Dầu động cơ có vai trò rất quan trọng và ảnh hưởng đến hiệu suất và tuổi thọ của động cơ. Nó giúp duy trì hoạt động, bảo vệ và giúp cho động cơ ô tô hoạt động lâu bền, chính xác và hiệu quả. Hệ thống bơm sẽ phun dầu nhớt vào mọi ngóc ngách bên trong động cơ để tạo thành lớp đệm trơn trên bề mặt tiếp xúc giữa các chi tiết, làm giảm lực ma sát và tăng hiệu suất vận hành. Đồng thời, việc hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa các chi tiết giúp giảm thiểu sự mài mòn các bề mặt kim loại, có tác dụng bảo vệ và tăng tuổi thọ của động cơ. Dầu này bôi trơn cho các chi tiết kim loại chuyển động trong động cơ, giúp giải nhiệt, chống ăn mòn và làm sạch động cơ.
Dầu động cơ không được thay kịp thời sẽ gây những hỏng hóc nghiêm trọng. Ảnh minh họa
Theo kỹ sư bảo dưỡng ô tô Vũ Văn Thuân (gara ô tô Quốc Bình), sau một thời gia sử dụng, dầu động cơ có cặn bẩn mạt là do quá trình động cơ hoạt động lâu ngày dưới tác dụng của nhiệt độ và trong quá trình hoạt động của động cơ có những cặn bẩn do các chất phụ gia của dầu và động cơ trong đó có các mạt sắt, thép. Nếu tài xế không kịp thời thay dầu có thể gây ra một loạt sự cố cho xe.
Sau một thời gia sử dụng, lượng dầu không chỉ hao hụt mà dầu sẽ mất dần đi khả năng bôi trơn, ma sát giữa các chi tiết máy lớn hơn sinh ra nhiệt nên sẽ khiến xe tiêu thụ lượng nhiên liệu lớn hơn. Khi động cơ hoạt động, nhiệt lượng tỏa ra từ quá trình đốt cháy nhiên liệu là rất lớn vì vậy dẫn đến hao xăng, dầu nhanh chóng. Bên cạnh đó nhờ quy trình luân chuyển liên tục, dầu nhớt sẽ có tác dụng làm mát, lượng dầu không đủ khiến động cơ nóng nhanh chóng, gây hư hỏng các chi tiết máy.
Quá trình đốt cháy nhiên liệu sẽ sản sinh ra muội đọng lại trong động cơ, tác dụng của dầu nhớt chính là cuốn trôi và làm sạch những muội bám này. Dầu càng cũ càng dễ bị đốt cháy và sinh ra khí thải độc hại. Nếu dầu được thay đúng hạn sẽ giúp xe xả thải ít hơn nhiều.
Bề mặt của các chi tiết kim loại trong động cơ được bao bọc bằng một màng dầu mỏng có tác dụng hạn chế sự tiếp xúc với không khí. Tuy nhiên sau một thời gian sử dụng, chất lượng dầu kém đi và lượng dầu không đủ sẽ gây ra hiện tượng ôxy hóa dẫn đến han gỉ chi tiết kim loại trong động cơ.
Các chuyên gia kỹ thuật về ô tô khuyến cáo, thay dầu thường phụ thuộc vào quãng đường thường xuyên đi dài hay ngắn, tải trọng xe... Tuy nhiên khoảng từ 5.000 km tài xế nên thay dầu động cơ, đối với xe tải, xe đường dài nên thay dầu ở mức khoảng 3.000 km.