Thời gian qua, việc quản lý sử dụng điện thoại di động trong nhà trường theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT và Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 của Bộ GD&ĐT đã được một số đơn vị, trường học trên địa bàn Hà Tĩnh chủ động triển khai thực hiện.
Các mô hình đã nhận được sự phản hồi tích cực của dư luận, phụ huynh, học sinh, giáo viên. Với quyết tâm lan tỏa, tạo sự bền vững của phong trào lớp học không điện thoại, ngành GD&ĐT Hà Tĩnh cũng đã có văn bản chỉ đạo thực hiện.
Thầy Phan Thanh Toàn – Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Trạch (Hương Khê) thông tin: “Ngay khi có công văn hướng dẫn của ngành, chúng tôi đã quán triệt, triển khai sâu rộng trong phụ huynh, học sinh. Học sinh ở nhiều lớp đã tự viết tên vào danh sách cam kết không đưa điện thoại đến trường học. Việc liên hệ giữa phụ huynh với học sinh được thực hiện thông qua số điện thoại của các thầy cô giáo trong nhà trường”.
Đến nay hơn 700 học sinh ở 17 lớp của Trường THPT Phúc Trạch đã thực hiện nghiêm túc nội dung cam kết. Điều dễ nhận thấy là học sinh đã tích cực hơn trong việc tham gia các hoạt động tập thể, tăng cường tương tác với bạn bè, môi trường học tập ngày càng trở nên thân thiện. Ngoài những trò chơi do các nhóm lớp thực hiện, trường cũng đã bố trí mỗi tuần có 4 ngày tổ chức thể dục giữa giờ cho học sinh toàn trường và sắp tới sẽ triển khai việc phát sách báo về tận lớp trong các giờ giải lao.
Việc triển khai chỉ đạo của ngành cũng đã được Trường THPT Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) lồng ghép trong cuộc họp phụ huynh đầu năm để tuyên truyền, phổ biến nội dung này. Từ sự đồng thuận, ủng hộ nhiệt tình của các bậc cha mẹ, thầy cô giáo và học sinh toàn trường, đến nay gần 1.500 học sinh ở 41 lớp đã thực hiện nghiêm túc quy định không đưa điện thoại đến trường.
Thầy Phạm Viết Lập – Bí thư Đoàn Trường THPT Cẩm Bình chia sẻ: “Để kết nối thông tin liên lạc, các lớp chỉ cho phép 1 học sinh là bí thư hoặc lớp trưởng sử dụng điện thoại ngoài giờ học để liên lạc với các phụ huynh khi cần thiết, hoặc kịp thời tiếp nhận, phổ biến các chủ trương của trường cho các bạn trong lớp. Việc học sinh được phép sử dụng điện thoại di động trong lớp để hỗ trợ hoạt động giáo dục sẽ do nhà trường quyết định”.
Tại trường THPT Kỳ Anh (thị xã Kỳ Anh), từ lúc triển khai văn bản của ngành về việc quản lý sử dụng điện thoại trong nhà trường, học sinh các lớp đã tự nguyện ký cam kết thực hiện nghiêm túc. Trường hợp vi phạm, nhà trường sẽ phối hợp với phụ huynh để kịp thời có biện pháp xử lý, nhắc nhở, giáo dục các em. Không khí, môi trường học tập, vui chơi trong các lớp học đã có sự chuyển biến rõ nét.
Em Nguyễn Bảo Anh, lớp 12A2, Trường THPT Kỳ Anh cho biết: “Việc không sử dụng điện thoại ở trường giúp chúng em không bị phân tâm nên sẽ tăng cường sự tập trung vào bài giảng, cải thiện hiệu suất học tập. Khi không có điện thoại, chúng em cũng giao tiếp với nhau nhiều hơn, tạo ra sự kết nối trong lớp học”.
Sau gần 1 tháng triển khai, đến nay, phong trào nói không với việc học sinh sử dụng điện thoại ở trường đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của toàn thể cán bộ, giáo viên, sự ủng hộ của các bậc phụ huynh.
Chị Nguyễn Thị Huyền, phụ huynh ở thành phố Hà Tĩnh chia sẻ: “Chúng tôi rất đồng tình và ủng hộ chủ trương này. Phụ huynh cũng sẽ đồng hành trong việc nhắc nhở các con thực hiện nghiêm túc quy định đề ra. Mong rằng các con sẽ hình thành được thói quen, sự tự giác để có những giờ phút thư giãn đầy ý nghĩa cùng với các bạn sau những giờ học căng thẳng”.
Đến thời điểm hiện tại, tất cả các trường học trên địa bàn toàn tỉnh đã tiến hành phổ biến, quán triệt tinh thần văn bản chỉ đạo của sở GD&ĐT. Mỗi đơn vị linh hoạt một cách làm riêng nhưng tất cả đều chung một mục đích, lan tỏa phong trào lớp học không điện thoại để góp phần xây dựng một môi trường học tập hiệu quả, thân thiện, lành mạnh.
Rõ ràng, phong trào lớp học không điện thoại đã cho thấy hiệu quả tức thì. Quyết tâm triển khai phong trào một cách hiệu quả, bền vững, ngành chỉ đạo các trường học tiếp tục tuyên truyền phổ biến, quán triệt đến cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh; cập nhật, bổ sung vấn đề này vào nội quy nhà trường; tăng cường mua sắm các trang thiết bị, sách dùng chung, bổ sung các điều kiện để cho học sinh được vui chơi, vận động trên sân trường trong giờ nghỉ giải lao.
Cùng với việc phát huy vai trò tự quản của các tổ chức đoàn thể trong trường học, sự đồng hành của phụ huynh, các trường cần bố trí đầu mối để học sinh liên lạc với gia đình khi cần thiết và đảm bảo an toàn về tài sản riêng của các em.