Sáng 18/7, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp lần thứ 20 HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII, Giám đốc TN&MT Lê Ngọc Huấn là một trong các lãnh đạo ngành đăng đàn trả lời chất vấn.
Trả lời câu hỏi của cử tri về việc giải pháp bảo đảm nước sạch phục vụ sinh hoạt cho người dân, nhất là các xã vùng bãi ngang, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt cho hay: Toàn tỉnh hiện có 25 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung cấp nước cho 309.560 người dân (77.390 hộ) sử dụng. Ngoài ra, có hơn 210.000 công trình cấp nước nhỏ lẻ (giếng khoan, giếng đào…). Đến nay, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn là 64,1%, trong đó tỷ lệ sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung là 26,79%. Toàn tỉnh có 31 xã thuộc vùng bãi ngang ven biển, với tổng dân số 57.667 hộ, đến nay, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn là 62%.
Những năm qua, thông qua công tác đầu tư các nhà máy cấp nước, đã nâng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung toàn tỉnh tăng từ 19,35% (năm 2021) lên 26,79% (tăng thêm 7,44%).
Do nguồn ngân sách địa phương còn hạn chế, vì vậy, đến nay mới đầu tư xây dựng được một số công trình tại các vùng có nhu cầu cấp bách, vùng ô nhiễm môi trường xăng dầu, thuốc bảo vệ thực vật… Còn nhiều địa phương, nhiều vùng chưa được đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung như các xã thuộc vùng bãi ngang ven biển các huyện, thị xã.
Về giải pháp thời gian tới, Sở NN&PTNT tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng và quá trình quản lý vận hành sau đầu tư; rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình để có các phương án quản lý khai thác theo đúng quy định; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ. Cùng đó, tiếp tục rà soát, tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí ngân sách Trung ương được phân bổ theo quy định, ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực khác tiếp tục đầu tư xây dựng mới các công trình cấp nước tập trung; đôn đốc, chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ để lắp đặt các thiết bị, hệ thống xử lý nước nhỏ lẻ, cấp nước hộ gia đình...
Trả lời câu hỏi của cử tri về thực trạng nhiều diện tích rừng bị thu hồi để triển khai công trình dự án, vậy việc trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh được thực hiện như thế nào, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo Sở NN&PTNT rà soát quỹ đất để giao kế hoạch, bố trí kinh phí thực hiện trồng rừng thay thế theo quy định.
Để thực hiện nội dung này, tỉnh tiếp tục kiến nghị Bộ NN&PTNT cho phép sử dụng kinh phí trồng rừng thay thế để thực hiện khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung. Sở sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh giao kế hoạch, khối lượng trồng rừng thay thế cho các ban quản lý rừng… Đối với diện tích đã trồng rừng thay thế của năm 2023 thì tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chủ rừng tổ chức thực hiện chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng đã trồng theo quy định. Đồng thời, giao Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh thực hiện các thủ tục thanh toán, giải ngân tiền trồng rừng thay thế đảm bảo theo tiến độ; phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện trồng rừng thay thế của các ban quản lý rừng được giao kinh phí trồng rừng thay thế theo quy định.
Trao đổi với Giám đốc Sở NN&PTNT, đại biểu Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh (tổ đại biểu TP Hà Tĩnh) đặt câu hỏi về việc đánh giá mô hình nông nghệp hũu cơ, nông nghiệp tuần hoàn và chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp.
Giám đốc Sở NN&PTNT trả lời, thời gian qua, ngành đã chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp; tập trung sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá có giá trị thương hiệu. Trên địa bàn Hà Tĩnh cũng đã hình thành sản phẩm chủ lực, có chất lượng, thương hiệu và truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm liên kết tiêu thụ tại nhiều cửa hàng có địa chỉ rõ ràng.
Giám đốc Sở NN&PTNT cũng làm rõ thêm những sản phẩm được ngành chức năng chứng nhận. Các mô hình sản xuất nông nghiệp tại Hà Tĩnh được các tỉnh bạn tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm.
Kết quả bước đầu cho thấy tín hiệu khả quan trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Sắp tới, ngành sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp theo Quyết định số 1216/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2024 - 2030.
Về chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, thời gian qua, ngành đã thực hiện đồng đều trên tất cả các lĩnh vực; một số mô hình đạt hiệu quả; mạnh dạn du nhập một số cây trồng mới, đánh giá tính thích ứng với điều kiện của địa phương để triển khai thực hiện nếu hiệu quả.
Kết thúc phiên làm việc buổi sáng, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐNĐ tỉnh Hoàng Trung Dũng ghi nhận những nội dung đã được các Ủy viên UBND tỉnh trả lời rõ trọng tâm, trọng điểm.
Trao đổi các nội dung được cử tri gửi đến kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐNĐ tỉnh đề nghị UBND TP Hà Tĩnh và các ngành chức năng liên quan kiểm tra, đưa ra giải pháp phù hợp đối với các vấn đề: lò giết mổ gia súc ở phường Tân Giang tồn tại nhiều năm ở khu dân cư, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân; UBND TX Kỳ Anh kiểm tra, làm rõ nội dung người dân ngăn xe chở than của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 gây ách tắc giao thông. Ngoài ra, đối với các nội dung liên quan đến đảm bảo an ninh trật tự, lừa đảo trên không gian mạng, đề nghị các đại biểu quan tâm tiếp thu, giải quyết.