Trong 10 năm, Hà Tĩnh huy động gần 935 tỷ đồng kiên cố hóa trường lớp học

(Baohatinh.vn) - Trong giai đoạn 2013 – 2023, Hà Tĩnh đã huy động gần 935 tỷ đồng xã hội hoá, góp phần xây dựng kiên cố hoá 104 trường học, 776 phòng học và 146 nhà công vụ cho giáo viên.

Sáng 25/10, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác xã hội hoá về kiên cố hoá trường, lớp và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013 – 2023; nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới.

Chủ trì hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng.

Cùng dự có nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh.

dt-dsc4349-3500-4756.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, giai đoạn 2013 - 2023, hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên trên toàn quốc đã có những bước phát triển đáng kể nhờ vào sự quan tâm và đầu tư từ Chính phủ, Bộ GD&ĐT cùng sự tham gia mạnh mẽ của các địa phương và các bộ, ngành.

Bên cạnh đó, việc xã hội hoá trong giáo dục đóng vai trò quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc kiên cố hoá trường lớp học và xây dựng nhà công vụ cho giáo viên.

dtnth-9811-1919-5638-4880-2341.jpg
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng báo cáo kết quả công tác xã hội hoá về kiên cố hoá trường, lớp và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013 – 2023. Ảnh: Báo GDTĐ

Công tác kiên cố hoá trường, lớp và nhà công vụ cho giáo viên đã đạt được những kết quả rõ rệt, trong đó xã hội hoá là một trong những yếu tố quan trọng trong việc phát triển bền vững hệ thống giáo dục Việt Nam.

Đến hết năm 2023, cả nước có gần 628.571 phòng học các cấp mầm non, phổ thông công lập (tăng 73.290 phòng học so với năm 2013), trong đó, số phòng học kiên cố 545.375 phòng (đạt tỷ lệ kiên cố hoá là 86,6%, tăng 20,7% so với năm 2013).

Từ 2014 đến nay, do nguồn vốn Trung ương hỗ trợ cho lĩnh vực giáo dục hạn chế nên mới chỉ tập trung ưu tiên cho nhu cầu cấp bách là kiên cố hoá các phòng, lớp học mà chưa tập trung thực hiện việc đầu tư xây dựng nhà công vụ cho giáo viên. Theo số liệu thống kê, hết năm 2023, nhu cầu nhà công vụ của các địa phương vẫn còn 10.794 phòng.

Trong 10 năm, hơn 300 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã hỗ trợ khoảng 33 nghìn tỷ đồng để kiên cố hóa 36.000 phòng học và 1.300 phòng công vụ cho giáo viên trong cả nước.

Tại hội nghị, đại diện một số bộ, ngành, địa phương đã phát biểu nhiều đề xuất, kiến nghị nhằm triển khai nhiệm vụ và giải pháp thực hiện công tác xã hội hoá về kiên cố hoá trường, lớp và nhà công vụ cho giáo viên trong thời gian tới để đạt mục tiêu đề ra.

58-1686-9496-4498.jpg
Công trình Trường Mầm non xã Thạch Lạc (Thạch Hà) do Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II tài trợ

Bộ GD&ĐT đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, toàn quốc sẽ kiên cố hoá 100% số phòng học (khoảng 75.380 phòng học) và đầu tư xây dựng đủ số phòng công vụ cho giáo viên theo nhu cầu (khoảng 10.794 phòng công vụ cho giáo viên).

Để đạt mục tiêu, Bộ GD&ĐT đề ra một số giải pháp trong thời gian tới như: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, đặc biệt là kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên; đẩy mạnh tuyên truyền và thúc đẩy phong trào xã hội hoá; quy hoạch mạng lưới trường, lớp học tại các địa phương là giải pháp trọng tâm để thu hút được đầu tư cho giáo dục từ nguồn XHH, đặc biệt là việc kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên.

Xây dựng cơ sở dữ liệu về nhu cầu đầu tư kiên cố hoá trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên trên cả nước; tăng cường phối hợp giữa địa phương và doanh nghiệp, chính quyền các cấp ở địa phương cần làm việc chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp, cung cấp cơ chế hỗ trợ phù hợp để khuyến khích đầu tư vào giáo dục; khuyến khích mô hình hợp tác công tư (PPP) để tận dụng tối đa nguồn lực từ khu vực tư nhân, đồng thời giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ghi nhận, biểu dương các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân đã có những đóng góp, tài trợ thực hiện kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên trong 10 năm qua.

Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị, Bộ GD&ĐT phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi để khuyến khích tổ chức, cá nhân tiếp tục tham gia vào xã hội giáo dục, đặc biệt là xã hội hoá về kiên cố hoá trường, lớp và nhà công vụ cho giáo viên; Bộ GD&ĐT chỉ đạo thực hiện việc rà soát, sắp xếp mạng lưới trường học để đầu tư, huy động đầu tư xây dựng cơ sở vật chất có trọng tâm, trọng điểm.

UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn. Trong đó chú trọng quy hoạch hệ thống trường, lớp học đáp ứng nhu cầu đô thị hoá và di biến dân số; chủ động huy động nguồn lực xã hội hoá đầu tư cho giáo dục đào tạo, đặc biệt là thu hút nguồn lực đầu tư trường học tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn.

Tăng cường phối hợp giữa địa phương và các đơn vị, doanh nghiệp, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp để khuyến khích các hoạt động đầu tư vào giáo dục; khuyến khích mô hình hợp tác công tư (PPP) để tận dụng tối đa nguồn lực từ khu vực tư nhân, đồng thời giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, cần phải thiết lập cơ chế giám sát chặt chẽ việc huy động và sử dụng nguồn lực xã hội hóa, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả…

Tại hội nghị, Bộ GD&ĐT đã tổ chức vinh danh, biểu dương các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác xã hội hóa thực hiện kiên cố hóa trường, lớp học; đồng thời tiếp nhận các nguồn tài trợ từ các đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ cho công tác kiên cố hóa trường, lớp học và xây dựng nhà công vụ cho giáo viên trong thời gian tới.

nth-0353-731-8363-7389-5498.jpg
Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023. Ảnh: Báo GDTĐ

Năm 2023, Hà Tĩnh có gần 11.812 phòng học các cấp: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; trong đó số phòng học kiên cố khoảng 11.002 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố 93,14% (các cấp học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, trung học phổ thông có tỷ lệ kiên cố hoá lần lượt là 94,07%, 96,81%, 98,52% và 97,93%); toàn tỉnh có 364 nhà công vụ cho giáo viên.

Trong giai đoạn 2013 – 2023, Hà Tĩnh đã huy động gần 935 tỷ đồng xã hội hoá, góp phần xây dựng kiên cố hoá 104 trường học, 776 phòng học và 146 nhà công vụ cho giáo viên.

Chủ đề Đổi mới giáo dục

Đọc thêm

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Diễn đàn “Điều em muốn nói” được các trường học ở Hà Tĩnh tổ chức góp phần mở “cánh cửa” tâm hồn của học sinh, giúp người lớn thấu hiểu, đồng hành với các em trên hành trình trưởng thành.
Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Tròn 24 năm làm Tổng phụ trách Đội, thầy Lê Khải Chương - Trường Tiểu học Sơn Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) vẫn tràn đầy đam mê với nghề và luôn thương yêu, tận tâm với học trò.