Nước Anh - Vẫn chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm“!

Thời hạn chót để Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit - ngày 29-3, đang cận kề. Dù đã làm đủ mọi cách, đẩy lùi cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Anh đáng lẽ diễn ra vào ngày 12-12-2018 vừa qua, thuyết phục các nhà lãnh đạo EU, thậm chí cả các nghị sĩ tại Hạ viện để hạn chế mức độ phản đối khi đem ra bỏ phiếu, song điều tốt lành dường như vẫn chưa xảy ra với Thủ tướng Theresa May.

Chính phủ Anh vẫn không thể đạt được một thỏa hiệp, bà May thừa nhận rằng họ hoàn toàn có khả năng thất bại trong “cuộc bỏ phiếu” mà nếu không tiếp tục bị trì hoãn, dự kiến sẽ diễn ra ngày 15-1 tới.

Cho đến lúc này cụm từ “rối ren toàn tập” đã bắt đầu được nhắc đến. Bởi lẽ có thể cụm từ này mới đủ để diễn tả tình hình chính trị hiện nay của nước Anh. Gần như tất cả các bản tin trên phương tiện truyền thông của Anh về tiến trình Brexit đều sử dụng thuật ngữ này để miêu tả một tình huống hoàn toàn hỗn loạn có thể xảy ra.

Bằng việc tìm cách tuyên bố một quan điểm trung dung trong hoạt động chính trị của Anh với một chiến lược cân bằng thận trọng nhằm rời khỏi EU, bà May cuối cùng đã khiến mọi người thất vọng. Thỏa thuận của bà tìm cách đạt được một Brexit mà duy trì mối quan hệ với EU đủ gần để tránh thiệt hại kinh tế quá lớn. Chiến lược đó được đưa ra với cái giá là nhượng lại cho EU sức mạnh đáng kể trong tương lai đối với việc hoạch định chính sách kinh tế của Anh.

Những người ủng hộ rời khỏi EU cho rằng bà phản bội và than thở rằng kế hoạch này không lấy lại được quyền kiểm soát biên giới, luật pháp và tiền bạc. Những người ủng hộ ở lại EU chỉ ra rằng Brexit của bà chỉ trên danh nghĩa, thua kém xa so với tư cách thành viên hiện tại của Anh, điều mang lại cho nước này cả một ghế trên bàn đàm phán lẫn những lựa chọn hoạt động độc lập, nhất là không tham gia Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Khu vực tự do đi lại giữa các nước thành viên EU (Schengen).

Vấn đề lúc này của bà Theresa May là không ai muốn thỏa thuận mà bà đạt được với EU sau suốt 18 tháng đàm phán. Nội các của bà bị chia thành 3 phe: những người muốn có một cuộc trưng cầu ý dân mới để thoát khỏi tình trạng bế tắc này; những người muốn đàm phán lại với Brussels và những người hài lòng với kịch bản “không có thỏa thuận”. Không có đa số trong Hạ viện tán thành bất kỳ cách thực tế nào.

Cuộc bỏ phiếu có ý nghĩa trong Quốc hội, chính vì thế đã bị hoãn lại vì thỏa thuận của bà May chắc chắn đối mặt với thất bại. Trong khi đó, do viện dẫn Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, với hơn 80% nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ, kịch bản mặc định hiện nay đối với Anh là rời khỏi EU vào ngày 29-3, có hoặc không có thỏa thuận.

Nước Anh - Vẫn chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm“!

Thủ tướng Anh Theresa May trong cuộc gặp gần nhất với các lãnh đạo EU.

Sẽ cần phải có điều gì đó khá phi thường xảy ra mới ngăn chặn được tiến trình này. Tất cả các kịch bản - thỏa thuận của bà May có thể được đa số ủng hộ trong Quốc hội, việc Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận, việc EU mở rộng tiến trình này được nêu trong Điều 50 để tiếp tục quá trình đàm phán và phê chuẩn Brexit, hoặc Anh tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai - đều không thực tế tại thời điểm này. Và một trong số tình huống đó sẽ xảy ra.

