Bộ GD&ĐT ngày 18/10 đã công bố đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, gồm các môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Tin học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ - Công nghiệp, Công nghệ - Nông nghiệp, Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung, Tiếng Đức, Tiếng Nhật, Tiếng Hàn.
Ngay sau khi có đề tham khảo và các hướng dẫn của bộ, Sở GD&ĐT đã có văn bản chỉ đạo các trường thực hiện việc giới thiệu đề thi tham khảo đến tất cả giáo viên và học sinh; tổ chức sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn, phân tích ma trận, cấu trúc đề thi, xây dựng kế hoạch ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 phù hợp với thực tiễn của nhà trường để đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Trên tinh thần chỉ đạo của ngành, các trường học trên địa bàn đã tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc.
Thầy Hoàng Quốc Quyết - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Liễn (Cẩm Xuyên) thông tin: “Qua nghiên cứu kỹ đề thi của bộ, chúng tôi nhận thấy, đề thi tham khảo 2025 đảm bảo đúng quy định về cấu trúc, định dạng, đảm bảo tính phân hóa, đáp ứng định hướng của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với kiến thức chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Đến thời điểm hiện tại, giáo viên các tổ bộ môn đã tập trung nghiên cứu đề thi, áp dụng vào giảng dạy, đồng thời triển khai xây dựng đề tham khảo”.
Tại Trường THPT Nguyễn Trung Thiên (Thạch Hà), việc nghiên cứu đề cũng đang được các tổ chuyên môn, các giáo viên, đặc biệt là giáo viên cốt cán phát huy tinh thần trách nhiệm. Thầy Phan Văn Hòa - giáo viên Ngữ văn cho biết: “Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy, đề Ngữ văn năm nay bám sát ma trận, bám sát chương trình, thể hiện rõ sự đổi mới trong dạy học lẫn kiểm tra, đánh giá. Đề có kiến thức bao quát, ở phần viết, nghị luận văn học có sự giảm sâu về điểm số; phần nghị luận xã hội đòi hỏi học sinh ngoài nhận thức về các vấn đề xã hội cần có kỹ năng viết. Lượng kiến thức vừa phải với thời gian làm bài 120 phút. Yêu cầu của đề đưa ra chủ yếu là rèn luyện năng lực của học sinh, năng lực đọc hiểu văn bản và không sử dụng bất kỳ ngữ liệu của bộ sách nào nên sẽ chấm dứt triệt để tình trạng đoán tác phẩm, đoán đề, học tủ của học sinh”.
Ở môn Địa lý, đề bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, năm nay, thí sinh không sử dụng Atlat địa lý Việt Nam để làm bài; về dạng thức câu hỏi và cách tính điểm cũng có nhiều thay đổi.
Ở môn Lịch sử, nhiều giáo viên cho rằng, đề đòi hỏi năng lực tổng hợp của học sinh khi nội dung các câu hỏi nằm xuyên suốt trong những chủ đề của Lịch sử lớp 11 và lớp 12. Đặc biệt ở phần 2, nội dung nằm hoàn toàn trong chương trình lịch sử 12 nhưng không lấy nguồn tư liệu từ bất kỳ bộ sách giáo khoa nào nên yêu cầu học sinh phải nắm vững các kiến thức cơ bản trong quá trình học. Ngoài ra, thí sinh cần vận dụng tư duy để giải quyết các câu hỏi.
Tại Trường THPT Đồng Lộc (Can Lộc), đến thời điểm hiện tại, ngoài việc nghiên cứu kỹ đề thi, giáo viên các bộ môn cũng đã triển khai đến toàn thể học sinh, đồng thời tiến hành phân tích, giải đáp, chữa đề trong các giờ học. Thầy Trần Xuân Vinh – giáo viên Toán thông tin: “Đề thi tham khảo môn Toán năm nay có sự khác biệt và có lợi hơn cho học sinh. Trước đây, tổng toàn bộ đề có 50 ý, nay chỉ còn 34 ý. Dù vậy, với cách tính điểm, lượng câu hỏi ở phần nhận biết, thông hiểu có sự điều chỉnh, đối với học sinh trung bình, việc giành điểm sẽ khó khăn hơn so với những năm trước”.
Ở môn Vật lý, theo nhận xét của nhiều giáo viên, đề tham khảo năm nay có trên 90% kiến thức lớp 12, nhưng một số câu vẫn sử dụng các kỹ năng được học ở lớp 10, 11 như xử lý số liệu, quy trình tìm hiểu tự nhiên dưới góc độ vật lý. Hình thức câu hỏi trong đề minh họa đa dạng và đổi mới, các câu mức độ hiểu thì những học sinh vững kiến thức có thể suy luận tìm được câu trả lời mà không cần thuộc lòng.
Ở môn Hóa học, đề thi đã có sự chuyển biến rõ nét từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực. Các câu hỏi trong đề tham khảo hầu hết đều gắn với bối cảnh có ý nghĩa thực tế, gần gũi với học sinh.
Ở môn Sinh học, theo đánh giá của các giáo viên, đề tham khảo năm nay hay hơn những năm trước. Các câu hỏi không thuần túy hỏi về lý thuyết mà cần vận dụng kiến thức đã được học vào thực tiễn. Điều đó đặt ra yêu cầu, trong quá trình học, học sinh cần tìm hiểu thêm về các kiến thức xã hội, về cuộc sống xung quanh và rèn luyện kỹ năng phân tích, tổng hợp…
Năm học 2024 - 2025 là năm học đầu tiên Bộ GD&ĐT tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vì vậy, việc nghiên cứu kỹ đề tham khảo, phân tích ma trận, cấu trúc đề thi để thấy được những điểm mới, sự thay đổi so với đề thi theo chương trình cũ nhằm điều chỉnh có ý nghĩa hết sức quan trọng. Từ đó, các đơn vị sẽ chủ động trong xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Từ sự chỉ đạo của ngành, đến nay, các nhà trường đã triển khai nghiêm túc việc tổ chức sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn, phân tích ma trận, cấu trúc đề thi; xây dựng kế hoạch ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 của đơn vị phù hợp tình hình thực tiễn nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Sở GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn các trường tiếp tục phát huy vai trò đội ngũ giáo viên cốt cán trong việc hỗ trợ, tư vấn cho các cơ sở giáo dục thông qua sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn liên trường, sinh hoạt chuyên môn trực tuyến, xây dựng hệ thống ngân hàng, câu hỏi, đề thi để chia sẻ cho các giáo viên tham khảo và sử dụng; giúp học sinh tự kiểm tra, đánh giá về kiến thức, năng lực và rèn luyện kỹ năng làm bài qua các đợt thi thử trực tuyến miễn phí cho học sinh trong thời gian tới.
Thầy Đậu Quang Hồng
Trưởng phòng Giáo dục phổ thông Sở GD&ĐT