Chị Dương Thị Hiền không biết bắt đầu từ đâu để ổn định lại cuộc sống gia đình sau lũ.
Trở về nhà sau khi nước rút, chị Dương Thị Hiền không biết bắt đầu từ đâu để dọn dẹp lại ngôi nhà của mình. Ngôi nhà vốn đã xuống cấp lại chìm ngập trong nước lũ dài ngày, nay đã bị xô nghiêng, vách đất rệu rã, rơi rụng từng mảng lớn; nền nhà sụt lún; mọi thứ trong nhà tan hoang.
Tài sản có giá trị nhất trong căn nhà này là chiếc sập đựng lúa cũ kỹ, cũng chính là bàn thờ tổ tiên, cha mẹ nay cũng bị xiêu vẹo, nghiêng ngả.
Vách đất rệu rã, rơi rụng từng mảng.
Chia sẻ trước hoàn cảnh hiện tại của các chị, bà con hàng xóm thay nhau đến để giúp chị Hiền sắp xếp lại đồ đạc, khiêng gạch kê lại chiếc sập để có chỗ thờ tự tươm tất hơn.
Anh Đinh Văn Hùng, nhà ở kề bên cho biết: “Giúp dọn dẹp lại cho đỡ tội nghiệp và cũng để gia đình yên tâm thôi chứ nhà này không thể ở được nữa, vì nó có thể đổ sụp bất cứ lúc nào".
Bà con hàng xóm giúp gia đình chị Hiền dọn dẹp lại nhà cửa.
Anh Hùng cũng chia sẻ, xóm làng thương 3 mẹ con gì cháu, việc gì giúp được đều cố gắng hỗ trợ từ nguồn nước sinh hoạt đến cơm gạo, thức ăn hoặc chỗ ngủ qua đêm, nhưng việc lớn nhất là ngôi nhà kiên cố thì bà con không đủ sức giúp.
Chị Dương Thị Hiên (1968) và Dương Thị Hiền (1975) sinh ra trong gia đình nghèo, có 3 chị em gái. Nhà chỉ có người chị cả là bình thường, còn hai chị Hiên và Hiền từ nhỏ đã không được nhanh nhẹn, khỏe mạnh như những đứa trẻ khác. Đặc biệt, chị Hiên vừa bị bệnh tim vừa mang bệnh tâm thần, thường xuyên lên cơn, đi viện nhiều hơn ở nhà.
Chị Hiền (bên phải) và chị Hiên (bên trái) nương tựa vào nhau trong ngôi nhà từ đời cha mẹ để lại
Số phận không may mắn, cả hai chị em sống cùng cha mẹ, khi ông bà mất đi lại lặng lẽ nương tựa vào nhau trong ngôi nhà từ đời cha mẹ để lại. Khi đau ốm thì dựa vào người chị cả lấy chồng ở cùng làng (người chị làm nghề bán cá ở chợ, chồng mất, một mình nuôi con); ngày mưa bão lại nhờ vào bà con làng xóm.
Khát khao có một đứa con để làm chỗ dựa cho hai người phụ nữ thiệt thòi khi tuổi xế chiều, chị Hiền sinh được 1 đứa con trai, cháu Dương Vũ Long, hiện đang học lớp 10.
Góc học tập của em Long (con chị Hiền) được ưu tiên sắp xếp trước hết.
Số tiền trợ cấp cho người khuyết tật của chị Hiên và hỗ trợ mẹ đơn thân nuôi con của chị Hiền (hơn 600 ngàn đồng/tháng) cùng với 1 sào ruộng cha mẹ để lại dẫu eo hẹp nhưng gia đình nhỏ vẫn cố gắng go ghép cuộc sống. Tuy nhiên, điều lo lắng đã kéo dài nhiều năm không chỉ gia đình mà của cả xóm làng, ban cán sự thôn, đó là ngôi nhà cũ nát.
Ông Dương Kim Dũng - Trưởng thôn Sâm Lộc cho biết, nhiều lần xã, xóm đặt vấn đề hỗ trợ gia đình làm nhà từ các nguồn của Nhà nước hoặc xã hội hóa, nhưng số tiền đó cũng chỉ được vài chục triệu, trong khi gia đình lại không tự lo được phần tiền đối ứng. Vì vậy, chẳng còn cách nào khác là khi cần xóm lại huy động lực lượng đến sửa chữa chắp vá tạm thời, ngày mưa lũ khẩn trương đến di dời cả gia đình đến nơi an toàn.
Lãnh đạo thôn Sâm Lộc thường xuyên quan tâm đến gia đình 2 người phụ nữ đơn thân.
Sau cơn lũ, nhiều phần quà lương thực, thực phẩm đã đến với gia đình hai người phụ nữ đơn thân, nhưng điều họ cần nhất lúc này là một ngôi nhà nhỏ kiên cố. Trí tuệ, sức khỏe khiến họ không dám nghĩ, không dám ước mơ, cũng không biết cách nói nên điều mình ấp ủ, mong muốn.
Thay họ nói lời mong ước, bác Trưởng thôn cùng những người hàng xóm gửi gắm: “Nếu như có cộng đồng chung sức hỗ trợ, xóm chúng tôi chắc chắn sẽ góp thêm người một ít, rồi huy động ngày công để giúp những con người chịu nhiều thiệt thòi này có được ngôi nhà kiên cố”.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về Dương Thị Hiền, thôn Sâm Lộc, xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh; SĐT: 0977435157 (chị Dương Thị Hải - chị gái của chị Hiền); hoặc Báo Hà Tĩnh, số 223 Nguyễn Huy Tự, phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh; số tài khoản: 0201000445566, tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) - Chi nhánh Hà Tĩnh. |