Trong lúc Chính phủ Anh đang rơi vào tình trạng tê liệt, các doanh nghiệp và các ngành dịch vụ của chính phủ đang bắt đầu tự chuẩn bị cho tình huống ngày càng có khả năng xảy ra - một kịch bản “không có thỏa thuận” nào được ký kết. Hàng nghìn sĩ quan ở Anh và Scotland đang được huấn luyện thêm về các hoạt động đảm bảo trật tự công cộng (chẳng hạn như ở các cuộc bạo loạn) để có thể triển khai tới Bắc Ireland, trong trường hợp Brexit không thỏa thuận.

Điều thêm quân tiếp viện là yếu tố cần thiết bởi Bắc Ireland từng là khu vực hỗn loạn nhất của Vương quốc Anh, cũng là khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp nhất nếu một Brexit không thỏa thuận diễn ra. Lý do là bởi nơi đây là phần duy nhất của Vương quốc Anh có chung đường biên giới trên đất liền với một quốc gia EU khác (Cộng hòa Ireland).

Khu vực này cũng là trung tâm của sự chia rẽ suốt nhiều thế kỷ qua giữa các cộng đồng, điển hình là giữa những người thuộc Công giáo theo chủ nghĩa dân tộc mong muốn sáp nhập Bắc Ireland với Cộng hòa Ireland thành một quốc gia thống nhất và những người theo đạo Tin lành muốn Bắc Ireland duy trì tư cách là một phần của Vương quốc Anh.

Trong suốt thế kỷ 20, căng thẳng này đã dẫn đến giai đoạn hỗn loạn, ám chỉ cuộc xung đột kéo dài 30 năm khiến 4.000 người thiệt mạng và 50.000 người bị thương. Mặc dù quy mô cuộc bạo lực đã giảm bớt kể từ khi hai bên ký kết Thỏa thuận “Ngày Thứ sáu tốt lành” năm 1998, song những căng thẳng vẫn còn âm ỉ. Các mối đe dọa từ đánh bom và bạo loạn vẫn xuất hiện khá thường xuyên.

Một Brexit không thỏa thuận có thể “châm ngòi” cho cuộc xung đột trở lại. Một phần quan trọng trong “Thỏa thuận Ngày Thứ sáu” tốt lành chính là giữ cho biên giới giữa Bắc Ireland và CH Ireland luôn mở. Kịch bản không có thỏa thuận nào được ký kết sẽ tái lập đường biên giới “cứng” này. Một động thái như vậy có thể được coi là một “cái tát” đối với cộng đồng Công giáo Bắc Ireland và dẫn tới sự hồi sinh của hoạt động bán quân sự, đặc biệt lưu ý rằng người Bắc Ireland đã bỏ phiếu áp đảo để Anh ở lại EU.

Điều phức tạp hơn nữa là đảng Dân chủ Hợp nhất Bắc Ireland (DUP) cực hữu đã gắn kết với phe Tin lành - phe rất cứng rắn ủng hộ một “đường biên giới cứng”. Dù DUP hiện đang chống đỡ cho thế đa số mỏng manh của Thủ tướng May trong Quốc hội, song đảng này cũng từ chối ủng hộ thỏa thuận Brexit của May kể từ khi thỏa hiệp về đường biên giới mà May đề ra mang lại quá nhiều thuận lợi cho phía EU và những người theo chủ nghĩa dân tộc.

Kết quả cuối cùng, giống như tất cả những điều liên quan đến Brexit, là một vấn đề gây đau đầu nghiêm trọng mà không có giải pháp rõ ràng. Trong khi các chính trị gia ở Westminster vẫn tiếp tục tranh cãi thì thời hạn cuối cùng vào tháng 3 cũng sắp cận kề.

Theo An ninh Thế giới

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.