. Bất kỳ chỗ nào cũng có thể thành nơi ví, hát: trên đường lên núi hái củi, trên ruộng lúa đang gặt vội, trên sân chợ đêm trăng, bạn hàng đến phiên chợ sáng, bên khung cửi, bên xa kéo sợi, trên đò dọc, hoặc ngay trong nhà trong sân…”. Khách đến chơi nhà đưa cơi trầu ra mời cũng dùng ví mà mời, khách đáp lại cảm ơn cũng bằng ví, có lúc trở thành cuộc ví cả làng đến xem, nghe, cổ vũ. Đến ngay cả đám trẻ con chăn trâu 12,13 tuổi cũng chia phường ra hát ví, có khi khiến người lớn phải giật mình lắng nghe.
Nhiều giai thoại kể về ví, giặm Kẻ Lù - Phù Lưu Thượng được truyền lại trong dân gian cho đến sau này như chuyện bà Yển ở thôn Đông Thịnh, một người phụ nữ nghèo chuyên theo phường củi vừa hái củi vừa hát ví. Bà ví hay, ví say sưa đến mức có hôm theo bạn ví về tới xã Ích Hậu cách nhà mình cả 3 cây số, tan cuộc ví, bà mới gánh củi ngược đường trở về nhà…
Phường ví Kẻ Lù cũng thường đi hát ví khắp các tổng, huyện trong tỉnh qua các nhóm, đội gặt thuê, cấy thuê hay đi giao lưu… Trong đó, nhiều người vẫn nhắc câu chuyện nhóm ví của ông Hồ Các, Bùi Văn Tiện… đi gặt thuê ở một làng gần đò Cài (Đức Thọ). Tức cảnh sinh tình, hát ví với phường gặt của bạn 2-3 ngày liền, ví đến mức 2 bà vợ của anh Cai Đê (1 chức quan ở Đức Thọ) nài kéo ở lại để tiếp tục ví. Cuộc ví của nhóm trai gặt thuê Phù Lưu Thượng với các nhóm bạn khiến người dân khu vực gần đò Cài đến nhà anh Cai Đê xem kín từ ngoài ngõ vào đến sân…
Trong không gian đa dạng của ví, giặm thì ngôn ngữ, nhịp điệu của lời hát ví, hát giặm cũng mang tính đặc trưng của vùng miền người Nghệ Tĩnh. Trong đó, nhịp điệu của ví, giặm có sự đa dạng theo ngôn ngữ sinh hoạt thường ngày, như bài Thần sấm ngã: Khi tôi chưa đánh/thằng Mị (Mỹ). Nghe đồn ngược/đồn xuôi. Thần sấm Mị/ra đời. Bay cho rách nón/rách tơi…” hoặc “Ai biết nước sông Lam. Răng là trong/là đục. Thì biết sống cuộc đời/ Răng là nhục/là vinh”… Cùng với đó, thổ ngữ, tiếng địa phương của người Nghệ - Tĩnh cũng làm nên chất liệu độc đáo của dân ca ví, giặm trong cách hát, cách luyến láy. Ví dụ như: để hát câu ví trên thì người hát phải luyến láy thêm “Chơ người ơi… Ai biết nước sông Lam răng là trong là ơ… đục. Thì biết sống cuộc đời, răng là nhục là ơ... vinh...”. Nhiều từ ngữ địa phương làm nên bản sắc của dân ca ví, giặm như: răng, rứa, chi, mô, tề, mần, nỉ, nỏ, enh, ả, o…
Dân ca ví, giặm còn mang bản sắc “thổ sản” ở chỗ là loại hình văn nghệ dân gian nhưng có sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân. Từ người nông dân không biết chữ đến các sĩ tử, văn nhân… cũng đều có thể tham gia. Bởi vậy, nhiều giai thoại kể lại những câu chuyện như: Đại thi hào Nguyễn Du thuở thanh niên thường cùng nhóm bạn từ Tiên Điền (Nghi Xuân) vượt núi Hồng, qua đò Cài sang Trường Lưu để hát ví, giặm với các o phường vải…
Không gian và thời gian rộng lớn của diễn xướng ví, giặm đã làm nên một “đặc sản”, “thổ sản” của người dân Nghệ - Tĩnh; kiến tạo nên bầu không khí văn hóa lạc quan, yêu chuộng tinh hoa trí tuệ, chiều sâu nội tâm nhưng cũng đầy hào sảng, phóng khoáng trong phong thái không câu nệ cố chấp của tâm hồn con người núi Hồng, sông La. Điều đó thể hiện qua tài năng ứng đối trực tiếp trong mỗi không gian diễn xướng cụ thể. Theo các bậc cao niên ở làng tôi kể lại, ngày xưa có người vì không đối được bạn ví mà xấu hổ, phẫn chí mất ăn, mất ngủ quyết tìm cao minh giải cho được câu đố trong lời ví và tìm câu ví lại để “phục thù”…
Như thế để thấy rằng, dân ca ví, giặm không chỉ tạo ra không gian văn nghệ giải trí đơn thuần của người dân Nghệ Tĩnh mà còn là những cuộc đấu trí căng thẳng. Cuộc đấu trí giúp trí tuệ thăng hoa. Đó cũng là nét tính cách để hình thành nên bản sắc ham học, hiếu học của con người quê hương núi Hồng, sông La, được truyền qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay.
Từ những nét bản sắc “thổ sản” của mình, dân ca ví, giặm dễ trở thành chất liệu để các nhạc sỹ, tác giả sáng tác âm nhạc đưa vào những ca khúc trữ tình quê hương… Nhiều tác phẩm sử dụng âm hưởng ví, giặm trở nên nổi tiếng, được khán, thính giả cả nước yêu thích như: Xa khơi (Nguyễn Tài Tuệ); Khúc tâm tình của người Hà Tĩnh (Nguyễn Văn Tý); Hà Tĩnh mình thương, Neo đậu bến quê, Ca dao em và tôi (An Thuyên); Điệu ví giặm là em (Quốc Nam); Câu đợi câu chờ (Ngọc Thịnh); Núi Hồng sông Lam, Sông La ngày về (Quốc Việt)…
Nhạc sỹ Trần Quốc Dũng (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh) bày tỏ: “Bản chất làn điệu ví, giặm đã có sẵn nhiều giai điệu mang nhiều cung bậc cảm xúc trữ tình của tâm hồn con người nói chung và người xứ Nghệ nói riêng. Cùng với ngôn ngữ, cách thể hiện gắn với không gian diễn xướng mang đặc trưng thổ sản là chất liệu đa dạng và nguồn cảm hứng để các nhạc sỹ trong và ngoài tỉnh yêu thích vận dụng vào sáng tác những ca khúc mang âm hưởng dân gian hiệu quả”.
Ngày nay, khi đời sống xã hội hiện đại với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, thế giới trở nên “phẳng” trong giao thoa, hội nhập thì văn hóa, con người xứ Nghệ vẫn giữ những đặc trưng riêng từ lời ăn, tiếng nói cho đến cách nghĩ, cách làm. Cùng với đó, di sản dân ca ví, giặm, nét văn hóa tinh thần của cư dân xứ Nghệ vẫn được nuôi dưỡng, lan tỏa trong đời sống. Có được điều đó là nhờ những thổ sản độc đáo có trong di sản phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO vinh danh này.