Quy định mới về dạy thêm, học thêm: Phụ huynh băn khoăn, học sinh lo lắng!

(Baohatinh.vn) - Từ ngày 14/2, thông tư mới quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực. Vấn đề này khiến nhiều phụ huynh, học sinh và cả giáo viên băn khoăn, lo lắng.

Ngày 30/12/2024, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm, có hiệu lực từ ngày 14/2/2025.

Theo nội dung thông tư quy định, chỉ dạy thêm 3 đối tượng gồm: học sinh yếu kém; học sinh giỏi; học sinh ôn thi cuối cấp và không thu phí. Ngoài ra, giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với những em mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công giảng dạy trên lớp.

bqbht_br_13.jpg
Giờ học của giáo viên, học sinh lớp 12 Trường THPT Thành Sen (TP Hà Tĩnh).

Việc thực hiện thông tư ngay trong học kỳ II của năm học đã khiến nhiều giáo viên, học sinh và cả phụ huynh băn khoăn, lo lắng, nhất là khi Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 và kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đang đến gần.

Thầy Đoàn Minh Điền – Hiệu trưởng Trường THPT Thành Sen (TP Hà Tĩnh) bày tỏ sự băn khoăn: “Chỉ còn mấy tháng nữa, học sinh lớp 12 sẽ bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 - kỳ thi đầu tiên thực hiện theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Việc bồi dưỡng cho học sinh cuối cấp nhưng không được thu tiền sẽ rất khó thực hiện, điều đó ảnh hưởng lớn đến chất lượng học tập của các em. Trong khi, các trung tâm chưa đủ để đáp ứng nhu cầu học tập của đông đảo học sinh. Ngoài ra, việc thành lập mới các trung tâm cũng cần có thời gian đảm bảo các yêu cầu về con người, cơ sở vật chất... để được cấp phép. Đó là chưa kể đến giá cả các buổi học, việc quản lý chất lượng…”.

bqbht_br_11.jpg
Học sinh lớp 9 Trường THCS Phan Huy Chú (Thạch Hà) tranh thủ tiếp thu kiến thức trên lớp.

Trên thực tế, từ trước đến nay, để củng cố chất lượng đại trà, nâng cao chất lượng mũi nhọn, hầu hết các trường học trên địa bàn đều tổ chức dạy thêm, học thêm cho học sinh theo nhu cầu và tinh thần tự nguyện của phụ huynh, học sinh. Mức thu học phí trung bình từ 20.000 đồng/buổi. Trong khi ở các trung tâm, mỗi ca học ít nhất có mức thu từ 50.000 đồng trở lên. Với chi phí này, nhiều gia đình sẽ không có điều kiện để cho con theo học.

Ngoài vấn đề kinh phí, việc dừng dạy thêm, học thêm có thu phí ở các nhà trường cũng sẽ dẫn đến nhiều khó khăn, nhất là đối với học sinh ở những trường xa trung tâm.

Chia sẻ về điều này, nhiều cán bộ, giáo viên Trường THPT Can Lộc cho biết: Trường nằm ở vùng xa trung tâm, đời sống của học sinh còn nhiều khó khăn nên các em không có điều kiện học thêm ở ngoài mà hầu hết đều đăng ký học thêm ở trường. Nhà trường cũng đã có chính sách miễn giảm tiền học thêm, tạo điều kiện cho những em có hoàn cảnh khó khăn được học tập. Chính vì thế, việc áp dụng dừng dạy thêm có thu phí trong nhà trường giai đoạn này sẽ rất thiệt thòi cho các em trong quá trình ôn tập, tích lũy kiến thức, chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp.

bqbht_br_14.jpg
Ở những vùng khó khăn, xa trung tâm như Trường THPT Can Lộc, việc bỏ dạy thêm trong nhà trường sẽ rất thiệt thòi cho học sinh.

Tiếp nhận thông tin về thông tư, nhiều ý kiến cho rằng, quy định về việc bỏ dạy thêm, học thêm có thu phí là đúng và cần thiết nhằm góp phần hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, gây áp lực cho phụ huynh, học sinh. Tuy nhiên, sự ra đời của thông tư trong giai đoạn hiện nay là chưa phù hợp, bởi nhu cầu học thêm của học sinh, đặc biệt ở những lớp cuối cấp rất lớn.

Em Nguyễn Thị Yến, học sinh lớp 12A3, Trường THPT Can Lộc cho biết: “Em và các bạn cùng lớp rất lo lắng trước thông tin này. Bởi nếu không học thêm, chúng em sẽ khó hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp và thực hiện nguyện vọng xét tuyển vào trường đại học như mong muốn. Trong khi đó, học thêm ở trường chi phí rẻ hơn, các thầy cô giáo giảng dạy là những người có năng lực, có chuyên môn, kinh nghiệm trong việc dạy học, ôn tập kiến thức cho học sinh nên chúng em rất tin tưởng”.

Việc Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT có hiệu lực từ học kỳ II cũng khiến nhiều giáo viên cảm thấy đột ngột, bởi từ đầu năm học nhà trường đã xây dựng kế hoạch về giáo dục, trong đó có kế hoạch dạy thêm, học thêm.

bqbht_br_12.jpg
Nhà trường, các tổ bộ môn phải xây dựng lại kế hoạch dạy học, ôn tập cho học sinh.

Cô Lê Thị Cẩm Lệ - giáo viên tiếng Anh, Trường THCS Phan Huy Chú (Thạch Hà) cho biết: "Nếu thông tư có hiệu lực vào đầu hoặc cuối năm học, chúng tôi sẽ chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch giảng dạy. Thế nhưng, hiện tại, nhà trường, các tổ bộ môn và mỗi giáo viên đều phải xây dựng lại kế hoạch dạy học, ôn tập để có thời gian rèn luyện các kỹ năng và nâng cao kiến thức, giúp học sinh tiếp cận với việc ôn thi cuối cấp”.

Lâu nay, dạy thêm, học thêm là yếu tố quan trọng giúp các nhà trường củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục. Giáo viên cũng có thêm thu nhập bằng chính năng lực của mình. Và một thực tế, khi các kỳ thi vẫn còn nhiều áp lực thì việc học thêm là nhu cầu tất yếu, là nguyện vọng chính đáng của phụ huynh, học sinh. Vì thế, việc thực hiện thông tư cũng cần xem xét thời điểm phù hợp.

Đọc thêm

Học sinh Trí Đức rộn ràng chào xuân mới 2025

Học sinh Trí Đức rộn ràng chào xuân mới 2025

Các hoạt động chào xuân là dịp để các bạn nhỏ Trường Mầm non Trí Đức (TP Hà Tĩnh) được vui chơi, hiểu thêm về những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Muôn sắc màu tại Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025

Muôn sắc màu tại Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025

Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025 trưng bày nhiều ấn phẩm báo chí, phản ánh sự sáng tạo và đổi mới trong công tác tuyên truyền của báo chí Hà Tĩnh và cả nước trong kỷ nguyên số.