Bà Cheryl Boone Isaacs. (Nguồn: Getty Images)
Trong một thông báo chính thức ngày 12/5, Chủ tịch viện trên - bà Cheryl Boone Isaacs - cho biết bà sẽ không tái tranh cử vào hội đồng quản trị Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ.
Bà Boone Isaacs là Chủ tịch người Mỹ gốc Phi đầu tiên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ. Bà đã có 24 năm là thành viên của hội đồng quản trị, trong đó có bốn năm làm chủ tịch. Theo quy định của Viện Hàn lâm, bà cũng không đủ điều kiện để tái tranh cử chức chủ tịch.
“Thật là vinh dự lớn cho tôi khi được phục vụ trong hội đồng quản trị Viện Hàn lâm ở nhiều vị trí suốt hơn hai thập kỷ qua. Sẽ là đặc ân khi được trao cơ hội cho một tiếng nói mới trong hội đồng," bà Isaacs cho biết.
Bà Boone Isaacs không cho biết lý do quyết định rời khỏi hội đồng, nhưng Viện Hàn lâm đã chịu nhiều chỉ trích suốt ba năm qua vì có quá ít người da màu trong đội ngũ của mình, dẫn tới phong trào phản đối mang tên "OscarsSoWhite" (Oscar quá trắng).
Gần đây, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ đã có nhiều cải tổ, trong đó có việc cam kết tăng gấp đôi số thành viên là phụ nữ và người thiểu số vào năm 2020 và tước quyền bỏ phiếu của một số thành viên già cả, không hoạt động.
Ban tổ chức sự kiện Oscar cũng phải đưa ra quy định mới về các tác phẩm điện ảnh dự tranh giải thưởng danh giá thường niên này, sau khi có nhiều tranh cãi liên quan tới giải thưởng Oscar 2017 trao cho bộ phim tài liệu nhiều phần “O.J.: Made in America” của cặp đôi đạo diễn Ezra Edelman và Caroline Waterlow. Kể từ năm 2018, những bộ phim tài liệu nhiều phần, cũng như các bộ phim tài liệu lên sóng truyền hình hay ra đĩa DVD trước khi phát đầy đủ ở các rạp sẽ không đủ điều kiện tranh giải Oscar cho Phim tài liệu xuất sắc nhất.
Phim "O.J.: Made in America" dài 467 phút kể về cuộc đời cầu thủ bóng bầu dục da màu người Mỹ O. J. Simpson. Đây là một bộ phim tài liệu về chủng tộc, giai cấp và giới tính tại Mỹ. "O.J: Made in America" mang đến một góc nhìn sâu sắc mà độc đáo cho khán giả, tuy nhiên với độ dài lên tới gần 8 tiếng và được phát sóng trên hai kênh ABC và ESPN, bộ phim đã khiến nhiều người phản đối vì không đúng "chuẩn mực Oscar."
Ngoài ra, các quy định mới khác còn bao gồm lệnh cấm các thành viên Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ tham dự bất kỳ buổi tiệc nào của đoàn làm phim có tác phẩm dự tranh giải Oscar, trừ khi đó là suất chiếu giới thiệu. Viện trên cho biết quy định mới này nhằm ngăn chặn những nỗ lực "vận động hành lang" quá mức của các đoàn làm phim.
Việc bỏ phiếu cho hạng mục Phim hoạt hình xuất sắc nhất cũng được mở rộng tới tất cả các thành viên Viện hàn lâm tham gia bỏ phiếu thay vì một nhóm nhỏ như hiện nay.
Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ cũng đã công bố điều chỉnh nhân sự tại các lễ trao giải trực tiếp, sau sự cố trao nhầm giải vừa qua. Sai lầm chưa từng có dẫn tới việc "
La La Land "được tuyên bố là "Phim hay nhất" tại Oscar 2017, các nhà sản xuất của bộ phim tiến lên khấu nhận giải và phát biểu cảm tưởng, giữa lúc có thông báo đính chính từ Ban tổ chức rằng "Moonlight" mới là tác phẩm điện ảnh chiến thắng thực sự.
Để tránh các sai sót tương tự có thể xảy ra, kể từ lễ trao giải Oscar 2018, một kiểm toán viên thứ 3 sẽ được thêm vào đội ngũ nhân viên của hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) - đơn vị chịu trách nhiệm kiểm phiếu bình chọn giải Oscar trong suốt 83 năm qua, đồng thời việc đăng bài, tải ảnh hậu trường lên mạng xã hội sẽ bị cấm hoàn toàn.
Tất cả kiểm toán viên sẽ phải bàn giao điện thoại và các thiết bị điện tử khác trước khi làm nhiệm vụ tại lễ trao giải Oscar.
Ngoài ra, một số biện pháp mới khác cũng được áp dụng bao gồm kiểm tra phong bì của người chiến thắng một cách chặt chẽ cũng như tiến hành tập dượt kỹ càng hơn nữa với các kiểm toán viên trước lễ trao giải./.