Dự Luật Nhà giáo mới nhất: Bỏ đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bỏ đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo tại dự thảo Luật Nhà giáo mới nhất.

Trong ảnh: cô trò Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Trong ảnh: cô trò Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Theo chương trình kỳ họp thứ 8, dự kiến ngày 9-11 Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật Nhà giáo.

Chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ thảo luận tổ về dự luật này. Việc thảo luận tại hội trường theo chương trình, dự kiến tiến hành vào đợt 2 của kỳ họp (sáng 20-11).

Tại dự thảo luật mới nhất, cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã bỏ đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục (cơ quan thẩm tra) xác nhận tại hồ sơ dự thảo mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo trình đã bỏ đề xuất này.

Việc bỏ đề xuất phù hợp và thể hiện sự lắng nghe các ý kiến của cơ quan soạn thảo.

Trước đó, tại dự thảo luật trình phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan soạn thảo đã đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ với nhà giáo. Trong đó có đề xuất miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian công tác.

Đề xuất sau đó đã nhận nhiều ý kiến trái chiều của dư luận xã hội, trong đó đa phần ý kiến cho rằng đề xuất như vậy chưa hợp lý, có thể tạo sự bất bình đẳng trong môi trường giáo dục.

Trong dự thảo Luật Nhà giáo mới nhất đề xuất quy định các chính sách hỗ trợ nhà giáo gồm:

Chế độ trợ cấp theo tính chất công việc, theo vùng.

Chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng.

Chăm sóc sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp.

Phụ cấp lưu động đối với nhà giáo làm công tác xóa mù chữ hoặc phổ cập giáo dục hoặc biệt phái hoặc dạy tăng cường hoặc dạy liên trường hoặc phải di chuyển để dạy ở các điểm trường tại các thôn, bản, phum, sóc.

Các chính sách hỗ trợ khác cho nhà giáo.

Ngoài các chính sách chung này, nhà giáo công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt, dạy giáo dục hòa nhập; dạy tiếng dân tộc thiểu số; dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số; nhà giáo dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật còn được hưởng một số hỗ trợ sau:

Bảo đảm chỗ ở tập thể hoặc được thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật Nhà ở và các điều kiện thiết yếu khi đến công tác tại vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Thanh toán tiền tàu xe trong thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn khi nghỉ hằng năm, nghỉ ngày lễ, Tết, nghỉ việc riêng về thăm gia đình theo quy định. Chế độ phụ cấp, trợ cấp tùy theo đối tượng.

Ngoài ra, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập được hưởng các chính sách hỗ trợ đối với viên chức và các chính sách hỗ trợ khác nếu có.

Bên cạnh đó, khuyến khích địa phương, cơ sở giáo dục có các chính sách hỗ trợ để nhà giáo bảo đảm cuộc sống, phát triển nghề nghiệp phù hợp với điều kiện thực tiễn và nguồn tài chính hợp pháp của địa phương, cơ sở giáo dục.

tuoitre.vn

Đọc thêm

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Diễn đàn “Điều em muốn nói” được các trường học ở Hà Tĩnh tổ chức góp phần mở “cánh cửa” tâm hồn của học sinh, giúp người lớn thấu hiểu, đồng hành với các em trên hành trình trưởng thành.
Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Tròn 24 năm làm Tổng phụ trách Đội, thầy Lê Khải Chương - Trường Tiểu học Sơn Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) vẫn tràn đầy đam mê với nghề và luôn thương yêu, tận tâm với học trò.
Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng bày tỏ sự tri ân sâu sắc trước những đóng góp, cống hiến của các Nhà giáo Nhân dân đối với sự nghiệp trồng người cũng như phát triển KT-XH tỉnh nhà.