Anthony Powell, nhiếp ảnh gia đảm nhận nhiệm vụ quay phim chụp hình những nhà nghiên cứu làm việc ở Nam Cực trong suốt 15 năm qua. Hãy thử tưởng tượng nhiệt độ ngoài trời có thể hạ thấp xuống -50 độ C khiến ngay cả hơi thở cũng đủ để đóng băng ngay tức khắc. Những con người ở đây phải chiến đấu với sức gió lên tới 62 km/h, thậm chí cắm trại ngoài trời vào mùa đông. Suốt 15 năm ròng rã, Powell dần dần thích nghi với cuộc sống tại vùng đất khắc nghiệt nhất thế giới, vượt qua những cú sốc văn hóa.
Nhiếp ảnh gia đứng trước dòng sông băng Barne
Hiện tại ở Nam Cực có 30 trạm nghiên cứu để các nhà khoa học sinh sống và làm việc. Các trạm nghiên cứu này thuộc nhiều quốc gia khác nhau. Trong khi đó, nhiệm vụ của Powell là ghi hình những thước phim tài liệu về cuộc sống hàng ngày của họ.
Vẻ đẹp bầu trời đêm của ánh sáng cực quang
Đối diện với cái lạnh khắc nghiệt -50 độ C, những người làm việc tại đây phải mặc quần áo làm từ lông cừu, độn thêm nhiều lớp túi ngủ, mũ trùm kín mặt và chỉ hở đôi mắt bé tý. Tuy nhiên, những cơn gió lạnh buốt cũng đủ để khe hở giữa các lớp quần áo trở nên lạnh tê tái.
Nhiếp ảnh gia và Christine, vợ của mình đã gặp nhau khi cả hai cùng làm việc tại Nam Cực. Họ yêu nhau và kết hôn.
Những người sống ở Nam Cực phải chấp nhận từ bỏ những điều bình dị nhất của cuộc sống. Họ thậm chí không có thực phẩm tươi trong vòng 6 tháng của 1 năm. Powell tiết lộ: “Suốt mùa hè, chúng tôi nhận được hàng từ những chuyến bay đi tới. Nhưng tới mùa đông thì không có gì cả. Tất cả chỉ là thực phẩm đông lạnh và đồ ăn đóng gói. Một số cơ sở có rau xanh nhưng trồng từ máy phát điện diesel rất tốn kém. Chúng tôi chỉ nhận được món salad nhỏ một lần trong vài tuần”.
Bên trong động băng
Các chuyến bay cung cấp những món thực phẩm tươi sống cần thiết như thịt và sữa cho cả trạm nghiên cứu bao gồm Mỹ, New Zealand. Trước đó, chuyến bay cuối cùng trong năm khởi hành vào khoảng tháng 3 và sẽ không quay lại đây một lần nữa cho tới tháng 8.
Theo lời kể của nhiếp ảnh gia, những động vật ở Nam Cực rất thân thiện. Chúng hoàn toàn không sợ hãi, thậm chí khá tò mò về con người.
Cũng theo câu chuyện chia sẻ của nhiếp ảnh gia Powell, các nhà nghiên cứu làm việc tại đây thường trực cuộc sống cô đơn trong giá lạnh. Họ chỉ có thể liên lạc với gia đình, bạn bè thông qua các kênh truyền thông mạng xã hội hay điện thoại, thường xuyên bỏ lỡ những sự kiện trong đại như ngày sinh, tang lễ, lễ tết. Họ thậm chí phải bỏ qua cả những điều tưởng chừng đơn giản nhất, thưởng thức mùi bơ thơm trên bánh mỳ nướng, hương của hoa và trái đất.
Chống chọi với cái lạnh -50 độ C
Tại Nam Cực, sự chênh lệch ánh sáng giữa mùa hè và mùa đông rất lớn. Nếu như mùa hè ánh sáng chan hòa và mặt trời không bao giờ lặn, thì đến mùa đông, trời luôn trong trạng thái tối đen như mực. Riêng Powell, anh lại thấy mùa đông dễ chịu hơn. “Tôi nhận thấy tuy mùa đông tăm tối nhưng dễ dàng làm việc hơn với với tình trạng ánh sáng suốt 24 giờ như mùa hè. Ánh nắng liên tục còn làm gián đoạn giấc ngủ của tôi”.
Ống kính đông cứng
Tuy nhiên, nhiếp ảnh gia cho biết, mùa đông Nam Cực kéo dài khiến con người dễ mắc hội chứng T3 Polar. Một trong những biểu hiện của hội chứng này bao gồm mất trí nhớ ngắn hạn, thiết tập trung, hay nhìn mông lung, quên những từ ngữ thường dùng hàng ngày… “Mùa đông kết thúc cũng là lúc bạn có những trải nghiệm kỳ lạ, đặc biệt khi bạn chuẩn bị về nhà”, anh nói.
Nhiếp ảnh gia cũng khẳng định, con người sẽ gặp khó khăn khi điều chỉnh lại cuộc sống bình thường như trước kia. “Không ai muốn sống mãi ở đây. Chủ yếu những người tại đây làm việc trong trạm nghiên cứu vì niềm đam mê, thích khám phá, nhưng cần bản lĩnh để đối diện thử thách”.
Một nhóm nghiên cứu làm việc ở Nam Cực